Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 10 năm 2018 | 20:34

Hải Phòng: Phá dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất quốc phòng

UBND quận Hải An tiến hành phá dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất quốc phòng, đồng thời ngừng cấp điện, nước cho khu vực này.

Ngày 18/10, lực lượng chức năng quận Hải An (TP. Hải Phòng) kiểm tra, cưỡng chế và tiến hành phá dỡ hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất quốc phòng sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao (14,2ha).
 
Cụ thể, UBND quận Hải An chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp chặn đứng việc xây dựng thêm các công trình trên đất quốc phòng nói trên. Đồng thời, phá dỡ 10 móng nhà, 150m rãnh thoát nước đang xây dựng trái phép và ngừng cấp điện, nước cho khu vực này.
 
9.jpg
Lực lượng chức năng quận Hải An tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế nhiều công trình vi phạm trên đất quốc phòng. Ảnh: Minh Lý - Giađinh.net.vn

 

Tiếp đó, lập biên bản, phân loại các trường hợp vi phạm theo hiện trạng. Đồng thời, dựa trên kết quả xác minh, quận Hải An xây dựng kế hoạch cưỡng chế, giải phóng mặt bằng thu hồi đất đối với 14,2 ha này để trình lên thành phố.
 
Sau khi được thành phố phê duyệt, UBND quận sẽ tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất quản lý theo quy định. Cùng với việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm trên diện tích đất quốc phòng, lực lượng chức năng quận Hải An tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chấp hành và thực hiện nghiêm, không lấn chiếm, mua bán đất trái phép.
 
Trước đó, TP. Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố các quyết định về quản lý khu đất quốc phòng tại phường Thành Tô và Tràng Cát (quận Hải An) sau khi nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng về diện tích nói trên.
 
Trong đó, có quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thu hồi đất quốc phòng tại 2 phường trên giao cho UBND quận Hải An quản lý; quyết định của UBND TP. Hải Phòng thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận, bàn giao xử lý các sai phạm trên khu đất Quốc phòng tại 2 phường Tràng Cát và Thành Tô.
 
Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng giao quận Hải An và các địa phương vận động, tuyên truyền, yêu cầu các tổ chức, cá nhân và người dân có liên quan đến khu đất trên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
 
Đối với Công an Thành phố, khẩn trương điều tra xác minh các đối tượng đang tổ chức xây dựng lấn chiếm đất công để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
90.jpg
Sau khi cưỡng chế, quận Hải An tiến hành phân loại các trường hợp vi phạm. Ảnh: Minh Lý - Giađinh.net.vn
Bên cạnh đó, thành phố và quận Hải An thành lập Ban tiếp công dân đặt tại trụ sở UBND phường Thành Tô để tiếp nhận, tổng hợp và chủ động xử lý giải quyết tất cả các kiến nghị của nhân dân theo quy định của pháp luật.
 
Quận Hải An yêu cầu các tổ chức, cá nhân và mọi người dừng ngay các hoạt động lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, thu dọn thiết bị, vật tư và phương tiện ra khỏi khu đất vi phạm. Mọi chi phí trong quá trình xây dựng trái phép đều không được đền bù, hỗ trợ. Nếu các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị các tổ chức, cá nhân và người dân phối hợp với các cơ quan chính quyền để giải quyết các vấn đề của khu đất, chủ động hợp tác trong khai báo với Ban chỉ đạo tiếp nhận bàn giao đồng thời không nghe theo các đối tượng lợi dụng cơ hội tuyên truyền kích động, lôi kéo để mua bán xây dựng trái phép.
 
Sóc Sơn: hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị “xẻ thịt”
 
Liên quan đến việc hàng trăm hecta rừng phòng hộ tại 2 xã Minh Phú, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) bị “xẻ thịt”, chiếm dụng làm khu sinh thái nghỉ dưỡng, xây dựng homestay..., UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất tại đây.
 
Sau khi xem xét báo cáo, kiến nghị của Sở Xây dựng cùng với việc kiểm tra nội dung báo chí phản ánh về vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực xã Minh Phú và xã Minh Trí, ngày 10/10, UBND TP. Hà Nội có Công văn 4983/UBND-ĐT làm rõ vấn đề trên. UBND TP. Hà Nội cho rằng, những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại quy hoạch đất rừng phòng hộ nêu trên, đã được Thanh tra Chính phủ (Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4), Thanh tra thành phố (Kết luận số 301/BC -TTCP-P3 ngày 12/4/2005) kết luận và kiến nghị xử lý, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn, các sở, ngành rất chậm, chưa triệt để và tiếp tục để xảy ra các vi phạm.
99.jpg
Những công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ.
Thành phố giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn và việc thực hiện các nội dung của kết luận Thanh tra chính phủ, Thanh tra Thành phố, chỉ đạo sau thanh của UBND thành phố để báo cáo UBND thành Phố.
 
Giao các sở: Nông Nghiệp và PTNT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Sóc Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra thành phố để thực hiện.
 
Trong thời gian thanh tra, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã Minh Phú và xã Minh Trí có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối các đang thi công vi phạm, không để xảy ra sai phạm mới.
 
