Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 1 năm 2019 | 10:54

Hương Trà xây dựng mô hình sản xuất giống hành lá đạt chuẩn

Một dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh về mô hình sản xuất giống hành lá (hành hoa) đạt tiêu chuẩn giống phục vụ sản xuất hành an toàn đang được thực hiện tại thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Bước đầu, dự án đã đạt được một số kết quả tích cực.

Sản xuất hành lá còn mang tính thuần nông

Hành lá còn gọi là hành hương, hành hoa hoặc hành ta, có danh pháp khoa học là Allium fistulosum thuộc họ Hành (Alliaceae). Đây vừa là một loại rau, vừa là gia vị quan trọng trong nghệ thuật ẩm thực, vì vậy, nhu cầu sử dụng chúng trên thị trường là rất nhiều. Với nhiều ưu điểm trong sản xuất hành lá đã đưa loại cây này trở thành một lựa chọn của nhiều địa phương.

Ở Thừa Thiên Huế, thị xã Hương Trà vốn nổi tiếng là “thủ phủ” của hành lá, khi tới đây, mùa nào cũng thấy người dân tất bật từ sáng đến chiều tối với việc trồng, chăm sóc và thu hoạch giống cây này.

 

Ruộng hành lá và rau sạch trên địa bàn thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Ruộng hành lá và rau sạch trên địa bàn thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

Hành lá được trồng với chu trình sản xuất từ 30 - 45 ngày sẽ cho thu hoạch 4 vụ/năm, với năng suất từ 7,5 tạ/sào/vụ. Với giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, 4 sào hành cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ đó mà kinh tế các hộ dân được phát triển, xóa bỏ nhà tạm và xây được nhà kiên cố, con cái cũng được ăn học đầy đủ.

Trong thời gian cao điểm của vụ thu hoạch, những cánh đồng sản xuất hành lá luôn tấp nập với hàng đoàn xe máy, xe tải tập trung đến để vận chuyển hành đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong tỉnh như: chợ Bãi Dâu, chợ Đông Ba …. hoặc vào tận Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn để tiêu thụ.

Mặc dù mô hình trồng hành lá đạt hiệu quả cao và giúp phát triển kinh tế tại địa phương, tuy vậy nông dân ở đây còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, quá trình sản xuất còn sử dụng nhiều loại thuốc và tần suất bơm thuốc trừ sâu trong 1 tuần từ 2-3 lần, đặc biệt chưa cách ly thuốc khi thu hoạch.

Theo ông Lê Thành Phước - Trưởng Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư thị xã Hương Trà cho biết, công tác lựa chọn giống được nông dân thực hiện thường xuyên nhưng một số yếu tố chưa được chú trọng đầu tư đúng khoa học kỹ thuật. Giống được sử dụng đi, sử dụng lại nhiều vụ dẫn đến hiện tượng thoái hóa, bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh cũng như giảm năng suất. Việc bảo quản hạt giống sau thu hoạch chưa thực hiện đúng kỹ thuật nên tỷ lệ mọc sau khi gieo thấp. Chưa quy hoạch được vùng tập trung để sản xuất cây con nên cây giống bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nguồn đất, nước tưới dẫn đến chất lượng không cao.

Sản xuất hành lá được đầu tư theo hướng chuyên sâu

Xuất phát từ những hạn chế đó và nhằm khắc phục những tồn tại trong sản xuất hành lá tại địa phương, Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư thị xã Hương Trà (Trạm) đã tham gia thực hiện dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh với đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất giống hành lá (hành hoa) đạt tiêu chuẩn giống phục vụ sản xuất hành an toàn tại thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế”.

Ông Trần Ngọc Nam – nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (phải), bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (trái) cùng các cán bộ chuyên môn thăm hỏi nông dân tình hình phát triển sản xuất hành lá và rau sạch tại địa phương.
Ông Trần Ngọc Nam – nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (phải), bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (trái) cùng các cán bộ chuyên môn thăm hỏi nông dân tình hình phát triển sản xuất hành lá và rau sạch tại địa phương.

 

Dự án này được thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ tháng 4/2018 - tháng 3/2020) với mục tiêu xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống hành lá (hành hoa) đạt tiêu chuẩn, phù hợp điều kiện sản xuất và dễ nhân rộng.

Kể từ khi triển khai thực hiện dự án, bước đầu, Trạm đã tiến hành các hoạt động và đã đạt được một số kết quả tích cực. Qua theo dõi cây hành được trồng trên 2.000m2, sau 8 tuần kể từ ngày gieo hạt, kết quả bước đầu đã đạt các chỉ tiêu về tiêu chuẩn giống hành, năng suất ước đạt 2,5 tấn hành giống/sào. Đối với các chỉ tiêu về giống, Trạm đã đánh giá bước đầu về chất lượng hạt giống cũng như cây giống, gồm các chỉ tiêu như tổng số hoa, số hoa chắc, số hoa lép, tổng số hạt, số hạt chắc, số hạt lép đạt kết quả rất tốt.

 

Ông Hồ Thắng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (thứ nhất từ phải qua) thăm hỏi người dân về tình hình thu hoạch và cung cấp hành lá của địa phương.
Ông Hồ Thắng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (thứ nhất từ phải qua) thăm hỏi người dân về tình hình thu hoạch và cung cấp hành lá của địa phương.

 

“Hiện nay, Trạm đang phối hợp với các chuyên gia thuộc trường Đại học Nông lâm Huế xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở về hạt giống và cây giống hành dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia hiện có để so sánh chất lượng giống hành sau khi sản xuất. Trong thời gian đến, Trạm sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại của dự án như: Xây dựng mô hình sau khi tiếp nhận quy trình, đồng thời tổ chức tập huấn bằng hình thức bắt tay chỉ việc cho các hộ nông dân trên đồng ruộng; Xây dựng mô hình/500m2 sản xuất hạt giống hành (200m2 vườn lưới hở và 300m2 vườn không lưới); Xây dựng 02 mô hình/2.000m2 sản xuất cây giống hành (600m2 vườn lưới hở và 1.400m2 vườn không lưới); Lập báo cáo kết quả xây dựng và triển khai mô hình, tổ chức hội nghị đầu bờ để quảng bá”, ông Lê Thành Phước, Chủ nhiệm dự án cho biết.

Với những thành quả ban đầu đạt được hết sức khả quan, dự án hướng tới sẽ tạo ra được hạt giống hành và cây hành giống đảm bảo về mặt số lượng và chất lượng cho việc sản xuất hành tại thị xã Hương Trà, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top