Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 5 năm 2018 | 10:7

Hái chè bằng tay vẫn đảm bảo chất lượng

Đó là cách bà con nhiều địa phương trên cả nước lựa chọn để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng nông sản đảm bảo xuất khẩu.

Phú Thọ: Hái tay truyền thống, đảm bảo chất lượng chè

Để đảm bảo chất lượng chè thành phẩm, nhiều người dân ở làng nghề Chùa Tà, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh sử dụng phương pháp hái tay truyền thống để đạt tiêu chuẩn “một tôm hai lá”.

 

na-847.JPG

 Người dân xã Tiên Phú hái chè bằng tay để đạt tiêu chuẩn cao                                                                       

Hiện, trên địa bàn Phú Thọ có 17 làng nghề sản xuất, chế biến chè, chiếm 23% tổng số làng nghề của tỉnh. Sự phát triển của làng nghề đã tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó trên 90% là lao động thường xuyên. Các làng nghề chủ yếu sản xuất, chế biến sản phẩm chè đen, chè xanh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2017, doanh thu của các làng nghề chè đạt trên 92 tỷ đồng.

Làng nghề chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ là làng nghề sản xuất và chế biến chè hoạt động ổn định, cho thu nhập cao. Toàn làng có 25ha chè, chiếm 32% diện tích chè toàn xã với 130 hộ trồng. Với lợi thế vị trí nằm gần Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, người dân thường xuyên được học hỏi, trao đổi và chuyển giao kỹ thuật, phương pháp trồng các giống chè mới như: LDP1, LDP2 và một số giống chè đặc sản như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, hàng năm làng nghề mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trồng, chế biến chè chất lượng cao theo quy trình an toàn cho người dân. Từ đó, người dân hình thành thói quen ghi chép nhật ký, theo dõi từng chu kỳ, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng quy định. Để tạo nét riêng biệt của sản phẩm chè xanh Phú Thịnh, một số hộ học cách pha trộn giữa giống chè chất lượng cao và chè đặc sản nhằm đạt được tiêu chuẩn về các tiêu chí: Hương vị, màu sắc, kiểu dáng…

Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh cho biết: “Năm 2016, làng nghề đã thành lập HTX sản xuất, chế biến chè với 11 thành viên tham gia nhằm tạo sợi dây liên kết giữa các hộ trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Khi mới thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn, một số hộ nản chí vì nhiều công đoạn khó, phức tạp nhưng vì mục tiêu sức khỏe con người và lợi nhuận về kinh tế, người dân đã nỗ lực chấp hành, tuân thủ đúng theo quy trình đã hướng dẫn”.

Anh Hà Văn Thưởng, thành viên làng nghề cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha chè, trước đây chủ yếu bán búp chè tươi, vốn thu trong ngày nhưng nhỏ lẻ, khó tích lũy được. Cách đây 3 năm, tôi đầu tư xây 2 lò chế biến chè bằng bê tông, mỗi ngày làm từ 1 -2 tạ búp chè tươi rồi đem bán cho các cửa hàng thu mua trên địa bàn huyện với giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm. Sử dụng máy chế biến chè mini làm thành chè khô có lãi cao gấp 2 - 3 lần so với búp chè tươi. Vào thời điểm trong làng hết chè tươi, tôi thường mua lại ở các xã lân cận rồi chế biến để nâng cao thu nhập”. 

Trải qua bao thăng trầm, các làng nghề sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi, hoàn thiện cơ chế hoạt động để phù hợp điều kiện của địa phương. Quy mô của làng nghề ngày càng mở rộng, một số làng đã có sự khởi sắc cả về số lượng và chất lượng sản phẩm, trở thành kế sinh nhai bền vững của người dân. Để duy trì và phát triển ổn định, các làng nghề sản xuất, chế biến chè đã khuyến khích người thay thế các giống chè cằn, cỗi, kém hiệu quả bằng các giống chè chất lượng cao; đổi mới phương pháp, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến để hạn chế sức lao động, giảm chi phí đầu tư; hình thành các nhóm, tổ, HTX sản xuất để thuận lợi trong việc xây dựng tư cách pháp nhân, đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu; xây dựng vùng chè an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm… Với những giải pháp cụ thể, hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm của các làng nghề chè đang từng bước vươn lên, phấn đấu xây dựng thương hiệu chè vùng Đất Tổ. 

Chiêm Hóa: Đa dạng hóa sản phẩm từ cây nhãn

Xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) hiện có 8 thôn với 960 hộ tham gia trồng nhãn. Để đa dạng hóa sản phẩm từ cây nhãn như: Mật ong hoa nhãn, long nhãn khô…nhiều người dân đã mua lò sấy, thu mua và thuê người bóc nhãn để nâng cao giá trị cây nhãn và cho thu nhập cao

Cây nhãn phát triển ở xã Vinh Quang đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Hằng năm vào mùa thu hoạch, các hộ gia đình có lò sấy long nhãn luôn tấp nập người làm. Ông Dương Văn Chừng, thôn Tiên Hóa 1 cho biết, mỗi khi vào vụ làm long nhãn, gia đình ông cần từ 20 - 25 người làm, vì vậy nhiều khi phải thuê thêm những lao động ở địa phương khác mới hoàn thành được các công đoạn từ thu hoạch, thu mua, bóc nhãn.

