Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 4 năm 2016 | 4:49

Giáo viên đua nhau học chứng chỉ nghề nghiệp ở Hà Nam: Bất thường?

KTNTN - Thời gian gần đây, cán bộ giáo viên ở mọi cấp học, biên chế hay hợp đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều “nháo nhác” theo học lớp chứng chỉ tiếng Anh A2 (bậc 2 trong khung trình độ quy chuẩn tham chiếu châu Âu - CEFR), Tin học IC3... để đạt quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Công văn 212 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam.

Văn bản tréo ngoe

Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên như sau: giáo viên muốn nâng lương theo bậc học thì cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ A2 (tương đương bậc 2 (A1, A2, B1, B2, C1, C2) theo khung trình độ quy chuẩn tham chiếu châu Âu (CEFR), chứng chỉ Tin học IC3...

Ngày 25/2/2016, Sở GD&ĐT Hà Nam ban hành Công văn số 212/SGDĐT-TCCB về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gửi các đơn vị trực thuộc.

Thời gian học chứng chỉ ngoại ngữ A2 (theo Công văn số 256/ĐHSPHN-ĐT ngày 10/3/2016 gửi Sở GD&ĐT Hà Nam) là 100 tiết và khóa đào tạo kỹ năng IC3 mà Công ty cổ phần IIG Việt Nam có báo giá gửi Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam là 50 giờ.

Điều khiến dư luận băn khoăn là, với thời gian học ngắn như vậy có đủ để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hay lại tạo điều kiện cho nạn mua bán chứng chỉ hoành hành?

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, thông tư liên tịch giữa hai bộ là chưa khả thi, khó thực hiện. Bởi lẽ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã được trau dồi các kỹ năng này, giờ có thêm quy định này chẳng khác gì làm khó giáo viên. Đó là chưa kể họ đang phải gánh một khối lượng công việc chuyên môn tương đối lớn, hết tập huấn cách tính điểm mới theo Thông tư 30 đến tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, tích hợp liên môn, giải quyết tình huống thực tiễn, thi giáo viên giỏi, hướng dẫn học sinh các cuộc thi trên mạng internet... “Chúng tôi bỏ công việc, bỏ học sinh để đi ôn thi nhưng sau khi có chứng chỉ cũng không biết để làm gì”, một giáo viên dạy môn Thể dục than thở.

Sở có buông lỏng quản lý?

Trước những thông tin phản ánh của cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh Hà Nam, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã đặt lịch làm việc với bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam. Bà Lụa cho biết đang đi công tác và giao việc cho ông Nguyễn Văn Diệu, Phó giám đốc Sở làm việc với phóng viên. Khi được hỏi, có phải Sở đã ra văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu triển khai lớp học lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không?, ông Diệu trả lời: “Phải có sự trợ giúp của văn phòng mới biết”. Phóng viên hỏi tiếp: “Hiện nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam đã mở được bao nhiêu lớp học lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, số lượng giáo sinh, kinh phí bao nhiêu cho mỗi chứng chỉ?”, một lần nữa ông Diệu nói không biết và ngay lập tức điện thoại cho Trưởng phòng Tổ chức cán bộ để hỏi. Điều kỳ lạ là, ngay sau đó, cũng chính ông Diệu đưa ra Văn bản số 322/SGDĐT-TCCB ngày 18/3 /2016 về việc hoãn thời gian mở các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tin học do chính tay mình ký và ban hành.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam vẫn có 6 lớp đang theo học và còn có rất nhiều giáo sinh tiếp tục đăng ký.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Trung Hiếu

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top