Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 1 năm 2019 | 16:2

Hà Giang: Phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Giang có 4 sản phẩm (Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, cam Sành và hồng không hạt Quản Bạ) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý.

Việc được cấp Chỉ dẫn địa lý khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm, cũng là sự bảo hộ của các cơ quan chức năng trước các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín sản phẩm của Hà Giang.
a-lý4.jpg
Lễ công bố cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Mật ong Bạc hà là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý ngày 1/3/2013 và được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước ta. Đây là sản phẩm mật ong đầu tiên trên cả nước được cấp chỉ dẫn địa lý.
 
Để phát huy giá trị và thương hiệu mật ong Bạc hà sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, tỉnh Hà Giang đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà. Bên cạnh đó là cấp 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đồng thời thực hiện in và cấp 115.500 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong Bạc hà cho một số đơn vị như HTX Tuấn Dũng, HTX dịch vụ tổng hợp và thương mại Thành Đô và Công ty TNHH Trường Anh.
a-lý-5.jpg
Sản phẩm mật ong bạc hà Đồng Văn có tem thông minh để truy xuất nguồn gốc.
Từ khi sản phẩm mật ong Bạc hà được cấp chỉ dẫn địa lý, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ thành lập Hiệp hội nuôi ong ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá; qua đó, giúp cho các hộ, HTX tham gia hiệp hội có thể giúp nhau trong sản xuất, chống hàng giả; việc đưa các giống ong ngoại lai vào địa bàn làm ảnh hưởng tới việc bảo tồn giống ong nội của tỉnh, đồng thời bảo vệ tem nhãn sản phẩm và là đòn bẩy cho các hộ nuôi ong khác phát triển.
 
Cùng với đó, cũng đã tổ chức 2 Hội thi mật ong; hỗ trợ cho các HTX nuôi ong hệ thống máy Hạ thủy phần nâng cao chất lượng mật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thường xuyên cho các hộ nuôi ong quy trình thời gian, quy trình quay mật; xây dựng mối liên kết giữa người nuôi ong và các tổ chức, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá trị đầu ra ổn định.
 
Đặc biệt, ban hành Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh với nhiều chính sách khuyến khích nuôi ong và nâng cao chất lượng mật ong Bạc hà; nghiên cứu thành công quy trình trồng, chăm sóc cây Bạc hà – nguồn hoa lấy mật của đàn ong trên vùng Cao nguyên đá. Khẳng định hiệu quả lớn nhất từ khi mật ong Bạc hà được cấp chỉ dẫn địa lý là sản phẩm mật ong Bạc hà đã nâng giá trị từ khoảng 150 – 200 nghìn đồng/lít lên khoảng 400 nghìn đồng/lít. Thậm chí có những lít mật ong Bạc hà đặc biệt được HTX Tuấn Dũng hay các đơn vị khác sản xuất có giá lên đến 1.000.000triệu đồng/lít.
 
Sản lượng mật tăng từ 110 tấn trước thời điểm được cấp chỉ dẫn địa lý lên khoảng trên 250 tấn năm 2018. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu, xác định vùng trồng và các giải pháp kỹ thuật phát triển cây Bạc hà nuôi ong lấy mật tại vùng Cao nguyên đá Hà Giang, giai đoạn 2018  - 2020, do Viện Thổ nhưỡng nông hóa Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện.
cam-vx-4.jpg
a-lý.jpg
Hà Giang có trên 3.500 ha cam được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Cam sành là sản phẩm thứ 2 của địa phương này được cấp CDĐL (năm 2016). Sau 2 năm, giá trị quả cam được nâng lên và ngày càng khẳng định trên thị trường. Đã có trên 3.500 ha cam được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tổng sản lượng cam năm 2018 đạt khoảng 62.000 tấn, tăng trên 20.000 tấn so với năm 2017. Giá trị sản phẩm cam niên vụ 2018 – 2019 ước đạt khoảng 620 tỷ đồng. Nhiều địa phương, gia đình và vùng sản xuất đã “thay da – đổi thịt” nhờ trồng cam.
a-lý3.jpg

 

6.jpg
Sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ được đăng ký và sử dụng tem, nhãn để dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Năm 2017 và mới đây vào tháng 9/2018, lần lượt hồng không hạt Quản Bạ và chè Shan tuyết của Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý. Tuy có thời gian ngắn được sử dụng chứng nhận Chỉ dẫn địa lý nhưng các sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của thị trường. Bởi để được cấp Chỉ dẫn địa lý, quy trình sản xuất các sản phẩm đều đảm bảo an toàn, chất lượng; các sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định trong thời gian đủ dài để khẳng định tính ổn định trong chất lượng sản phẩm. Mặt khác, những các sản phẩm đăng ký Chỉ dẫn địa lý và được cấp đểu được đăng ký và sử dụng tem, nhãn để dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
che-1.jpg

 

che-2.jpg
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý.
Có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Giang trong những năm qua đã có những bước phát triển đáng kể, ngày càng được nâng cao về giá trị và thương hiệu. Từ việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý giúp bảo tồn, nâng cao giá trị kinh tế của hàng nông sản; được độc quyền sử dụng tên địa danh làm công cụ tiếp cận bất cứ thị trường nào, chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Và quan trọng nhất là người tiêu dùng được chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
 
 
Ngọc Hải - Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top