Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 12 năm 2017 | 1:19

Hà Giang: Hỗ trợ phát triển đàn ong nội

Mật ong bạc hà là sản phẩm kinh tế chủ lực của 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Ngoài ra, nghề nuôi ong bạc hà đã góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch của tỉnh.

Ghi nhận tại mô hình nuôi ong mật bạc hà tại vùng núi đá Đồng Văn.

Cơ chế hỗ trợ phát triển đàn ong nội

Nuôi ong lấy mật là sinh kế từ bao đời nay của người dân Đồng Văn và mật ong bạc hà là một trong những sản phẩm chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Mật ong bạc hà là sản vật đặc trưng của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Mật ong bạc hà vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe, với giá bình quân trên thị trường giao động từ 400.000 - 600.000 đồng/lít.

Nắm bắt cơ hội từ thiên nhiên ban tặng cho vùng núi nơi đây, huyện Đồng Văn đã xác định nuôi ong lấy mật là một chương trình kinh tế trọng tâm của huyện. Năm 2017, thực hiện Kế hoạch số 206 của UBND tỉnh Hà Giang, Đồng Văn đã quy hoạch vùng bảo tồn phát triển chăn nuôi giống ong nội Apis Cerana. Theo đó, người nuôi ong ở 19 xã, thị trấn đã ký cam kết với chính quyền địa phương chỉ phát triển giống ong nội.

Để tăng tổng đàn ong nội trên địa bàn, huyện Đồng Văn đã triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay chăn nuôi; đồng thời quy hoạch, phát triển vùng trồng hoa, nuôi ong.

Thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền huyện, những năm gần đây, nghề nuôi ong đã có chuyển biến tích cực, từ tự phát nhỏ lẻ chuyển sang nuôi tập trung với số lượng lớn, đã hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh mật ong bạc hà tại cao nguyên đá Đồng Văn.

Một trong những hộ mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô đàn ong là gia đình anh Hờ Pà Tủa, ở thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. Hiện, anh Tủa có hơn 100 đàn ong đang trong giai đoạn kiếm mật. Nuôi ong từ năm 2015, ban đầu anh Tủa chỉ nuôi 20 - 30 đàn. Mùa mật năm nào gia đình anh cũng có nguồn thu nhập tương đối khá. Năm 2017, anh Tủa đã mạnh dạn vay vốn để phát triển đàn ong và tất cả đều là giống ong nội. Từ 50 triệu đồng được vay, anh Tủa đã mua thêm 70 đàn ong, mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình. Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa bạc hà nở rộ nên dự báo sẽ cho mùa mật bội thu.

Ngoài ra, để phát triển giống ong nội địa phương, chính quyền các xã thuộc huyện Đồng Văn đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi ong về việc bảo tồn giống ong địa phương Apis Cerana, về sản phẩm mật ong bạc hà đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Qua đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của các hộ dân trong vùng bảo tồn giống ong địa phương.

Hiện nay, Đồng Văn có 52 cá nhân, tổ chức được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 209 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang với tổng số 5.610 tổ. Tính đến hết tháng 9/2017, huyện đã có 11.730 tổ ong. Hoa bạc hà chỉ mọc ở những vùng núi đá, có khí hậu mát mẻ. Những năm gần đây, người dân phát triển cây trồng vụ đông khiến diện tích hoa bạc hà bị thu hẹp, khiến nguồn thức ăn cho đàn ong  bị hạn chế. Trong năm 2017 với mục tiêu phát triển đàn ong nội, Đồng Văn đã chú trọng đến công tác quy hoạch vùng hoa bạc hà, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn ong.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang, hiện tổng đàn ong của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nằm ở khu vực cao nguyên đá Đồng Văn có gần 21.000 đàn, chiếm 62% số đàn ong trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2016, giá trị sản phẩm mật ong toàn tỉnh đạt trên 22 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm mật ong bạc hà của khu vực cao nguyên đá Đồng Văn đạt trên 12 tỷ đồng. Cũng tại cao nguyên đá Đồng Văn, hiện có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chăn nuôi ong. Các ngành chức năng đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho 3 cơ sở.

Quy hoạch vùng hoa cho người nuôi ong

Ông Vừ Sâu Pó, Bí thư Đảng ủy xã Thài Phìn Tủng, cho biết, mỗi xã quy hoạch một vùng hoa bạc hà phát triển ong nội. Theo đó, huyện đã quy hoạch được 1.000 ha diện tích cây bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật. Đến nay, huyện đã thực hiện quy hoạch và hỗ trợ khoanh nuôi được 1.040ha ở 15 xã, thị trấn. Hoa bạc hà là loài hoa mọc trong tự nhiên, không cần phải gieo trồng. Thế nhưng ngay từ cuối vụ hoa bạc hà năm 2016, các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom cây bạc hà lấy hạt giống. Những hạt giống này được xử lý và gieo vào cuối vụ ngô năm nay để hoa mọc kịp mùa mật; và trồng mới ở các diện tích đất nằm trong quy hoạch trồng hoa bạc hà nhưng chưa gieo trồng.

Sản phẩm mật ong bạc hà Đồng Văn đã có tem thông minh để truy xuất nguồn gốc.

Anh Vàng A Hạnh, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Vần Chải,  cho biết, đến nay, về cơ bản, diện tích đất nằm trong quy hoạch trồng hoa bạc hà đã được người dân thực hiện xong. Hiện, toàn huyện có  trên 1.700ha hoa bạc hà. Với diện hoa bạc hà như hiện nay đảm bảo cung cấp đủ cho số lượng ong đang nuôi trên địa bàn huyện. 16 xã, thị trấn, nhất là ở các xã có số lượng đàn ong lớn như Thài Phìn Tủng, Sủng Trái, Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo, Lũng Thầu, Hố Quáng Phìn và thị trấn Đồng Văn đã tuyên truyền cho các hộ dân bảo vệ và phát triển diện tích hoa bạc hà. Huyện còn có cơ chế hỗ trợ 200.000 đồng/ha hoa bạc hà mỗi vụ cho các hộ dân trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích hoa.

Phát triển đàn ong nội, huyện đã thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực này để tiêu thụ sản phẩm. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 3 cơ sở sản xuất liên kết là Công ty TNHH Trường Anh, HTX Thành Đô, HTX Phong Hưởng, trong đó đã có 2 đơn vị dán tem thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cách làm này đã và đang cho thấy hướng phát triển sản phẩm mật ong bạc hà là rất tiềm năng. Đồng Văn vẫn còn nhiều mục tiêu trong phát triển sản phẩm này và sẽ còn nhiều việc phải làm để thương hiệu sản phẩm này tiếp tục được  người tiêu dùng đón nhận, đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

Bằng sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn, hy vọng nghề nuôi ong lấy mật của tỉnh Hà Giang nói chung và trên vùng cao nguyên đá nói riêng sẽ phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Hữu Thắng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top