Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 13:13

Hiểm họa từ rác thải nhựa

Các sản phẩm túi nylon, bao bì bằng nhựa từ lâu đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen sử dụng của đa số người dân.

tr14.jpg
Đốt rác là chất thải nhựa, túi nylon gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại nhiều địa phương. Ảnh: ANHP

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chính là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Báo động

Tại Đồng Nai, theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh có khoảng 1.600 tấn rác thải sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày, trong đó khoảng 60 - 90 tấn chất thải nhựa, nylon. Tỷ lệ chôn lấp rác thải trên địa bàn ở mức trên 60%, còn lại được thu gom, tái chế. Như vậy, tính ra mỗi ngày, tỉnh còn có vài chục tấn rác thải bằng nhựa được thải ra môi trường hoặc xử lý bằng cách chôn lấp.

Ngay cả đối với việc tái chế rác thải bằng nhựa cũng rất khó khăn. Tại khu xử lý rác thải Quang Trung ở huyện Thống Nhất có khoảng 4-6% trong tổng số rác thải là nhựa và nylon. Trong đó, 50% lượng nhựa và nylon có thể tái chế, còn lại không tái chế được. Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường Sonadezi (chủ đầu tư khu xử lý Quang Trung), dù đã nỗ lực để xử lý nhựa và túi nylon không tái chế được nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn.

Mỗi ngày người Việt Nam thải ra hơn 2.500 tấn chất thải nhựa ra môi trường.

Việt Nam phát sinh thêm 12,8 triệu tấn rác mỗi năm từ các hoạt động y tế, sinh hoạt, là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới.

Phải khẳng định rằng: Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta rất đáng báo động!

Sản phẩm nhựa, gánh nặng cho môi trường

Số lượng chất thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nylon hiện vẫn ở mức rất cao. Việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần hiện nay thực sự là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Thực tế, nhựa không phải là chất thải, nó chỉ được coi là chất thải nếu không được quản lý tốt. Liên quan đến các sản phẩm nhựa: nếu không thể giảm thiểu, tái sử dụng, sửa chữa, xây dựng lại, tân trang, hoàn thiện, tái chế hoặc phân hủy được thì nên hạn chế, thiết kế lại hoặc loại bỏ khỏi sản xuất.

Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Chất thải nhựa khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp.

Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nylon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, người dân sử dụng túi nylon vì tiện lợi và phù hợp thói quen mua bán nhỏ, lẻ. Đây là nguyên nhân khiến rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Điều đáng buồn là chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi. Và biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nylon.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Tác hại từ rác thải nhựa

Đánh giá về mối nguy hại của rác thải nhựa hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong nhựa có chứa DOP, chất này khi vào cơ thể gây ảnh hưởng tới giới tính và gây vô sinh ở trẻ em gái. Trong môi trường tự nhiên thì phải hàng trăm năm mới phân hủy hoàn toàn.

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nylon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.

Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Có nghĩa là, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm, quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi nylon… Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại.

Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói.

Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Dự tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ này tăng lên 45kg/người/năm. Tuy nhiên, khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Điều này cho thấy, lượng lớn chất thải nhựa đang bị thải bỏ vào môi trường sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Câu hỏi: Chúng ta cần thời gian bao lâu để rác thải nhựa phân hủy? Câu trả lời được đưa ra là túi nhựa cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa không mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường là rất lớn.

 

WWF (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới) vừa phát hành báo cáo về rác thải nhựa trước cuộc họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc (UNEA) tại Nairobi (Kênia) ngày 11-15/3. Báo cáo nêu số liệu cảnh báo, tới năm 2030 sẽ có thêm 104 triệu tấn nhựa có khả năng gây ô nhiễm các hệ sinh thái của trái đất, nếu như không quyết liệt thay đổi tình trạng hiện thời.

“Là một trong những quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất, Việt Nam có thể đi đầu trong giải quyết thách thức này, bằng việc ủng hộ sự ra đời một hiệp định quốc tế về nhựa. Tại Việt Nam, nhận thức của mọi người về ô nhiễm nhựa đang gia tăng và yêu cầu về trách nhiệm của lĩnh vực công và tư cũng ngày càng lớn. Cần phải có một cách tiếp cận toàn diện về quản lý và phát thải rác nhựa để giảm khối lượng nhựa rò rỉ ra môi trường”, ông Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình của WWF - Việt Nam cho biết.

 

Bài 3: Lời giải ở chính chúng ta

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top