Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 9 năm 2018 | 13:44

Giải pháp ngăn chặn tín dụng đen?

Những năm gần đây, hoạt động tín dụng đen lan rộng. Một mặt, các nhóm tội phạm tìm cách giăng bẫy người vay bằng thủ tục đơn giản, nhanh gọn, từng bước đưa con nợ vào tròng.

Mặt khác, nhiều người dân vì ham cho vay với lãi suất cao, khi con nợ bỏ trốn thì mất trắng. Nhiều biện pháp ngăn chặn đã được triển khai nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao.

1_67626.jpg
Vì nhiều lý do khác nhau hoạt động tín dụng đen tại nước ta hiện rất khó xử lý triệt để. (Nguồn: internet).

Muôn kiểu tín dụng đen

Để “câu” được con mồi dính bẫy, các đối tượng tìm cách phát tờ rơi, dán quảng cáo, gọi điện thoại chào mời, với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chỉ bằng hộ khẩu, chứng minh thư, bằng lái xe, tạm ứng tài sản có giá trị… Nhiều người đang cần tiền đã bị “sập bẫy”, khi nhận tiền liền bị giữ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày với mức lãi suất 5.000 - 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, thậm chí còn cao hơn.

Khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, người vay không có đủ tiền để trả góp hằng ngày, liền bị các “chủ nợ” đòi theo kiểu xã hội đen như: đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, buộc bán giá rẻ mạt nhà cửa, đất đai để xóa nợ…

Gia đình khó khăn nên mỗi lần con cái ốm hay nhà hết ăn, chị H’Min ở xã Chư Drăng (Krông Pa - Gia Lai) lại tìm đến nhà bà M.C để ứng tiền. Chị H’Min cho biết, mình ứng 300.000 đồng, sau này đến vụ thu hoạch mỳ (sắn), bà M.C sẽ đến lấy 3 bao mỳ khô trừ nợ. Ngoài ra, mình đã ứng bà M.C 5 bao gạo, tới năm 2019, mà không trả được sẽ thành 10 bao.

Được biết, một số người dân ở xã Chư Drăng mỗi khi hết gạo đã ra một số “đại lý” ứng trước, mỗi bao bị tính 700.000 đồng, trong khi mua bên ngoài trả tiền luôn chỉ có 450.000 đồng. Ứng 1 triệu đồng sẽ phải trả 10 công làm, trong khi mỗi công được trả 200.000 đồng. Theo ông Rơ Ô Loan, Trưởng thôn buôn Chai (xã Chư Drăng), trong buôn có hơn 200 hộ dân thì có hơn một nửa số hộ đã sa vào bẫy “cung ứng”.

Tại xã Phúc Than (Than Uyên - Lai Châu), nhiều hộ dân lại đem tiền cho vay với lãi suất cao. Khi con nợ bỏ trốn, người dân mới tá hỏa mình bị lừa.

Gia đình anh Vàng Văn Đ. ở đội 11 (xã Phúc Than) vốn là hộ nghèo, thuộc diện di dân tái định cư thủy điện, được đền bù hơn 700 triệu đồng. Sau khi mua đất, làm nhà, mua đất canh tác, hơn 400 triệu đồng còn lại anh Đ. cho vay ngoài với lãi suất cao. Giờ đây, con nợ bỏ trốn, hơn 400 triệu đồng anh Đ. cho vay có nguy cơ mất trắng.

Được biết, không riêng gì gia đình anh Đ., trên địa bàn huyện Than Yên có hàng trăm người dân cho vay với lãi suất cao đang có nguy cơ trắng tay. Nạn nhân đa số thuộc diện tái định cư thủy điện, trong đó, có cả cán bộ, công chức xã cũng bị “sập bẫy”. Đến nay, tại Than Yên có trên 350 hộ dân có nguy cơ mất trắng, với số tiền khoảng  24 tỷ đồng.

Cuối tháng 8 vừa qua, người dân thôn Phấn Động, xã Tam Đa (Yên Phong - Bắc Ninh) lâm vào tình cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên” khi bà Nguyễn Thị Khanh (57 tuổi) tuyên bố vỡ nợ.

Tại cơ quan công an, bà Khanh khai đã huy động khoảng 120 tỷ đồng với lãi suất từ 1.000-1.500 đồng/triệu/ngày và cho một người phụ nữ khác trong thôn vay lại để kinh doanh gỗ với mức lãi 2.000 đồng/triệu/ngày. Sau nhiều lần đòi nợ bất thành, ngày 5/8, bà Khanh thông báo không thể trả lại tiền theo cam kết. Sau đó, gia đình bà bị nhiều người lạ mặt đến gây rối. Bi kịch nhất là ông Tr. (chồng bà Khanh) không chịu nổi sức ép đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, cho biết,  bà Khanh tổ chức vay vốn của người dân địa phương từ nhiều năm nay nhưng không thông báo chính quyền. Bà Khanh là người hiền lành, trả lãi sòng phẳng nên nhiều người tin tưởng, cho vay tiền. 

Khó xử lý!?

Tín dụng đen là hình thức cho vay tiền, tài sản có giá trị nằm ngoài các quy định của pháp luật. Đa phần bên vay và cho vay thỏa thuận miệng với nhau hoặc có giấy tờ nhưng không đúng quy định, lãi suất 2 bên tự thương lượng nên rất cao. Đặc biệt, việc cho vay là giao dịch dân sự nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện, ngăn ngừa.

