Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2017 | 8:5

Hải Phòng: Người dân lập chốt ngăn doanh nghiệp… phá núi

KTNT- Những ngày này, bất chấp thời tiết giá lạnh, nhân dân các thôn 1, 2, 3 thuộc xã Kỳ Sơn (Thủy Nguyên - Hải Phòng) vẫn cắt cử người “canh gác” phòng doanh nghiệp vào khoét núi Niêm Nội chở đất đi đâu không rõ.

Bà con tập trung phản đối doanh nghiệp vào phá núi.

Hơn tháng nay, suốt ngày đêm, người dân thuộc các thôn 1, 2, 3 của xã Kỳ Sơn bị tra tấn bởi tiếng gầm rú của những xe hổ vồ (Howo) quần thảo tại đường liên thôn. Từng tốp, từng tốp xe có trọng tải lớn rầm rập chở đất từ núi Niêm Nội ra Tỉnh lộ 352 khiến con đường vốn đã oằn mình xuống cấp bởi xe chở đá, xe container, nay phải hứng chịu từng tốp xe hổ vồ quần thảo.

Việc các xe ngày đêm quần thảo tuyến đường liên thôn và Tỉnh lộ 352 tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, bởi trên tuyến đường này có nhiều trường học và đi qua khu đông dân cư thuộc các xã Kỳ Sơn, Quảng Thanh, Thiên Hương.

Không những vậy, việc doanh nghiệp đưa máy móc thiết bị, xe trọng tải lớn vào đào khoét núi khiến bà con nghi ngờ về việc doanh nghiệp này đang đào trộm núi, nhưng chính quyền địa phương “loay hoay” chưa xử lý. Cực chẳng đã, từ ngày 21/12 vừa qua, bà con các thôn thuộc xã Kỳ Sơn dựng lều bạt ngăn doanh nghiệp vào khai thác đất.

Hơn 10 xe hổ vồ (Howo) bị dân lập chốt chặn.

Tại hiện trường thấy doanh nghiệp đã khoét sâu tạo thành một rãnh khổng lồ chạy sâu vào lòng núi. Phía ngoài, hơn chục xe hổ vồ bị ách lại do người dân  lập chốt và tập trung phản đối ngăn không cho doanh nghiệp vào khai thác đất.

Theo người dân, doanh nghiệp khai thác đất tại núi Niêm Nội là Công ty Thuận Thiên, doanh nghiệp khá nổi tiếng tại huyện Thủy Nguyên. Từ nhiều năm nay, công ty này đã có nhiều hoạt động khai thác tài nguyên đất tại xã Kỳ Sơn.

Núi Niêm Nội bị khoét xuống sâu hơn chục mét.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, xác nhận doanh nghiệp đang khai thác tại núi Niêm Nội chính là Công ty Thuận Thiên, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại huyện Thủy Nguyên. Theo ông Khoa, Công ty Thuận Thiên làm thủ tục xin cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynen từ năm 2010, tuy nhiên đến nay nhà máy sản xuất gạch vẫn chưa được xây dựng.

Ông Khoa cho biết: Từ cuối tháng 11 vừa qua, doanh nghiệp Thuận Thiên tiến hành vào đào lớp đất bề mặt để làm đường lên núi, nhằm tiến hành xây dựng cơ bản mỏ. Tuy nhiên, khi được hỏi số lượng đất được đào khoét sâu hàng chục mét khối, ước tính khối lượng hàng vạn tấn đã được doanh nghiệp chở đi đâu thì ông Khoa cho biết không rõ.

Cả vạt núi bị khoét dài hàng trăm mét.

Theo ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủy Nguyên, đến nay, doanh nghiệp Thuận Thiên có đầy đủ giấy phép xây dựng nhà máy gạch Tuynel, tuy nhiên công ty này chưa triển khai dự án nhà máy sản xuất gạch nên không được phép đào khoét, bóc tách đất để xây dựng cơ bản mỏ, không được phép chở đất đi nơi khác.

“Mặc dù không được phép bóc tách nhưng doanh nghiệp này đã tự ý đào khoét, chở đất đi nơi khác tiêu thụ là vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản, đến nay hoạt động khai thác đất Của công ty Thuận Thiên đã bị UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành đình chỉ”, ông Long cho biết thêm.

Được biết, dự án nhà máy gạch Tuynel của Công ty Thuận Thiên là một trong số các dự án chậm triển khai. Năm 2017, UBND TP. Hải Phòng đã đưa dự án này vào danh sách xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi giấy phép khai thác mỏ phục vụ sản xuất gạch.

Nguyễn Minh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top