Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 10 năm 2018 | 8:25

Hà Nam: Dự án nuôi trồng thủy sản đầu tư rồi bỏ hoang!

Dự án nuồi trồng thủy sản đầu tư hàng tỷ đồng nhưng sau gần 10 năm, vẫn dở dang, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Với mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thay cây lúa, một dự án nuôi trồng thủy sản tập trung thâm canh với cơ sở hạ tầng được đầu tư gần 12 tỷ đồng được triển khai tại thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý (Lý Nhân - Hà Nam). Nhưng sau gần 10 năm, dự án này vẫn dở dang, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.

 Kênh dẫn nước cho dự án đã xuống cấp trầm trọng.

Nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, dự án nuôi trồng thủy sản tập trung thâm canh tại xã Đức Lý được đầu tư phê duyệt với mục tiêu nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Dự án có tổng diện tích 73,14ha. Trên đất dự án, xây dựng 61 ao nuôi, còn lại là hạ tầng đường giao thông, kênh mương... Tổng vốn đầu tư 21,753 tỷ đồng.
 
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2006, đến năm 2011 thì nhiều hạng mục đã hoàn thành như: Trạm bơm Đức Lý (cùng các hạng mục đi kèm như: nhà quản lý, cống xả trạm bơm, cống Long Xuyên, và cống điều tiết C4-1, C4-2); trạm điện, đường dây điện hạ thế dọc các trục đường; tuyến kênh kiên cố chính (kênh nổi)…

 Trạm bơm phục vụ cho dự án đầu tư xong chỉ chạy vài phút rồi "đắp chiếu" từ đó cho đến nay.

 

Toàn bộ các hạng mục xây dựng trong dự án này thuộc phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và đều hoàn thành từ năm 2011, với tổng nguồn vốn thực hiện 11,965 tỷ đồng (không sử dụng đến nguồn vốn dự phòng).
 
Tuy nhiên, gần 10 năm nay, dự án này vẫn chưa hoàn thành, đầu tư dang dở, các công trình hoàn thành không được sử dụng đang ngày một xuống cấp.
 
Theo một số người dân ở thôn Tế Xuyên, trạm bơm Đức Lý phục vụ cho dự án nuôi thủy sản từ khi xây dựng đến nay chỉ chạy thử được mấy phút đồng hồ, còn lại cửa đóng, then cài. Hiện nhà điều hành cũng như trạm bơm đã xuống cấp trầm trọng.

 Đường điện, trạm điện phục vụ cho dự án để không.

Ông Lê Văn Cộng, ở thôn Tế Xuyên, cho biết: “Sau khi xây dựng gần 10 năm nay, trạm bơm chỉ chạy thử vài phút, sau đó khóa cửa từ đó đến nay. Trạm điện được xây dựng gần trạm bơm cũng bị bỏ không, phần lớn các cột điện đều bị đổ do bão... Các kênh nổi dẫn nước chỗ thì hư hỏng, chỗ thì sụt lún xuống cấp trầm trọng…”.
 
Từ chỗ là dự án với nhiều kỳ vọng, người dân, chính quyền địa phương hồ hởi đón nhận, nhưng đến nay chỉ “nằm không”, càng ngày càng xuống cấp. Sau khoảng 7 năm từ khi hoàn thành xây dựng hạ tầng (phần vốn Nhà nước hỗ trợ), vùng quy hoạch vẫn là ruộng cấy lúa theo nguyên trạng trước đây của người dân, chỉ có một số diện tích ao nuôi trước đó đang được người dân nuôi vịt.
 
Đến nay, Khu nuôi trồng thủy sản này đã bị loại ra ngoài vùng quy hoạch thủy sản của tỉnh Hà Nam. Những ý tưởng, mục tiêu của dự án dần chìm vào quên lãng!

 Trạm bơm của dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Đức Lý.

Theo ông Lương Văn Tuyên, Chánh văn phòng UBND huyện Lý Nhân, dự án này do Sở Nông nghiệp và PTNN làm chủ đầu tư và quản lý, sau đấy bàn giao lại cho phía xã Đức Lý.
 
Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, PV liên hệ với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam. Ông Đặng Phan Sơn, Chánh văn phòng Sở, cho biết: “Về dự án này, Giám đốc Sở đã giải trình với cử tri và HĐND tỉnh Hà Nam nhiều lần. Nhưng để biết cụ thể thì phải làm việc với lãnh đạo Sở, hiện lãnh đạo đang bận việc nên tôi sẽ báo cáo Giám đốc Sở và liên hệ với cơ quan báo chí sau”.
 
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân dẫn đến dự án này bị bỏ dở vì gặp khó khăn về nguồn vốn đối ứng của xã, do chính quyền cơ sở không tìm được nguồn vốn để xây dựng phần hạ tầng nội đồng theo cam kết khi thực hiện dự án. Còn về phía người dân, theo thống nhất ban đầu, các hộ sẽ dồn đổi ruộng đất và cho thuê ruộng để các hộ có nhu cầu đào ao nuôi cá theo đúng quy chuẩn của dự án, nhưng đến khi thực hiện lại không tìm được tiếng nói chung. Do vậy, đã không thực hiện được đúng quy hoạch, nhất là với việc đào đắp diện tích ao nuôi.
 
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top