Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 5 năm 2018 | 15:40

Giải pháp nâng cao chất lượng chè Shan tuyết

Nằm ở biên giới địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang có diện tích chè nằm trong tốp đầu cả nước, với nhiều sản phẩm chè nổi tiếng được người tiêu dùng ưa thích.

1.jpg
Chè Shan tuyết sống trên dãy níu Tây Côn Lĩnh, ở độ cao trên 1.400m, có tuổi thọ hàng trăm năm, tạo ra loại chè chỉ riêng ở Hà Giang mới có. Ảnh: KCXTCT Hà Giang.

 

Nằm ở biên giới địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang có diện tích chè nằm trong tốp đầu cả nước, với nhiều sản phẩm chè nổi tiếng được người tiêu dùng ưa thích. Trong đó, có một sản phẩm đặc trưng, đó là chè Shan tuyết. Giống chè này đang được tỉnh đầu tư nâng cao chất lượng với định hướng vươn ra thị trường thế giới, chinh phục các thị trường khó tính.

Bài 1: Chè Shan tuyết, đặc sản riêng có của Hà Giang

Được thiên nhiên ưu đãi, Hà Giang có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất nước. Chè Shan tuyết là loại chè đặc sản nổi tiếng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, giá trị mang lại chưa tương xứng. Với định hướng vươn ra thế giới, Hà Giang quyết không để tiềm năng ngủ quên.

Tiềm năng lớn

Hà Giang hiện có 20.626ha chè, năng suất trung bình đạt 37 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 67.533 tấn. Giá trị sản xuất hàng năm là 303.986 triệu đồng. Thu nhập bình quân từ 20-30 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, Hà Giang có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước, chiếm tới 18.500ha/20.626ha, tập trung tại hai huyện Hoàng Su Phì,  Xín Mần và một số xã vùng cao của các huyện Quang Bình, Vị Xuyên, năng suất bình quân 17-18 tạ/ha, sản lượng 33.000 tấn.

Chè Shan tuyết là đặc sản trên dãy núi cao Tây Côn Lĩnh, được hái từ cây chè cổ thụ mọc ở độ cao trên 1.400m. Dân bản gọi là chè Shan tuyết vì mùa đông tuyết phủ trắng ngọn cây, ấp ủ những tinh hoa trời đất đợi đến mùa xuân để đâm chồi nảy lộc, sau khi hái lượm, chế biến đã tạo ra sản phẩm chè sạch tự nhiên.

Cây chè Shan tuyết có thâm niên tới hơn 300 tuổi, thân to lớn phủ một màu trắng mốc, được thừa hưởng khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù nên chè ở đây búp to. Chè không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, được người dân thu hái thủ công. Phần búp chè có màu trắng xám, được phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết - giống chè hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh.

Về chế biến, kinh doanh chè, Hà Giang hiện có 2 công ty cổ phần; 4 công ty TNHH, xí nghiệp; 29 HTX, xưởng chế biến và có trên 400 cơ sở chế biến nhỏ quy mô hộ gia đình. Chế biến chè đã có chuyển biến tích cực, một số cơ sở có dây chuyền công nghệ tương đối lớn, sản phẩm chè chế biến có chất lượng cao được thị trường chấp nhận.

Chè Shan tuyết có chất lượng cao nhưng do bà con chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh, nên năng suất  đạt thấp. Sản phẩm chè sau chế biến chủ yếu vẫn còn là nguyên liệu thô nên giá trị thấp.

Cùng với giá nguyên liệu thấp, không ổn định, năm 2017, giá chè búp tươi vùng thấp đạt 3.500 - 4.500 đồng/kg; vùng cao 6.000 - 12.000 đồng/kg. Giá bán sản phẩm còn thấp, trung bình 1kg chè xanh 50.000 - 60.000 đồng, chè chất lượng cao 100.000 - 150.000 đồng.

Kết quả bước đầu

Để nâng cao giá trị chè, HĐND tỉnh Hà Giang đã có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân để thâm canh vườn chè (vườn chè đủ điều kiện để xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ), mức vay vốn được hỗ trợ lãi tối đa 30 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.

Đến ngày 24/4/2018, Hà Giang đã hỗ trợ cho gần 70 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 7.271 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Hà Giang đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng VietGAP và hữu cơ. Đến nay, tổng diện tích chè được cấp chứng nhận hữu cơ và VietGAP là 3.404ha, chiếm 18,8 % diện tích chè toàn tỉnh. Sau khi được chứng nhận, sản phẩm chè búp tươi đạt chất lượng hữu cơ giá bán tăng gấp 3  - 4 lần so với sản xuất thông thường (giá chè búp tươi 15.000 - 20.000 đồng/kg).

Đặc biệt, đã có sự liên kết giữa DN, HTX với người sản xuất. Toàn bộ sản phẩm chè búp tươi thu hái được doanh nghiệp, HTX chế biến tổ chức thu mua  nên không bị ép giá, người sản xuất có thu nhập ổn định.

Tại Hoàng Su Phì, những năm qua, huyện đã áp dụng các biện pháp tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất chè búp an toàn, cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và một số nước châu Á. Huyện hiện có 700ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU là 294ha.

Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, HTX chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) là đơn vị tiên phong trong đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất đủ tiêu chuẩn sản xuất chè hữu cơ. Đây cũng là đơn vị duy nhất được cấp chứng nhận hữu cơ EU từ năm 2015 đến nay. Nhiều dòng sản phẩm của HXT như: chè xanh duỗi, hồng trà, trà đen và trà pái hảo đã vào được thị trường châu Âu và một số thị trường khác như: Đài Loan, Trung Quốc, Nga.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chè

Những năm tới, Hà Giang xác định ổn định diện tích chè đã có, tập trung đầu tư trồng dặm đảm bảo mật độ theo quy trình kỹ thuật trên đơn vị diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Đến năm 2020, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 25.237ha, năng suất đạt trung bình 52 tạ/ha.

Đồng thời xác định tập trung vào sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất chè an toàn và chè hữu cơ. Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tập trung vào hai loại sản phẩm chè hữu cơ và chè VietGAP.

Các nhà máy, cơ sở chế biến phải đăng ký hoạt động kinh doanh, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải có vùng nguyên liệu hoặc có ký kết hợp đồng với người sản xuất bao tiêu sản phẩm. Các doanh nghiệp phải xây dựng và chứng minh được vùng nguyên liệu chè của mình trên cơ sở các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thâm canh diện tích chè tại các huyện vùng thấp, áp dụng đúng theo quy trình trồng, chăm sóc hữu cơ. Đối với các diện tích chè vùng cao, chè cổ thụ, khuyến khích người dân chăm sóc, tận dụng tối đa các nguồn phân bón hữu cơ sẵn có như phân chuồng, phân xanh..., hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ trên, chất lượng chè Shan tuyết Hà Giang không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn vươn tới nhiều nước khó tính khác.

 

Bài 2: Đẩy mạnh quảng bá

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top