Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 8 năm 2018 | 12:51

Hà Tĩnh: Gần 200 hồ chứa “kêu cứu”

Mùa mưa lũ đến, ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh lại nơm nớp lo âu về hơn 200 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa.

ho2.jpg
Nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh xuống cấp ở mức báo động đỏ

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện quản lý, vận hành 32 hồ chứa, 5 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt và hệ thống kênh mương thuộc các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh, TX. Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh. Hiện, nhiều hồ đập được xây dựng từ lâu, đặc biệt ở vùng Hương Khê như: Hồ Đập Làng, hồ Mục Bài, đập Ma Leng..., do tác động của thiên tai, bão lũ, đã xuống cấp nghiêm trọng. Thân đập bị thấm, cống lấy nước bị rò rỉ nhiều, tràn xả lũ hẹp và chưa được gia cố nên các công trình này không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

 Ông Trịnh Xuân Cần, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, kiến nghị: Nhiều hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi nguồn kinh phí sửa chữa lớn, trong khi kinh phí của công ty thì hạn hẹp. Chúng tôi đề nghị tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành liên quan xem xét, bố trí chương trình, dự án sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn lâu dài, nhất là với các công trình trọng điểm, xung yếu như: Hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Nước Đỏ, Cha Chạm, đập Ma Leng... Các công trình do Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, đề nghị Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão năm 2018 khi chưa bàn giao cho đơn vị quản lý.

Hà Tĩnh quản lý, khai thác số lượng hồ, đập khá lớn (350 hồ) nhưng chủ yếu là hồ đập nhỏ có “tuổi đời” hàng chục năm nên đa số đã hư hỏng, xuống cấp. Trong đó có gần 200 hồ đang đứng trước “báo động đỏ” mất an toàn trong mùa mưa lũ. Hồ Khe Su, xã Sơn Bình (huyện Hương Sơn); đập Khe Trảy, xã Hương Thọ (Vũ Quang); đập Thùng Trứa, xã Hương Trạch (Hương Khê); đập Cố Châu, xã Gia Hanh (Can Lộc)... do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ những năm gần đây khiến công trình hư hỏng nghiêm trọng, không thể tích nước, ảnh hưởng đến việc phục vụ nước tưới cho hàng trăm hecta đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang, cho hay: Đập Khe Trảy xuống cấp từ năm 2016, đến mùa lũ 2017 thì bị sạt trượt toàn bộ mái, thân đập bị thẩm thấu. Để đảm bảo an toàn cho công trình, tính mạng, tài sản nhân dân vùng hạ du, huyện đã chỉ đạo đơn vị vận hành không tích nước. Vì thế,  25ha đất sản xuất vụ hè thu 2018 phải bỏ hoang và có nguy cơ thiếu nước tưới cả vụ xuân 2019. Chúng tôi mong Trung ương, tỉnh bố trí nguồn vốn giúp huyện khắc phục các điểm hư hỏng để sớm đưa công trình tái sử dụng.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức cho rằng, do điều kiện nguồn lực của tỉnh khó khăn nên việc đầu tư cho công tác sửa chữa, nâng cấp hồ đập còn hạn chế. Tỉnh mong muốn Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần giúp địa phương khai thác tối đa hiệu quả các công trình.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top