Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 9 năm 2018 | 14:15

Hà Nam: Khẩn trương phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa

Trên đồng lúa hiện nay bệnh virus lùn sọc đen trên lúa đã xuất hiện rải rác tại các xã Nhân Hưng, Tiến Thắng huyện Lý Nhân.

Sâu đục thân 2 chấm lứa 5 có nguồn rất lớn trên đồng lúa có khả năng gây hại trên diện rộng cho các trà lúa chưa trỗ, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa mùa.
 
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, lúa mùa trà sớm đang ở giai đoạn trỗ-trỗ xong, diện tích lúa đã trỗ 10.181ha, bằng 31,8% diện tích lúa mùa trà trung và muộn ở giai đoạn phát triển đòng-đòng già.

 Ảnh minh họa.

 

Bệnh virus lùn sọc đen trên lúa đã xuất hiện rải rác tại xã Nhân Hưng, Tiến Thắng (Lý Nhân), nguồn rầy có virus tăng nhanh, có 18/28 mẫu có phản ứng dương tính với bệnh lùn sọc đen; sâu đục thân 2 chấm lứa 5 có nguồn rất lớn trên đồng ruộng và cao gấp 2-3 lần năm 2017, trưởng thành tiếp tục vũ hóa, đẻ trứng, mật độ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới và gây hại trên diện rộng cho các trà lúa chưa trỗ, mật độ trứng trung bình khoảng 01 ổ/m2, nơi cao 8 – 10 ổ/m2, cục bộ lớn hơn 30 ổ/m2; rầy nâu – rầy lưng trắng lứa 6 nở rộ từ 22/8 đến nay, trên các diện tích chưa phun trừ mật độ trung bình 500 – 600 con/m2, cao 800 – 1.000 con/m2, cục bộ lớn hơn 3.000 con/m2; bệnh khô vằn, lem lép hạt… phát triển nhanh trên các diện tích; nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa mùa.
 
Để phòng trừ có hiệu quả sâu bệnh bảo vệ lúa vụ mùa năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo chính quyền các xã, các HTXDVNN phân loại các trà lúa, thời điểm lúa trỗ, phát dục sâu diễn biến bệnh hại, tranh thủ thời tiết lúc thuận lợi để tổ chức phòng trừ hiệu quả theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tập trung nhất trong thời gian từ nay đến 10/9; giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương về kết quả phòng trừ sâu bệnh.
 
Chỉ đạo cán bộ ngành nông nghiệp có liên quan làm việc cả ngày nghỉ lễ Quốc khánh, thứ bẩy và chủ nhật; tăng cường kiểm tra tiến độ, hiệu quả phòng trừ. Hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ trên đài truyền thanh các huyện, xã, loa truyền thanh thôn, xóm. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo tình hình sâu bệnh hằng ngày từ nay đến cuối vụ mùa về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả phòng trừ sâu bệnh trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra mất mùa do sâu bệnh gây ra.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự tính, dự báo chính xác các thời điểm, đối tượng sâu bệnh cần xử lý; hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương. Nghiêm cấm việc kinh doanh thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, vi phạm quy định về quảng cáo thuốc.
 
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top