Quả nhãn tươi thu hoạch về được bóc lấy cùi sau đó cho vào lò sấy. Cùi nhãn khi tách phải đảm bảo không bị rách và được sấy trong vòng 24 giờ. Long nhãn hiện có giá dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ gia đình ông sấy được khoảng 7 - 8 tạ long nhãn, thu lãi gần 100 triệu đồng. Ông cũng cho biết thêm, vụ làm long nhãn chỉ kéo dài khoảng hơn 1 tháng, với thu nhập như hiện tại nhiều gia đình cũng đã đầu tư thêm lò để tăng năng suất. 

 

t-q-221.jpg

Sản phẩm long nhãn xã Vinh Quang, nhận được sự quan tâm của khách hang tai Hội chợ của huyện 2018.

 

Để làm long nhãn, mỗi khi vào vụ số lượng lao động cần cho việc bóc cùi nhãn lên đến hàng nghìn người. Mỗi cân nhãn tươi sau khi bóc, người lao động được trả công 5.000 nghìn đồng/người. Đối với những người mới làm, mỗi ngày bình quân bóc được khảng 20 - 30kg nhãn tươi, nhưng những người có tay nghề có thể bóc được 50 - 60 kg nhãn tươi. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho những lao động tại địa phương kiếm thêm thu nhập từ việc tách cùi nhãn.

Ngoài long nhãn, sản phẩm mật ong hoa nhãn của xã đã được nhiều người yêu thích bởi mật lấy từ hoa nhãn thường có màu vàng óng, có mùi thơm đặc trưng và để cả năm cũng không bị xuống màu. Vì vậy, ngày càng có nhiều gia đình tận dụng mùa hoa nhãn để phát triển đàn ong, có thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Thiên, thôn Tân Quang nói, tận dụng mùa hoa nhãn, gia đình anh đã đầu tư nuôi 30 đõ ong lấy mật. Thời gian khai thác mật ong hoa nhãn không dài, chỉ 25 - 30 ngày, nếu thời tiết nắng đẹp thì cứ 3 - 4 ngày có thể thu được một lứa mật. Mỗi năm gia đình anh quay được hơn 100 lít mật ong, với giá mật ong hiện tại là 150 nghìn đồng/lít, anh thu về hơn chục triệu đồng.

Anh Phạm Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, các sản phẩm từ cây nhãn đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn xã. Hiện tại, toàn xã có 68 lò sấy, năng suất mỗi lò sấy đạt từ 6 - 8 tạ long nhãn khô/vụ, thu về hàng trăm triệu đồng/lò. Để phát triển nghề làm long nhãn và đưa sản phẩm của xã Vinh Quang đến với người tiêu dùng trong cả nước, UBND xã đang lập Đề án đăng ký và phát triển thương hiệu sản phẩm long nhãn Vinh Quang gửi đến các đơn vị chức năng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình đảm bảo đúng quy trình sản xuất để các sản phẩm đưa ra thị trường tuyệt đối an toàn, hợp vệ sinh.                       

Doanh nghiệp Việt: Tìm cơ hội cho hàng nông sản tại Nhật Bản

Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực quảng bá mặt hàng nông sản nước ta tại thị trường Nhật Bản, trong đó cây xoài Bình Phước.

t-q-6331.jpg

Vườn xoài của ông Trần Văn Thơ xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

 

Sự kiện được tiến hành trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam lần thứ 10 (2008-2018) tổ chức tại Tokyo, trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản hướng tới lễ kỷ niệm tròn 45 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (9/1973 - 9/2018).

Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về các mặt hàng nông sản như trái cây, càphê… vì vậy đây cũng là những mặt hàng chủ lực được giới thiệu, quảng bá tại Nhật Bản trong thời gian tới.

Theo ông Tạ Đức Minh, hiện tại Việt Nam đã đưa được 3 loại trái cây vào thị trường Nhật Bản gồm thanh long ruột trắng ruột đỏ, xoài và chuối.

Ông cho biết trái cây Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản đều đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận rất tích cực.

Năm 2017, Việt Nam đã xuất được 2.500-3.000 tấn chuối, hơn 1.500 tấn thanh long sang thị trường Nhật Bản.

Ông Hidekatsu Ishikawa, Giám đốc Công ty VIENT Co.Ltd, doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu trái cây Việt Nam vào Nhật Bản, cho biết trái cây Việt Nam như thanh long, xoài, chuối được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao. Trung bình mỗi năm, công ty của ông nhập khoảng 200 container trái cây Việt Nam vào thị trường Nhật Bản với số tiền lên tới 500 triệu yen (tương đương 4,6 triệu USD).

Ông cho rằng một trong những lợi thế của trái cây Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là thời gian vận chuyển ngắn, chỉ mất 6 ngày từ Việt Nam đến Nhật Bản nên đảm bảo được độ tươi ngon.

Trong thời gian tới, VIENT muốn mở rộng danh mục trái cây Việt Nam nhập vào thị trường Nhật Bản nhằm giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản được thưởng thức thêm nhiều trái cây chất lượng cao của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hidekatsu Ishikawa cũng đánh giá chất lượng dịch vụ kho vận tại Việt Nam còn hạn chế nên thời gian vận chuyển trái cây từ nơi thu hoạch đến cảng xuất khẩu vẫn còn khá dài.

Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Còn ông Tạ Đức Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nhận định xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản chính là một điều kiện, đồng thời là cơ hội để nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường nước ngoài khác.

Theo ông Minh, bộ phận thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có kế hoạch giới thiệu thêm những loại nông sản khác của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt…

Hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán để xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top