Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 11 năm 2018 | 10:56

Hiệu quả từ Điểm giao dịch lưu động tại Bắc Quang

Agribank Bắc Quang (Hà Giang) là một trong 30 chi nhánh triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 1. Kết quả, tại các xã mà ngân hàng lưu động hoạt động, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn 20-23% so với các xã khác.

 

2-copy.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank Hà Giang thăm mô hình cam VietGAP tại xã Vĩnh Phúc - nơi có Điểm giao dịch lưu động hoạt động.

Mang cả ngân hàng đến với bà con

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đức Hào, Giám đốc Agribank Bắc Quang cho biết, Bắc Quang có 23 xã, thị trấn, địa bàn rộng, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Huyện có thế mạnh về cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, trồng rừng... Do vậy, trên 90%, đối tượng vay vốn là kinh tế hộ, 90% vốn vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Trước đây, để đến được điểm giao dịch của ngân hàng, bà con phải đi cả chục kilômét, rất mất thời gian. Khi Agribank triển khai, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô (còn gọi là ngân hàng lưu động) trở thành công cụ hiệu quả để truyền tải dịch vụ của ngân hàng đến với khách hàng.

Sau gần 1 năm triển khai, Điểm giao dịch lưu động các sản phẩm dịch vụ đã tăng trưởng một cách rõ rệt, đặc biệt là tăng trưởng sản phẩm tín dụng và các dịch vụ thanh toán. Cụ thể, đã tổ chức được 96 phiên giao dịch (mỗi tháng tổ chức 8 phiên giao dịch tại 8 xã), tốc độ tăng trưởng tại 8 xã cao hơn 20-23% so với các xã khác. Phát sinh cho vay qua Điểm giao dịch lưu động khoảng 30 tỷ đồng.

Ông Hào cho biết thêm, giờ đây, người dân được tiếp cận các dịch vụ tại chỗ, giảm thiểu thời gian đi lại. Đặc biệt, bà con đã biết sử dụng các sản phẩm của ngân hàng như: Mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm… Chính quyền địa phương đánh giá rất cao những kết quả mà Agribank đạt được. Thời gian tới, Agribank sẽ nghiên cứu tăng số lượng phiên giao dịch tại các địa bàn đã hoạt động, mở thêm phiên giao dịch ở các xã mới để mang thuận lợi nhất đến với bà con.

Hiệu quả từ nguồn vốn Agribank

Ông Nguyễn Thái Tư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc, cho biết, Vĩnh Phúc cách trung tâm huyện Bắc Quang khoảng 50km, cách điểm giao dịch gần nhất của Agribank 8km. Xã phát triển chủ yếu về lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên nhu cầu về vốn của khách hàng khá lớn. Trước đây, bà con đi đến điểm giao dịch tương đối khó khăn vì đường xa, nhiều người không biết đi xe máy phải có thêm một người đưa đi, đón về.

 

1.JPG
Nhờ triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, giờ đây người dân Bắc Quang đã thực hiện giao dịch thuận lợi hơn.

 

Kể từ ngày có Điểm giao dịch lưu động, bà con đi lại gần hơn, cán bộ ngân hàng có thời gian tư vấn sâu hơn. Đặc biệt, xã đã thành lập được 13 tổ vay vốn với hơn 300 thành viên.

“Sau khi vay vốn của ngân hàng, người dân đã sử dụng đúng mục đích nên hiệu quả mang lại cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hiện, Vĩnh Phúc chỉ còn 2,5% số hộ nghèo. Thu nhập bình quân đạt 37,3 triệu đồng/người/năm. Với hiệu quả mà Điểm giao dịch lưu động mang lại, chúng tôi đề nghị Agribank tăng thêm cho xã 1 phiên giao dịch nữa thành 2 phiên/tháng”, ông Tư nói.

Triển khai Điểm giao dịch lưu động đợt 2

Từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 1 với 30 xe tại 30 chi nhánh. Ô tô chuyên dùng có két sắt gắn với các thiết bị kỹ thuật an toàn. Mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay trên xe, có công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống cung cấp điện, thiết bị định vị và giám sát đa năng...

Tính đến 30/9/2018, Điểm giao dịch lưu động Agribank đã tổ chức 1.803 phiên giao dịch, phục vụ hơn 196.000 lượt khách hàng tại địa bàn 229 xã trên cả nước, trung bình 01 phiên, Điểm giao dịch phục vụ cho 109 khách hàng; thực hiện giải ngân hơn 884 tỷ đồng, thu nợ gốc - lãi hơn 760 tỷ đồng, huy động tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng; dịch vụ chuyển tiền hơn 545 tỷ đồng với 12.576 khách hàng; phục vụ các dịch vụ tiện ích ngân hàng khác cho 20.454 khách hàng…

Tháng 11/2018, Agribank tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 2 giai đoạn I, trang bị thêm 38 xe ô tô phục vụ khách hàng địa bàn nông thôn các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tại nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận lợi, việc xây dựng một phòng giao dịch ngân hàng là hết sức khó khăn, chi phí tốn kém. Theo thống kê của Agribank, khu vực Tây Nguyên bình quân 18 xã/1 phòng giao dịch; khu vực Trung du miền núi phía Bắc bình quân 15 xã/1 phòng giao dịch. Có những địa bàn khoảng cách từ xã xa nhất đến phòng giao dịch trên 60km. Bên cạnh đó, bình quân một cán bộ tín dụng quản lý 800-1.000 hộ vay vốn trong điều kiện địa bàn đi lại vô cùng khó khăn.

Được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top