Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 5 năm 2017 | 5:45

Giải cứu ngành chăn nuôi lợn: Cần một giải pháp căn cơ và đồng bộ

Những ngày này, nhiều bộ ngành, các doanh nghiệp và người dân vào cuộc “giải cứu” người chăn nuôi lợn bằng nhiều hình thức.  Nhưng đây chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt, muốn “cứu” ngành chăn nuôi, thì cần phải thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống hiện nay.

Công ty CP Lebio thu mua lợn từ trang trại của ông Nguyễn Văn Thắng, xã Đôn Nhân (Sông Lô - Vĩnh Phúc).

Đồng loạt vào cuộc “giải cứu” lợn

Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các ngành chức năng, doanh nghiệp, người dân tham gia giải cứu đàn lợn cho bà con nông dân, ngay lập tức, Ngân hàng LienVietPostBank đã tung ra gói cho vay hỗ trợ.

Theo đó, LienVietPostBank sẽ dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 1 năm.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết Bộ này sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con chăn nuôi bằng cách ưu tiên dùng thịt lợn trong bữa ăn và nếu giải quyết sớm thì lực lượng quân đội sẽ tiêu thụ hàng ngàn tấn thịt lợn mỗi tháng. Trong khi đó, Bộ Công an cũng đã họp thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ “giải cứu” thịt heo cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cam kết sẽ giúp bà con chăn nuôi tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt heo từ giờ đến cuối năm trong bếp ăn của các lực lượng trên cả nước. Trước mắt sẽ tiêu thụ khoảng 70.000 tấn thịt lợn/tháng giúp bà con chăn nuôi.

Tại Đồng Nai, nơi được coi là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi heo cả nước, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chính thức mở điểm bán thịt lợn bình ổn giá tại thành phố Biên Hòa nhằm hỗ trợ người chăn nuôi. Theo đó, Hiệp hội sẽ thu mua lợn cho người nông dân với giá cao hơn giá thương lái đang thu mua và bán ra thấp hơn từ 20-30% so với giá thịt lợn trên thị trường. Cụ thể, sẽ thu mua lợn hơi tại trại cho người chăn nuôi với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thương lái đang thu mua khoảng 7.000 đồng/kg. Hiệp hội dự kiến sẽ mở 6 điểm bán thịt lợn bình ổn giá trên địa bàn thành phố Biên Hòa, sau đó căn cứ vào tình hình khảo sát thị trường sẽ tiếp tục mở thêm nhiều điểm bán thịt về các huyện.

Mới đây, Công ty CP Lebio đã tiến hành thu mua 330 con lợn từ trang trại của ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Hoà Bình, xã Đôn Nhân (Sông Lô - Vĩnh Phúc). Đây là đợt thu mua đầu tiên trong cam kết thu mua 40.000 con lợn của Lebio trong đợt giải cứu này với giá cam kết khoảng 35.000 đồng/kg lợn hơi. 

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đến nay, đã có 50 công ty, doanh nghiệp sản xuất thức ăn cam kết và thực hiện hạ giá thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Bên cạnh đó, có một số công ty như Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, Vissan… đều đã tăng số lượng thu mua và giết mổ lợn.

Không thể chăn nuôi lợn theo cách cũ

Theo đánh giá, việc thương lái Trung Quốc ngừng thu mua khiến giá lợn hơi giảm trong thời gian dài chỉ như “giọt nước tràn ly” bởi trên thực tế, trong nội tại ngành chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ (hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng đang chiếm khoảng 65 - 70% đầu con) nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương mua gom và tự giết mổ. Chính điều này gây khó khăn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị. Sản xuất tự phát nên không có hợp đồng bao tiêu dẫn tới giá bấp bênh...

Sau khi rà soát số liệu nhập khẩu, nguồn cung, sức tiêu thụ của thị trường, sản lượng đàn lợn tồn trong kho cũng như đánh giá những bất cập còn tồn tại, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các Sở Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý. Bộ này sẽ xem xét việc đến việc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tổ chức quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi, nhanh chóng công bố hết dịch; tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công Thương trong việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch. Chỉ đạo hoạt động sản xuất chăn nuôi phải gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường gắn kết thông qua hợp đồng giữa sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, phân phối; đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường xuất khẩu cho lợn sống, lợn sữa, thịt lợn đông lạnh Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Philippines, Singapore…

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top