Đa số các vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra thì cơ quan chức năng mới biết, lúc này, hậu quả đã quá lớn và rất khó xử lý. Nguyên nhân là những quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng đen còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, cùng với đó, công tác quản lý của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều yếu kém.

Theo trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội, trong nhiều trường hợp, cơ quan bảo vệ pháp luật rất muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó, nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay, vì vậy, khi đưa ra toà xét xử thì người vay vẫn là bên yếu thế.

Còn theo ông Chu Quang Tiến, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, cho rằng không ai lấy được nhà của họ. Vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp nhiều khó khăn.

“Những băng nhóm cho vay nặng lãi thường đi kèm với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do vậy, các băng nhóm tín dụng đen rất am hiểu pháp luật, có nhiều chiêu lách luật nên rất là khó trong quá trình thu thập chứng cứ, xử lý”, ông Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn Công an TP.HCM cho biết.

Đặc biệt, nếu cần manh động như: đâm chém hay quậy phá, cưỡng đoạt…, nhóm cho vay nặng lãi thường sử dụng những kẻ giấu mặt, có trường hợp chúng huy động đồng bọn từ địa phương khác đến gây án rồi rút đi nên gây khó khăn cho công tác điều tra.

Được biết, trung bình mỗi ngày, cả nước có 4 vụ vỡ nợ tín dụng đen. Trong 5 năm qua, nước ta có hơn 6.000 vụ việc liên quan đến tín dụng đen, trong đó, có 41 vụ giết người, 588 vụ cướp tài sản, hơn 300 vụ cố ý gây thương tích, hơn 1.000 vụ cưỡng đoạt tài sản…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ: Một, nhu cầu vay tín dụng của người dân là có thật và rất lớn. Tín dụng đen đang tồn tại theo nhu cầu, vay khá nhanh gọn, không khắt khe. Hai, có tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng nguồn vay từ tín dụng đen để trả nợ ngân hàng. Ba, sự phát triển công nghệ thông tin khiến cho cách tiếp cận giữa bên có nhu cầu càng trở nên thuận tiện. Bốn, nhiều người dân, doanh nghiệp có tiền nhưng không muốn gửi ngân hàng mà cho vay bên ngoài lấy lãi suất cao hơn.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các sản phẩm, dịch vụ tín dụng đến các chợ cấp 1, cấp 2… nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thống, thủ tục không phiền hà, từ đó góp phần hạn chế được vấn nạn tín dụng đen len lỏi trong dân chúng.

Hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn cho người có thu nhập thấp, người nghèo không có tài sản giá trị để thế chấp. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở cần sâu sát các hội viên, đoàn viên, kịp thời phát hiện và có biện pháp hỗ trợ những người, những hộ hoàn cảnh khó khăn để có sự trợ giúp kịp thời, tránh cho họ không rơi vào vòng xoáy của tín dụng đen.

Theo lãnh đạo Công an TP. Hồ Chí Minh, để hạn chế “bão” tín dụng đen, vấn đề căn cơ là các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chung tay, đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ ra các phương thức, thủ đoạn, chiêu trò… của tín dụng đen để người dân biết, hiểu, từ đó tăng cường cảnh giác, không tham gia vay tiền của dân xã hội, từ các nguồn không chính thống.

Trong phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 chuyên đề “Thị trường vốn - tài chính”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cần phải đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển”.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng thì họ phải tiếp cận tín dụng đen, tín dụng phi chính thức. Tuy nhiên, chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ những hình thức tín dụng đen có tính chất lừa đảo, trục lợi. Còn những hình thức tín dụng phi chính thức khác gặp nhau do cung cầu thì phải cân nhắc, học tập kinh nghiệm quốc tế”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia: “Tín dụng đen không hoàn toàn xấu. Lý do là tín dụng đen có thể đáp ứng nhu cầu của người cần vay ngay (vay nóng - PV). Bởi vậy, thị trường tín dụng đen cần phải được chính thức hóa, điều tiết bằng khuôn khổ pháp lý như kinh nghiệm ở một số nước, như Hà Lan chẳng hạn”.

Có nhiều lý do để tín dụng đen hoạt động và rất khó xử lý, trong đó, lý do chính là lợi nhuận cho vay cao. Các đối tượng tín dụng đen lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cho vay với lãi suất cao để trục lợi, còn người dân vì lòng tham cho vay ngoài với lãi suất cao, khi vỡ nợ thì mất trắng.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội cho biết, bằng công tác nghiệp vụ, lực lượng hình sự sẽ phát hiện những đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi để tổ chức răn đe, kiểm tra, phòng ngừa nghiệp vụ. Song, riêng lực lượng hình sự sẽ không đủ sức ngăn chặn “tín dụng đen”. Công an các cấp cũng như chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cần phải tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kết hợp với việc bóc xóa những tờ rơi quảng cáo gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.

Luật sư Vũ Quang Vượng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn LSTP Hà Nội), cho rằng, bên cạnh việc quản chặt hoạt động tín dụng đen thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, cũng như tác hại của tín dụng đen.

 

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thoản thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.


 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top