Cá tra đang là sản phẩm được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, sức tiêu thụ cá tra và tôm ở một số thị trường chính duy trì ổn định cũng giúp việc tiêu thụ nguyên liệu khả quan.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng Chín tăng khá mạnh do nguồn cung yếu, hiện dao động ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg tùy theo chất lượng cá và phương thức thanh toán.

Còn đối với cá tra nguyên liệu size lớn, trọng lượng trên 1 kg/con hiện cũng có giá 24.500 - 25.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 2.500 đồng/kg so với tháng trước. Giá cá tra giống có xu hướng tăng giá do khan hàng và nhu cầu thả nuôi tăng cao.

Hiện người nuôi cá tra cũng đang tích cực thu hoạch phục vụ nhu cầu của các nhà máy chế biến dịp cuối năm. Sản lượng thu hoạch 9 tháng tăng trưởng khá, đạt 998.000 tấn (tăng 9,8%). Trong số đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra lớn vẫn phát triển nuôi mạnh là Đồng Tháp với sản lượng 390.000 tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ, Cần Thơ với sản lượng đạt 133.900 tấn (tăng 13,5%).

Đồng thời, giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng Chín có chiều hướng tăng mạnh, nhất là mặt hàng tôm sú với mức tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước.

Cụ thể, tại Bạc Liêu, Cà Mau giá tôm sú nguyên liệu được thương lái mua tận hộ dân, loại 20 con/kg dao động từ 260.000 - 270.000 đồng/kg, loại 30 con giá từ 225.000 - 235.000 đồng/kg, đặc biệt loại tôm sú sống chạy ôxy có giá bán cao hơn tôm ướp đá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg nhưng luôn “hút hàng.”

Giá tôm thương phẩm cao hơn so với trước đây, tôm thẻ chân trắng, cỡ 60 - 70 con/kg, giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg; cỡ 100 - 110 con/kg, giá từ 100.000 - 105.000 đồng/kg. Tôm sú, cỡ 40 - 50 con/kg, giá từ 220.000 - 230.000 đồng/kg; cỡ 70 - 80 con/kg giá từ 140.000 - 150.000 đồng/kg.


Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước 9 tháng ước đạt 696.200ha, tăng 4,4% và sản lượng thu hoạch ước đạt 468.300 tấn, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thời tiết thuận lợi, tôm thẻ chân trắng thả nuôi ít xảy ra dịch bệnh nên nhiều nơi thu hoạch có lãi.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng giải thích, giá tôm và cá tra nguyên liệu tăng vào thời điểm hiện nay này là do thị trường xuất khẩu đang "hút hàng" để đáp ứng nhu cầu cuối năm, trong khi nguồn cung hạn chế.

Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Chín ước đạt 696 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 9 tháng qua ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng qua, chiếm 55,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 8 tháng qua, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (tăng 63,3%), Hà Lan (tăng 35,1%), Anh (tăng 29,5%), Hàn Quốc (tăng 28%), Nhật Bản (tăng 27,7%), và Canada (tăng 21,5%).