Trước đó, Báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh khu vực thôn Lâm Trường, xã Minh Phú (Sóc Sơn) xảy ra tình trạng phá rừng, san, gạt đồi khiến nhiều hecta rừng phòng hộ tại đây bị “xẻ thịt”, chiếm dụng làm khu sinh thái nghỉ dưỡng, xây dựng homestay, nhà vườn...
999.jpg

 

Tại vị trí cách Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT) tầm 2km, thực sự là thiên đường của những hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái. Đúng như lời quảng cáo hoa mỹ trên facebook, hàng loạt khu dịch vụ này có những mái nhà đẹp nằm dưới tán rừng thông xanh mát. Nhiều khu dịch vụ có thể kể đến như: The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight Sóc Sơn, Khu sinh thái Thiên Phú Lâm – Sóc Sơn, Nhà bên rừng U-LESA, Trà hoa viên Sóc Sơn…
 
Bên cạnh những khu homestay đã được hoàn thiện thì hoạt động xây dựng ở đây đang diễn ra rầm rộ. Những khoảnh đất ven rừng, sườn đồi trước đó là những hàng thông thì nay đã được san ủi, đào lấp và thay vào đó là những ô đất trống được tạo mặt bằng, căng dây chuẩn bị xây dựng; những con đường đất được máy xúc, máy ủi đào bới, mở lối để phục vụ thi công xây dựng; đất đá, cát sỏi, sắt thép và lán trại công nhân xây dựng được dựng ngay trên đất rừng, vậy liệu xây dựng, hàng rào lưới B40 đã được giăng chằng chịt.
 
Thanh tra 38 dự án đất vàng chuyển mục đích sử dụng ở Hà Nội sai phạm về tài chính gần 4.000 tỉ đồng
 
Đây là những tồn tại, thiếu sót mà Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra khi thanh tra việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).
 
Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ rõ những vấn đề tồn tại của 38 dự án chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, DN nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003-2016).

Cụ thể, liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất, TTCP cho rằng UBND TP.Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các DN 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Một số DN không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên số tiền thu về cho ngân sách thấp như Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án tại 365A Minh Khai; Dự án 167 Thụy Khuê; Dự án 69 Vũ Trọng Phụng; Dự án 47 Nguyễn Tuân; Dự án 108 Nguyễn Trãi, Dự án 44 Yên Phụ, Dự án tại 430 Cầu Am...

TTCP xác định đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát NSNN trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Dự án tại Lô đất C3 là một phần dự án Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn NSNN, nhưng năm 2009 UBND TP.Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá, vi phạm quy định.

TTCP cũng nhận định việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm và việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Việc kiểm tra 38 dự án cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Thực tế một số chủ đầu tư dự án không sử dụng các tầng kỹ thuật vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại văn phòng, dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử đụng đất, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu NSNN.
91.jpg
TTCP xác định nhiều vi phạm khi thanh tra 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất công vị trí đắc địa tại Hà Nội (ảnh minh hoạ). Ảnh: K.H. Theo Lao Động

 

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa được chú trọng; việc thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch, tự ý điều chỉnh mục đích sử dụng đất, sử dụng không đúng công năng, mục đích, ảnh hưởng đến cộng đồng, gây thất thu NSNN. Không chỉ có vấn đề trong định giá, quy hoạch các dự án trong diện thanh tra còn có bất cập về tiến độ, sai phạm tài chính cũng như nợ đọng hàng trăm tỉ tiền thuế.

Cụ thể, trong số 38 dự án có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định nhưng chỉ có 1 dự án được UBND thành phố xác định tiền chậm tiến độ (Dự án 47 Nguyễn Tuân) với số tiền trên 13 tỉ đồng, còn lại 3 dự án UBND thành phố không thực hiện, gồm dự án tại 31 Láng Hạ, dự án tại 108 Nguyễn Trãi và dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum gây thất thu NSNN.

Việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với Dự án chuyển mục đích sử dụng đất không căn cứ vào các quy định về phương pháp xác định giá đất và khung các loại giá đất, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi NSNN bị thất thu số tiền lớn. Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền hơn 1.480 tỉ đồng.

Tiền sử dụng đất Dự án Trung tâm thương mại, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy, chủ đầu tư đã chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hằng năm sang hình thức giao đất có thu sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gây thất thoát tạm tính hơn 403 tỉ đồng.

Kiểm tra 38 dự án cho thấy tại thời điểm thanh tra có 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 1.951 tỉ đồng. Từ phát hiện của Đoàn thanh tra, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1.106 tỉ đồng và số tiền còn nợ đọng là hơn 844 tỉ đồng.

Ngoài ra, một số dự án còn “cơi nới” thêm diện tích so với quy hoạch khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép, khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định hay khởi công xây dựng khi được UBND TP.Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

TTCP cũng nhận định tổng số tiền sai phạm được phát hiện là hơn 3.974 tỉ đồng, trong đó có 1.480,302 tỉ đồng, tạm tính tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung, do UBND TP.Hà Nội khi tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đã nêu, rà soát, kiểm tra các dự án chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; có biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý các sai phạm theo thẩm quyển, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư dự án đang còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản thuế còn phải nộp về NSNN, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không chấp hành.

TTCP kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, rà soát cụ thể để xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với các dự án do chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; tự chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng không đúng công năng, mục đích; tính chưa đúng về tiền sử dụng đất các chủ đầu tư phải nộp; thu về ngân sách nhà nước và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị KHĐT, TNMT, Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, GTVT, Cục Thuế, UBND quận Long Biên, UBND quận Hoàng Mai, UBND quận Hai Bà Trưng kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan...
 
 
 
 
P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top