Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 5 năm 2015 | 1:52

Hưng Yên: Dân xây nhà trái phép, xã “ngại” không xử lý

Trong khi người dân đứng ra bảo vệ đất lúa thì có một số cá nhân được “ưu ái”, thuê máy trọng tải lớn ngày đêm húc, xúc làm biến dạng đất lúa mà không gặp sự can thiệp của chính quyền địa phương, khiến dư luận bức xúc. Sự việc đang xảy ra tại xã Quang Hưng (Phù Cừ - Hưng Yên).

Một dự án trang trại trái phép đang được dựng lên.

Ruộng công không ai quản

Từ chỗ là ruộng lúa 2 vụ, vài năm trở lại đây, cánh đồng Cửa Trại (thôn Viên Quang, xã Quang Hưng) dần trở thành… trại cá. Hàng rào lưới thép, lán trại đua nhau mọc lên. Theo con đường cấp phối ra cánh đồng Cửa Trại, đập vào mắt chúng tôi là một… đại công trường với ao hồ, tường rào, gạch đá ngổn ngang.

Ông Phạm Quang Sướng (thôn Viên Quang) cho biết: “Cánh đồng Cửa Trại vốn là đất 2 lúa, gần đây, nghe nói chính quyền đã quy hoạch cho chuyển đổi thành khu nuôi cá. Chẳng biết đã được cấp trên cho phép hay chưa nhưng người dân đổ xô đào ao thả cá. Nhà ít thì mua thêm ruộng của hộ khác ghép vào, thế là bỗng chốc đất lúa biến thành ruộng cả - ao liền”.

Trước câu hỏi của phóng viên, liệu việc đào đất lúa thành ao thả cá có ảnh hưởng đến sản xuất, ông Phạm Văn Luận (cùng thôn Viên Quang) cho rằng: Ao cá thì không ảnh hưởng đến việc cấy lúa, nhưng khi đào ao sẽ hình thành bờ, đó chính là “căn cứ” để chuột trú ngụ và tấn công mùa màng.

Ngoài thôn Viên Quang, việc biến đất 2 lúa thành ao cá còn diễn ra khá rầm rộ ở các thôn khác của xã Quang Hưng như Quang Xá, Thọ Lão, Ngũ Lão… Cũng theo ông Sướng, việc đào ao trên đất lúa diễn ra khá lâu nhưng chỉ thấy chính quyền xử phạt qua loa rồi cho tồn tại.

Không dừng lại ở việc đào ao thả cá, tại cánh đồng Cửa Trại còn “hiện diện” 2 ngôi nhà rộng gần 100m2 xây dựng kiên cố, có tường rào bao quanh, trông chẳng khác gì 2 ngôi biệt thự “lung linh” giữa  mênh mông đất nông nghiệp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đó là nhà của hai ông Phạm Văn Thép và Quách Đăng Hán.

Ông Sướng tiết lộ, 2 hộ trên đã xây nhà được khoảng 2 năm, ban đầu cũng thấy xã xuống lập biên bản đình chỉ nhưng không hiểu sao sau một thời gian vẫn thấy 2 hộ trên ung dung hoàn thiện và sống yên ổn cho đến nay!

Dựa quy hoạch để…làm liều?

Khi chúng tôi đặt vấn đề nêu trên, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng, vẫn cho rằng không có việc biến đất lúa thành ao cá. Nhưng khi biết chúng tôi đã đi thực tế thì ông Sơn lại thừa nhận là có việc này. Tuy nhiên, ông “bao biện” với lý do khu vực trên đã được phê duyệt thành khu nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Tống Đăng Cửu, cán bộ địa chính xã Quang Hưng, diện tích thuộc dự án là 138.391m2 của 144 hộ.

Tuy nhiên, tài liệu mà UBND xã Quang Hưng cung cấp cho phóng viên chỉ có quyết định thành lập ban quản lý dự án, quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế (công trình xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung xã Quang Hưng  - giai đoạn 1) của UBND huyện Phù Cừ. Văn bản “Chấp thuận nhiệm vụ thiết kế xây dựng (VBCT) khu nuôi trồng thủy sản tập trung xã Quang Hưng - giai đoạn 1” của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên và Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Quang Hưng (giai đoạn 2011 -1013 và đến 2020) của UBND huyện Phù Cừ, tuyệt nhiên không có thiết kế chi tiết 1/500 (đã được duyệt) của dự án này.

Nguồn vốn đầu tư cho dự án vẫn… còn trống! Vẫn theo VBCT của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên, hạng mục công trình của dự án này gồm đường bê-tông, trạm bơm, kênh tiêu thoát, cống lấy nước… Nhưng thực tế lối ra khu dự án vẫn là đường đất đầy ổ gà, chưa hề thấy mét đường bê-tông nào… Vẫn theo ông Cửu, số hộ đã có quyết định được phê duyệt là 15 và 4 hộ chưa được phê duyệt nhưng đã đào ao thả cá. Ngoài ra, còn một số hộ tự ý chuyển đất nông nghiệp xen kẹt sang trồng cây ăn quả… Tuy nhiên, khi chúng tôi xin bản phô tô các quyết định đã được phê duyệt thì ông Cửu chỉ cung cấp một bản chép tay (là mặt sau  của giấy xác nhận đất ở). Hỏi đến Ban quản lý dự án ở đâu, ông Tống Đăng Cửu nói… ở trên huyện! 

Ông Sơn khẳng định, việc người dân tự ý đào ao thả cá trên đất lúa khi chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền là sai. “Chúng tôi đã­­ lập biên bản đình chỉ một số lần nhưng người dân lợi dụng đêm hôm vẫn làm tiếp…”. Về việc 2 hộ làm nhà kiên cố trên đất nông nghiệp mà chính quyền không xử lý, ông Sơn nói rằng giai đoạn đó ông chưa làm Chủ tịch, trách nhiệm này thuộc về anh Vũ Mạnh Tuyển, Bí thư Đảng ủy (cựu Chủ tịch UBND xã).

Trao đổi với phóng viên (qua điện thoại), ông Tuyển ca thán: “Việc hộ ông Thép, ông Hán xây  nhà trên đất nông nghiệp là trái phép nhưng do tình làng nghĩa xóm nên rất ngại!”.

Có lẽ cũng do lãnh đạo xã “ngại” nên việc đào ao, xây nhà trái phép vẫn ung dung tồn tại và tỷ lệ vi phạm đất nông nghiệp ở thôn Viên Quang luôn đứng đầu xã Quang Hùng. Dư luận cho rằng, do thôn này có nhiều người làm “quan” xã nên mới được dung túng cho việc làm… trái luật!

Duy Cảnh – Tuyền Đức

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top