Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 12 năm 2018 | 13:48

Hà Nội hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn.

tt-hang.jpg
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại xã Đốc Tín (Mỹ Đức). Ảnh: Đỗ Hương

 

Trong đó, thành phố hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư thiết yếu các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Hỗ trợ sản xuất NNCNC

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết, theo Nghị quyết vừa được kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV thông qua, Hà Nội sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị được giao để tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý chuỗi và phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là NNCNC.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất NNCNC, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích dồn điền đổi thửa, xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm; khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo Nghị quyết, Hà Nội sẽ có quy định về hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ 50% chi phí về giống và vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các dự án NNCNC và 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm trong 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua dịch vụ tập trung của hợp tác xã.

Hà Nội sẽ hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao nhưng không quá 300 triệu đồng/ứng dụng. Đồng thời, hỗ trợ chi phí tư vấn, đánh giá, chứng nhận hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành tốt như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản đủ điều kiện khi vay vốn được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh TP. Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố sẽ giao UBND thành phố triển khai các quy định tại Nghị quyết, đồng thời giao Thường trực HĐND thành phố, các Ban của HĐND thành phố, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố giám sát quá trình tổ chức thực hiện trên địa bàn thành phố.

126 mô hình NNCNC

Hà Nội hiện có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó, Mê Linh có 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình, Phúc Thọ  8 mô hình, Đông Anh  8 mô hình, Đan Phượng 8 mô hình...

Mặc dù các mô hình ứng dụng NNCNC quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao,  phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Được biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đang trình bản kế hoạch dự thảo nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, một trong những nhiệm vụ đó là tiếp tục thực hiện các mục tiêu tổng quát của ngành nông nghiệp, nông thôn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao, trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn”.

Theo đó, Hà Nội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 2,5% – 3%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,19%;  giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 131,15 triệu đồng, tăng 8,9% so với năm 2018; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã trở lên (dự kiến hết năm 2018, Hà Nội có 08 huyện và 324 xã đạt chuẩn nông thôn mới).                

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top