Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 4 năm 2018 | 11:29

Giá thu mua nghệ bất ngờ "lao dốc," nhiều hộ nông dân lỗ nặng

Giá thu mua nghệ tươi tại Đắk Lắk đang xuống thấp, khiến người trồng nghệ thu hoạch không đủ bù vào chi phí sản xuất và nhân công, nhiều nông hộ rơi vào cảnh trắng tay sau một niên vụ đầu tư trồng nghệ.

 

Người dân xã Xuân Phú (huyện Ea Kar) thu hoạch nghệ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)



Nếu như trong những năm 2015-2017, giá nghệ tươi luôn dao động từ 8.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg thì sang năm nay, giá nghệ tươi chỉ còn 2.000-2.500 đồng/kg. So với các năm trước, người trồng nghệ không có lãi sau một mùa đầu tư chăm sóc, thậm chí chấp nhận thuê nhân công thu hoạch dù bị thua lỗ. 

Gia đình chị H’Tlun Mlô, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, Đắk Lắk, trồng 2 sào nghệ với giá nghệ như các năm trước có thể thu lãi hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất và nhân công. 

Tuy nhiên, năm nay, theo tính toán của chị H’Tlun Mlô, với 2 sào trồng nghệ, mất khoảng 4 triệu chi phí mua giống và phân, cần 30 nhân công để thu hoạch với giá 150.000 đồng/ngày/1 nhân công. Hiện tại dù chị H’Tlun Mlô thu hoạch được hơn 1 tấn nghệ/2 sào nhưng gia đình chị vẫn chấp nhận chịu lỗ khoảng gần 10 triệu đồng để thu hoạch nghệ nhằm kịp lấy đất gieo trồng niên vụ mới. 

Như vậy, sau một niên vụ đầu tư chăm sóc, người nông dân không thu được lãi mà còn phải chấp nhận chịu lỗ và chỉ biết trông chờ giá nghệ năm sau. Không chỉ thua lỗ sau một mùa bỏ công chăm sóc, nhiều nông hộ còn loay hoay với bài toán chuyển đổi cây trồng sau nhiều năm vẫn chưa tìm ra "đáp án."

Chị H’Djuang Mlô, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết trước đây, gia đình chị sử dụng 2 sào đất canh tác nông nghiệp để trồng càphê, nhưng khi hồ tiêu lên giá, đem lại lợi nhuận cao, chị đã phá bỏ vườn càphê để trồng tiêu. 

Năm 2017, do tiêu bị bệnh chết hàng loạt, gia đình chị phải phá tiêu để trồng nghệ. 

"Chưa kịp thu lãi từ cây nghệ thì giá nghệ xuống thấp khiến việc thu hoạch không đủ chi phí sản xuất, làm cho kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn," chị H’Djuang Mlô nói. 

Người dân xã Xuân Phú (huyện Ea Kar) thu hoạch nghệ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết mặc dù cây nghệ đã đến kỳ thu hoạch, nhưng nhiều hộ trồng nghệ tại huyện Ea Kar vẫn không thu hoạch nhằm "găm hàng chờ tăng giá." 

Cũng theo ông Cư, sở dĩ giá nghệ giảm mạnh tại Đắk Lắk là do từ năm 2015-2017 giá nghệ tăng cao, canh tác cây nghệ đơn giản, chi phí đầu tư thấp, năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha, nông dân có thể thu lãi gần 100 triệu đồng/ha. Do đó, người dân trên địa bàn huyện Ea Kar đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng nghệ, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu vào năm 2018 và đẩy giá nghệ xuống thấp nhất từ trước tới nay. 

Theo quy hoạch của huyện Ea Kar, năm 2017, diện tích cây nghệ của địa phương dao động từ 500-600 ha, nhưng hiện nay diện tích nghệ tại huyện Ea Kar đã tăng lên 1.680 ha, bất chấp quy hoạch của địa phương. 

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng-Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết đa số diện tích nghệ tại tỉnh Đắk Lắk đều do nông dân trồng tự phát khi giá nghệ của các năm trước tăng cao. Hơn nữa, do người dân thiếu thông tin về thị trường nên khi sản xuất với diện tích và sản lượng lớn, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá thành. Hiện giá nghệ chỉ ở mức từ 2.000-2.500 đồng/kg nghệ tươi, nông dân thu hoạch sẽ bị lỗ tiền giống, phân và nhân công thu hoạch.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo người dân, đối với cây trồng nói chung và cây nghệ nói riêng, người dân cần nắm bắt thông tin thị trường và chỉ mở rộng diện tích khi ký kết được hợp đồng đảm bảo bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Việc trồng tự phát làm tăng đột biến diện tích cây trồng sẽ dẫn đến thị trường không ổn định, đầu ra khó khăn và gây thiệt hại đến người sản xuất. 

Thống kê cho thấy hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 5.000 ha diện tích trồng nghệ, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Pắk, M’Đrắk, Krông Năng…./.
 
 
 
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top