Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 11 năm 2018 | 13:33

Hà Tĩnh áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý hồ sơ sức khỏe

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Đây là bước ngoặt lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe trên địa bàn.

yt2.jpg
Cán bộ xã Thạch Đồng nhập thông tin hồ sơ sức khỏe vào phần mềm.

 

Người dân phấn khởi vì chủ trương đúng

Bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Hòa Bình (xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) phấn khởi cho biết:  Từ trước đến nay, mỗi lần đi khám bệnh, tôi đều phải trình bày tiền sử bệnh tật với bác sĩ, vừa mất thời gian, vừa phải thấp thỏm lo âu, đợi chờ. Nhưng nay, Trạm Y tế xã đã quản lý hồ sơ sức khỏe. Tới đây, khi khám bệnh, sẽ không phải kể về bệnh của mình nhiều. Nếu ngành y tế thực hiện được vấn đề này, người dân sẽ đỡ vất vả hơn mỗi khi đi khám bệnh.

Còn tại xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà), nhiều người dân bày tỏ, đây là lần đầu tiên họ biết đến hồ sơ sức khỏe nhưng rất phấn khởi khi tỉnh triển khai mô hình này. Vui nhất là chị Trần Hà An, đang mang bầu 3 tháng, vì hồ sơ sức khỏe con chị sẽ được cập nhật, quản lý ngay từ khi  nằm trong bụng mẹ cho đến suốt đời.

Quản lý sức khỏe cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho người quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám - chữa bệnh... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và yếu tố vệ sinh khác. Đồng thời, sẽ phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở hiện có; nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng, góp phần giảm tải bệnh viện các tuyến…

Thời gian khá gấp gáp, số lượng nhân viên y tế có hạn, trong khi khối công việc khổng lồ, từ điều tra dân cư, lập sổ theo dõi, sẵn sàng đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị “vào guồng” đồng bộ. “Và lo lắng hơn là làm sao tuyên truyền cho người dân hiểu và hợp tác với chúng tôi. Việc làm này là phục vụ người dân, vì lợi ích sức khỏe của mọi người, nhưng vì mới quá, nhiều người chưa hiểu, nên công tác vận động cũng mất khá nhiều thời gian. Nhưng may mắn, người dân thấy được lợi ích thiết thực nên phối hợp nhiệt tình, chúng tôi đã cập nhật dữ liệu thành công”, bác sĩ Nguyễn Đình Tráng,Trưởng trạm Trạm Y tế xã Thạch Đồng (TP. Hà Tĩnh) bày tỏ.

Cũng theo bác sĩ Tráng, việc lập hồ sơ sức khỏe bước đầu đã thấy được lợi ích thiết thực, đó là quản lý bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường. Hai nhóm bệnh nhân này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, khi được đưa vào quản lý, người dân được tư vấn và hướng dẫn về chế độ ăn uống, rèn luyện cũng như các phương pháp điều trị, giúp giảm các nguy cơ cũng như các chi phí vì phải lên tuyến trên để kiểm tra, điều trị thường xuyên.

Điểm sáng triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử

Việc tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người dân ở Hà Tĩnh bắt đầu triển khai từ tháng 2/2018, ngay khi có chủ trương, ngành y tế Hà Tĩnh đã huy động tối đa nguồn nhân lực cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ sức khỏe, tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung tiêu chí hồ sơ sức khỏe vào tiêu chí nông thôn mới. Theo quyết định này, tiêu chí 15.4 đạt khi tỷ lệ người dân có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử  >=85% (năm 2018); >=90% (năm 2019 và 2020).

Đến thời điểm hiện nay, hơn 85% người dân địa phương được quản lý sức khoẻ điện tử (tức khoảng 1 triệu người). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hơn 90% người dân có mã số sức khoẻ, liên thông dữ liệu giữa tất cả cơ sở y tế từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.

Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho biết, Hà Tĩnh là  một trong những địa phương đi đầu và mạnh dạn trong việc triển khai việc quản lý sức khoẻ điện tử. Sở Y tế đã chọn Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel làm đối tác thực hiện với chính sách ưu đãi là từ nay đến năm 2020; Viettel sẽ bảo trì, vận hành miễn phí đến năm 2020.

“Hà Tĩnh đang cố gắng để sắp tới khai trương Cổng thông tin sức khoẻ cộng đồng. Theo đó, mỗi người dân chỉ cần một mã số do cơ quan y tế cấp, có thể kiểm tra, truy cập bất kỳ lúc nào, nơi đâu cũng nắm rõ được tình hình sức khoẻ bản thân”, ông Châu nói.

Dù lợi ích to lớn như vậy nhưng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, quá trình tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người dân, ngành Y tế gặp không ít khó khăn như: Nhân lực đi điều tra, mời khám lập hồ sơ sức khỏe còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ dân trên địa bàn; thiếu trang thiết bị, đặc biệt là máy tính để nhập dữ liệu hồ sơ; phần mềm, hệ thống mạng chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng nhân khẩu và hộ gia đình trên hệ thống phần mềm chưa đầy đủ, chính xác; nhiều con em, cán bộ có hộ khẩu trên địa bàn đang công tác, học tập ở các địa phương khác chưa thể điều tra, khám lập hồ sơ. Đặc biệt, biểu mẫu hồ sơ điều tra vẫn chưa in được do vướng các quy định về đấu thầu nên tiến độ công việc chậm tiến với kế hoạch.

“Thời gian tới, ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành với 13 huyện, thị, thành phố tập huấn và hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai lập hồ sơ sức khỏe ban đầu, tiếp tục tạo lập hồ sơ mới và hoàn thiện về chất lượng hồ sơ trên hệ thống phần mềm”, ông Châu cho biết thêm.

 

PGS. TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám - chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về người bệnh, kết hợp với thăm khám hiện tại, sẽ có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông tuyến, sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top