Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 10 năm 2018 | 8:29

Hỗ trợ bò cho hộ nghèo ở Sơn La: Giá cao vì phải “cõng” bảo hành?

Một số hộ dân ở xã Quang Huy (Phù Yên - Sơn La) được hỗ trợ bò giống nhưng muốn trả lại vì chê bò quá nhỏ. Trong khi đó, chính quyền xã khẳng định không bớt xén và cấp bò đúng giá trị.

 1.jpg

Người dân trong xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La) cho rằng những con bò giống quá bé không thể có giá 11 triệu đồng. 
 

Quang Huy có 48 hộ nghèo và cận nghèo được bình xét để nhận hỗ trợ bò giống. Nguồn kinh phí một phần trích từ nguồn vốn thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) và một phần từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a-2008 của Chính phủ).

Mỗi con bò giống có giá trị được phê duyệt là 11 triệu đồng. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng, nộp đối ứng 1 triệu đồng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 7 triệu đồng, đối ứng 4 triệu đồng để được nhận bò. Nhiều hộ phấn khởi vay tiền đối ứng để được nhận bò, thế nhưng, khi nhận con giống về lại hoàn toàn thất vọng.

Bò to bằng con dê đầu đàn!

Đó là nhận xét của người dân bản Mo Nghè 1 về con bò giống của gia đình bà Đinh Thị Thành, hộ mới thoát nghèo trong bản.

Gia đình bà Thành là 1 trong 2 hộ dân được bản bình xét để được nhận bò giống. Bà Thành mừng lắm. Chạy đi vay mượn anh em, hàng xóm mỗi người mấy trăm nghìn cho đủ 4 triệu đồng đối ứng để được nhận bò. Khi dắt con giống về nhà, bà thấy nản vì nó bé quá. Người dân trong bản bảo: “giống con nai”, còn bà Thành lại thấy nó chỉ to bằng con dê đầu đàn nhà hàng xóm. “Tôi thấy con bò này có giá chỉ 5 triệu đồng thôi. 11 triệu đồng thì đắt quá!”, bà Thành nhận định.

Ông Lò Đức Xoan, người làm nghề chăn nuôi và mua bán bò ở bản Mo Nghè 2, nhận định: Giá 1 con bò giống 11 triệu ở thời điểm này là không hợp lý.

Theo người chuyên nghề “ba toa” này thì:  “Bò giống có thể đắt hơn nhưng phải căn cứ trên cân nặng và hình thức. Tuy nhiên, chỉ đắt hơn 1 - 2 triệu đồng so với bò thịt chứ không đến 11 triệu đồng/con như thế này. Nếu chúng tôi mua thì mấy con bò kia chỉ đến 5 triệu rưỡi đổ lại”.

Ông Lường Văn Thắng, Trưởng bản Mo Nghè 3, cho biết, trong bản cũng có 2 hộ được hỗ trợ bò giống. Một hộ bốc thăm phải con bò bé nhất đàn, con còn lại to hơn một chút. Tuy nhiên, con giống bé vừa kéo dài thời gian nuôi, vừa khó khăn trong chăm sóc vì dễ mắc bệnh hoặc khó thích nghi, chậm lớn.

Năm ngoái, ở bản bên, có người được nhận 1 con bò bé quá, về bị “ghẻ” không nuôi được. Ông Thắng mua lại về chăm sóc nhưng được hơn 1 tháng thì con bò đó chết. “Cán bộ hỗ trợ cho dân thì dân nhận thôi! Giờ xong hết rồi thì cũng chả biết kiến nghị gì”, ông Thắng nói.

Giá cao vì phải “cõng” bảo hành?

Quang Huy là xã đầu tiên của huyện Phù Yên thực hiện chủ trương hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có thêm “cần câu” vượt khó. Nguồn vốn phân bổ cho xã được 36 con bò giống (tính theo giá được phê duyệt 11 triệu/con giống). Sau khi họp bàn, lấy ý kiến nhân dân, xã quyết định dùng toàn bộ số tiền hỗ trợ chi phí quản lý của Ban Quản lý dự án và quyên góp thêm để mua thêm 2 con bò cho dân. Bình quân mỗi bản trong xã được hỗ trợ 2 con giống.

Ông Cầm Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã, cho biết, toàn bộ số bò trên được mua từ một đơn vị cung cấp giống cho cả huyện. Trước lúc giao cho dân, số bò này đã được tiêm phòng đầy đủ, bấm khuyên theo dõi và cân nặng đủ so với hướng dẫn của tỉnh. Nhìn bằng cảm quan thì con bò có vẻ bé vì đây là giống bò địa phương, người dân trong vùng gọi là “bò He”. Thể trạng bé hơn bò lai nhưng hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh.

Theo ông Khánh, giá 11 triệu đồng/con giống vì phải “cõng” thêm chi phí tiêm phòng, quản lý và “bảo hành”. Nếu có con bò chết hoặc ngã bệnh trong điều kiện cam kết, đơn vị cung ứng giống sẽ “đền” cho con khác.

“Đây là giá đã được thẩm định và phê duyệt. Chúng tôi cam đoan không có chuyện cán bộ xã “bớt xén” của dân. Ý kiến phản ảnh của người dân chúng tôi tiếp thu và sẽ tổ chức đối thoại trong thời gian tới.”

kiện cam kết, đơn vị cung ứng giống sẽ “đền” cho con khác. “Đây là giá đã được thẩm định và phê duyệt. Chúng tôi cam đoan không có chuyện cán bộ xã “bớt xén” của dân. Ý kiến phản ảnh của người dân chúng tôi tiếp thu và sẽ tổ chức đối thoại trong thời gian tới”.

Trọng lượng nằm trong “khung” cho phép

Để giải đáp thắc mắc về trọng lượng con giống của người dân xã Quang Huy, nhóm phóng viên đã đề nghị một cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên đến thực tế tính toán trọng lượng của con giống đã cấp.

Sau khi thống nhất với một số người dân trong xã, nhóm phóng viên chọn một con bò được cho là bé nhất của một hộ dân thôn Mo Nghè 3 và một con giống bất kỳ mới được cấp.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đo vòng ngực, đường chéo thân và đặt công thức tính trọng lượng.

Kết quả, con bò bé nhất đạt 102kg, vượt 22 kg so với mức tối thiểu. Con bò còn lại đạt 118kg, gần chạm ngưỡng cao nhất của bò giống là 120kg.

Tuy vậy, người dân được nhận bò giống ở xã Quang Huy vẫn tiếp tục kiến nghị vì cho rằng giá mỗi con giống 11 triệu đồng là không xứng đáng.

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top