Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 3 năm 2019 | 15:29

Hà Tĩnh: Xử phạt, không nhắc nhở đối với hành vi vi phạm ATTP

Hà Tĩnh sẽ xử phạt chứ không nhắc nhở đối với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bác sỹ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh cho biết, sẽ xử phạt chứ không nhắc nhở đối với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
 
hà-tĩnh.jpg
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh xử phạt nếu vi phạm ATTP, không nhắc nhở. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Ông Hùng cho biết, mục tiêu Tháng hành động vì ATTP năm nay là sẽ tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
 
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các địa phương. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường các giải pháp giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
 
Lực lượng chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý; việc tổ chức và hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP các cấp; việc lập kế hoạch và triển khai tháng hành động năm 2019; việc triển khai các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương. Cùng với đó, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về ATTP tại từng địa phương.
 
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ tập trung xem xét các nội dung về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật để chứng minh các điều kiện bảo đảm ATTP; điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm.
 
Chủ trương của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, nếu phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm sẽ kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính theo quy định chứ không cảnh cáo hay nhắc nhở. Đồng thời, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm để cảnh báo cho người dân. Song song với đó, sẽ thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm ATTP tới các cơ sở và người dân…
 
 
TP. HCM: Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm
 
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, hiệu trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học nếu nguyên nhân được chứng minh do trường học gây ra.
 
Đó là một trong những nội dung trong văn bản thông báo của Sở GD&ĐT TPHCM gửi trưởng phòng GD&ĐT các quận huyện, hiệu trưởng các trường trung cấp, cao đẳng, giám đốc các trung tâm GDTX… về việc tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
 
phạt-vẹ-sinh.jpg
Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất ATVSTP
Theo văn bản, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ đi kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất các bếp ăn bán trú, căngtin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho nhà trường để phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra.
 
Sở GD&ĐT TPHCM cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng tin tại các trường học; khuyến khích các trường chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến thức ăn trong trường.
 
Đối với các đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài, Sở GD&ĐT TPHCM chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Cơ sở chế biến phải bảo đảm vệ sinh, đúng quy trình chế biến thực phẩm một chiều. Tuyệt đối không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không được quá 2 giờ, thực phẩm sau khi chế biến quá lâu phải hâm nóng lại trước khi cho học sinh ăn.
 
Đặc biệt, Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học nếu nguyên nhân được chứng minh do trường học gây ra. Đồng thời, có phải có nhiệm vụ báo cáo với các cơ quan liên quan để kịp thời để cùng phối hợp giải quyết nhanh chóng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe của học sinh, không để xảy ra ngộ độc tập thể…
 
 
Nghệ An: Phạt gần 150 triệu đồng vi phạm ATVSTP
 
Qua công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An lập biên bản vi phạm và kiến nghị xử phạt 25 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền gần 150 triệu đồng.
 
Theo đó, từ ngày 10/1/2019 - 21/3/2019, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về ATVSTP tỉnh Nghệ An đã thực hiện thanh, kiểm tra tại 58 cơ sở và làm việc cùng 6 ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện, thành, thị.
 
nghẹ-an.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của Nghệ An đã phạt trên 150 triệu đồng
Kết quả, Đoàn phát hiện 25 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm và lập biên bản xử phạt hành chính gần 150 triệu đồng.
 
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và được sự quan tâm của toàn xã hội, việc các tổ chức cá nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình không tuân thủ theo các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, gây hậu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng rất cần các lực lượng chức năng xử phạt một cách nghiêm khắc.
 
Đặc biệt, lãnh đạo các nhà trường, các cơ sở giáo dục buông lỏng vai trò trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm sử dụng cho học sinh ăn bán trú tại nhà trường.
 
 
Ngoc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top