Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 1 năm 2018 | 1:51

Hội, đoàn thể - cầu nối dẫn vốn tín dụng đến người dân

KTNT - Đồng hành với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong chặng đường hơn 15 năm phát triển là 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Đây chính là cầu nối, là kênh dẫn nguồn vốn tín dụng đến với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Vườn sau sạch ở thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy.

Thoát nghèo nhờ vốn chính sách

Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Lệ Thủy thời gian qua đã khẳng định sự đóng góp to lớn của hội, đoàn thể thông qua công tác ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách. Đến ngày 31/12/2017, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là 420,8 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng luôn giữ vững, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp, dưới 0,21% tổng dư nợ nhận ủy thác.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua hội, đoàn thể đã có tác động to lớn, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5 - 2%/năm. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Lệ Thủy giảm xuống còn 8,1% vào đầu năm 2018.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hội viên có điều kiện thoát nghèo, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hội viên đã xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả như chế biến thủy - hải sản, nuôi thả cá lóc trên cát, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp có hiệu quả ở Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc; mở ra các nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi ong lấy mật ở xã Kim Thủy, nuôi gà đồi ở xã Phú Thủy; trồng thanh long ruột đỏ, cam mật tại xã Trường Thủy; trang trại nuôi chim cút, lợn rừng và chăn nuôi tổng hợp tại Ngư Thủy Trung, Hưng Thủy, Ngân Thủy; chế biến khoai dẻo ở Thanh Thủy; trồng hoa, rau sạch, nghệ, gừng, nén… tại Hồng Thủy, Cam Thủy, Mai Thủy, Dương Thủy; hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống như làm chổi đót Lệ Bình (Mai Thủy), nón lá Quy Hậu (Liên Thủy), rượu Tuy Lộc, chiếu cói An Xá (Lộc Thủy); giúp người dân khai hoang trồng rừng thương phẩm, chuối, dứa, sắn, phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, trang trại tại xã Văn Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, Lâm Thủy...

Trang trại ươm cây giống lâm nghiệp.

Gia đình bà Trần Thị Hương ở thôn Hương Thủy, xã Trường Thủy là một trong những hộ sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH ủy thác qua Hội Phụ nữ xã. Từ nguồn vốn này, gia đình bà đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp  chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bà Hương cho biết: “Với sự hỗ trợ của NHCSXH huyện, gia đình tôi phát triển tốt hoạt động sản xuất. Đặc biệt, với mức vay và mức lãi hiện tại, tôi thấy rất hợp lý và thuận lợi cho người dân”.

Để người nghèo trên địa bàn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, NHCSXH huyện Lệ Thủy đã thành lập những điểm giao dịch tại các xã, giúp hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

Riêng xã miền núi Trường Thủy có 280 lượt hộ nghèo vay vốn với dư nợ hơn 8 tỷ đồng. Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, cho biết, nguồn vốn của NHCSXH đã thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn phát triển. Đặc biệt là các mô hình trồng tiêu, cao su và chăn nuôi theo hướng gia trại. Từ xã đặc biệt khó khăn, đến nay, kinh tế Trường Thủy đã có bước tiến khá, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

Vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp người dân Lệ Thủy xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là tại các vùng trũng, nguồn nước bị nhiễm phèn nặng tại các xã, thị trấn vùng giữa, các địa phương thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn thuộc miền Tây của huyện và đặc biệt là góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã miền núi. Nguồn vốn cũng đã giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập; hỗ trợ tạo việc làm cho lao động...

Vai trò quan trọng của hội, đoàn thể

Để có được kết quả trên, các tổ chức hội, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi; vận động thành lập và chỉ đạo hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với NHCSXH; hướng dẫn tổ viên, hội viên thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết.

Trang trại trồng sen, thả cá và chăn nuôi tổng hợp.

Việc ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy. Ủy thác thông qua hội, đoàn thể, NHCSXH đã phát huy được các điểm mạnh là một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn theo quy định.

Ngược lại, hội, đoàn thể ngày càng tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia vào hội, củng cố được thế mạnh bằng việc hình thành mạng lưới rộng lớn khắp từ tỉnh đến cơ sở.

Để hoạt động ủy thác của 4 tổ chức hội, đoàn thể trong thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực hơn nữa trong hoạt động của tín dụng chính sách, các hội, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi; vận động thành lập tổ, giám sát các hoạt động ở cơ sở, bình xét đối tượng vay vốn, giúp thủ tục vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của hội cấp dưới, của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy, chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng củng cố và đồng bộ các giải pháp, chuẩn bị tốt các khâu cần thiết để giải ngân nhanh đến các đối tượng thụ hưởng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhận ủy thác để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng có chiều sâu và phát huy tốt hiệu quả”.

Đến ngày 31/12/2017, tổng dư nợ hoạt động của NHCSXH huyện Lệ Thủy đạt 421,4 tỷ đồng, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2016 (+1,3%), đạt 99,8% kế hoạch giao; nhiều chương trình cho vay có mức tăng trưởng cao như: cho vay NS&VSMT tăng 6,9 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo tăng 955 triệu đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 9,8 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 10,7 tỷ đồng, cho vay nhà ở theo quyết định 33 tăng 3,2 tỷ đồng.

Toàn huyện hiện có 405 Tổ TK&VV, trong đó có 390 tổ TK&VV xếp loại tốt, 13 Tổ TK&VV xếp loại khá, 2 Tổ TK&VV xếp loại trung bình, không có Tổ TK&VV yếu kém.

Nguyễn Trung Hiểu

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top