Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 8 năm 2017 | 1:13

Hà Nam: 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành dục trong năm học mới

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2017-2018.

Tích cực thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong năm học 2016-2017, ngành giáo dục Hà Nam đã triển khai nhiều mô hình, phương pháp giáo dục mới. Qua đó, đã, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng dạy và học phổ thông hiện hành, đồng thời làm tiền đề cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Bà Đinh Thị Lụa - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội nghị

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, ngành đã tổ chức tốt các kỳ thi, cuộc thi. Trong kỳ thi chọn HSG các cấp, toàn tỉnh có 1.367 học sinh đạt giải, với 819 giải Nhất, Nhì, Ba. Đặc biệt, trong Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm 2017, sau 20 năm tái lập, tỉnh đã có 1 học sinh đạt giải Nhất môn Toán. Có 81 dự án đạt các giải cao trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh được đánh giá cao cả về khâu chỉ đạo, tổ chức và chất lượng. Tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh đạt 98,45%, phổ điểm trung bình các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia đứng thứ 4 toàn quốc… Trong các cuộc thi Olimpic tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia, giải Toán và Vật lý qua Internet cấp quốc gia, đã có 99 học sinh đạt giải cao với 54 huy chương các loại.

Trong năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 436 phòng học mới, sửa chữa và nâng cấp 341 phòng học, đóng mới và sửa chữa trên 10.000 bộ bàn ghế, mua sắm và bổ sung thiết bị dạy học ngoại ngữ cho 69 trường, tạo điều kiện cho nhiều trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đến hết năm học 2016-2017, tỉnh ta có 86/118 trường mầm non, 121/121 trường tiểu học, 87/118 trường THCS và 12/23 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi cơ bản hoàn thành, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì tốt. Các cấp học tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông…

Bên cạnh những thành tích đạt được, năm học qua hoạt động của ngành GD&ĐT còn bộc lộ một số hạn chế cần quan tâm giải quyết như: Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn chậm, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng tốt các điều kiện cho yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng GD&ĐT chưa theo kịp với yêu cầu phát triển KT-XH chung, nhất là giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh…

Năm học 2017-2018, ngành giáo dục xác định tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tăng cường dạy ngoại ngữ ở các cấp học; quan tâm đầu tư và thực hiện xã hội hóa giáo dục cho phát triển cơ sở vật chất giáo dục; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; quan tâm phát triển nguồn nhân lực-nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, ngành đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT…

Đồng chí Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những thành tích mà ngành giáo dục đạt được trong năm học qua. Đồng thời, đề nghị trong năm học 2017-2018, toàn ngành cần bám sát các nhiệm vụ cơ bản và các nhóm giải pháp về giáo dục. Xem xét bổ sung thêm các chỉ tiêu cụ thể để việc triển khai thực hiện hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ngành chủ động rà soát, đánh giá và xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với thực tế và triển khai có chất lượng các đề án, chương trình giáo dục. Đối với một số mô hình, chương trình thí điểm chú trọng cho việc đảm bảo các điều kiện cần thiết. Trước mắt, để chuẩn bị cho năm học mới, toàn ngành tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ và có kế hoạch tổ chức lễ khai giảng tại các trường học đảm bảo trang trọng, ngắn gọn, tiết kiệm…

Trung Hiếu

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top