Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 3 năm 2014 | 11:35

Hà Nội: San hành lang đê làm bãi trông xe!

Hành lang đê điều là để bảo vệ sự an toàn cho nhân dân trước bão lũ và bất khả xâm phạm, nhưng điều nghịch lý này lại đang diễn ra ngay giữa Thủ đô, hàng trăm m2 đất đang được san bằng làm bãi gửi xe. Điều đáng nói là cơ quan chức năng lại “phớt lờ” cho qua, mặc dù sự việc diễn ra chỉ cách trụ sở cơ quan chức năng vài chục mét.

Theo thông tin bạn đọc phản ánh đến Báo Kinh tế nông thôn việc hành lang đê điều thuộc khu vực cửa khẩu đường đê Trần Khánh Dư (hầm đường bộ xuyên qua đường đê) bị san bằng làm bãi gửi xe. Điều đáng nói là sự việc khuất tất này lại diễn ra ngay sát trụ sở của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn quận Hai Bà Trưng; Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội - Hạt quản lý đê số 2 thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng nhưng cơ quan chức năng vẫn “phớt lờ” cho qua.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin chúng tôi xuống hiện trường xác minh sự vệc trước mắt chúng tôi là gần 300m2 chân đê đang được nhóm thợ dùng máy ủi san bằng như thông tin bạn đọc phản ánh.

Theo một số người dân sống tại khu vực này, bình thường việc xây dựng công trình đều phải treo tấm biển thông báo cho mọi người được biết. Đằng này, đơn vị thi công san ủi cả khu vực rộng mà không thông báo gì khiến cho người dân thấy bất bình.

Song khi PV tìm đến chính quyền sở tại để làm rõ thông tin thì những “ông giời” này đều lấy lý do là “bận” không tiếp. Mặc dù làm theo đúng thủ tục hành chính, xuất trình giấy giới thiệu của tòa soạn với một nữ nhân viên phụ trách văn phòng UBND phường Bạch Đằng xin làm việc, nhưng nhân viên này đề nghị viết lại số điện thoại để trình lãnh đạo và sẽ thông báo lịch tiếp vào buổi sau với lý do hôm nay lãnh đạo đã đi vắng hết.

Chân đê được hạ, san bằng.


Sau 10 ngày chờ đợi, chiều ngày 5/3/2014, chúng tôi tiếp tục đến UBND phường Bạch Đằng liên hệ làm rõ những vấn đề người dân phản ánh. Tuy nhiên, mới 15 giờ 30 phút nhưng văn phòng UBND phường đã “cửa đóng then cài”. Bất đắc dĩ, chúng tôi sang gõ cửa phòng Chủ tịch UBND thì được “mời” ra ngoài đợi vì đang bận tiếp khách. Cho dù chúng tôi trình báo đã đặt lịch làm việc từ trước nhưng vị chủ tịch này thẳng thừng: “Các anh đặt lịch nhưng tôi chưa đặt lịch với các anh”.

Những tưởng cơ quan chuyên môn nắm rõ sự việc nên chúng tôi tiếp tục đến Chi cục đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Nội - Hạt quản lý đê số 2 liên hệ làm việc. Nhưng ông Nguyễn Công Hùng, Hạt trưởng lại đùn đẩy: “Đó là thuộc địa bàn quản lí của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn quận Hai Bà Trưng”.

Thậm chí ông này còn cho hay: “tôi chưa biết về vấn đề này”. Tuy nhiên, khi PV đưa ra bằng chứng sự việc xảy ra cách cơ quan này chỉ vài chục mét, thì ông Hùng lại lý giải: “cái này không xâm hại mà chỉ xúc đất ở chân đê, chứ đê đã xây tường kè rồi”!.

Cầu cứu quan xã, Chi cục đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Nội không được, chúng tôi tiếp tục mang những bất bình của người dân lên Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn cùng Phòng kinh tế quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu thông tin. Nhưng khi đặt lịch làm việc một nữ nhân viên kế toán cho biết: “chị làm văn phòng hôm nay nghỉ, lãnh đạo phòng đã đi họp hết”.

Sau một hồi “nói khó” nữ nhân viên này mới liên hệ với lãnh đạo và hẹn chúng tôi sang tuần sau, vì: “Lãnh đạo đang họp không biết lúc nào mới xong”.

Phục vụ mục đích trông xe.


Rõ ràng những thông tin bạn đọc phản ánh là có cơ sở. Điều đáng nói là UBND thành phố Hà Nội vừa ra Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2/1/2014, về thực hiện trật tự văn minh đô thị nhưng chính quyền sở tại lại đá bóng trách nhiệm, thậm chí khi phóng viên đến liên hệ công tác còn không được. Thử hỏi nếu là người dân sẽ bị đối xử như thế nào? Liệu rồi tiếng kêu của người dân nơi đây có thấu tới “thiên đình” và cách hành xử của những “ông giời” này như thế nào sẽ được chúng tôi tiếp tục cung cấp cho bạn đọc số tiếp theo./.

Điều 23 Luật Đê điều năm 2006, phạm vi bảo vệ đê điều được quy định như sau:

1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.

2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:

a; Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 20m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200m về phía biển đối với đê biển;

b; Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5m tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.

3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50m.

4. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê do UBND cấp tỉnh quyết định.

5. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa.


Nhất Nam

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top