Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 2017 | 3:6

Huyện Đầm Hà: Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học

Vượt qua những khó khăn của huyện miền núi, ven biển, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Ông Tô Xuân Lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Hà, cho   biết: Là huyện miền núi, ven biển, những năm đầu mới tái lập huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo Đầm Hà gặp rất nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất thiếu thốn, hệ thống trường lớp chưa được đầu tư nâng cấp, đội ngũ giáo viên thiếu.

Thách thức lớn đòi hỏi những người làm giáo dục địa phương phải nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn. Những năm vừa qua, tranh thủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của UBND tỉnh và huyện Đầm Hà, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho UBND huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng trường chuẩn quốc gia, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn… Các giải pháp này đã mang lại hiệu quả tương đối khả quan. Đến nay, mạng lưới trường lớp, quy mô học sinh tiếp tục được kiện toàn và duy trì ổn định, cơ sở giáo dục của huyện được đầu tư phát triển. Hiện 100% các xã, thị trấn đã mở được lớp mầm non, tiểu học đến tận thôn, bản; 100% các xã, thị trấn có các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…

Song song với việc mở rộng mạng lưới trường lớp, ông Lợi cho hay, công tác quan trọng hàng đầu trên địa bàn là nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được điều này, huyện đã không ngừng bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Hiện, toàn ngành có 872 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đạt chuẩn 100% (72,8% trên chuẩn). Cụ thể, mầm non đạt chuẩn 100% (62,2% trên chuẩn); tiểu học đạt chuẩn 100% (83,8% trên chuẩn); THCS đạt chuẩn 100% (68,6% trên chuẩn).

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý giáo dục, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới phương pháp dạy và học. Việc áp dụng phần mềm quản lý trường học và các phần mềm ứng dụng khác đã giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội để phát huy năng lực, nâng cao chất lượng dạy và học.

Chất lượng giáo viên ngày càng nâng cao đã góp phần cải thiện chất lượng giáo dục ở địa phương. Cụ thể, với giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ được duy trì và ngày càng nâng cao, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở cả nhà trẻ và mẫu giáo đều tăng, vì vậy, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì. Riêng với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, công tác giáo dục mầm non tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng.

Với giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành các môn học đạt từ 99% trở lên, 100% học sinh đạt về năng lực và phẩm chất. Riêng giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm 52,79%; học lực yếu chỉ còn 1 em. Giáo dục THPT, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt 47,1%; học lực yếu giảm còn 5%, không có học sinh có học lực kém; tỷ lệ tốt nghiệp THPT (2 hệ) hàng năm đạt trên 98%. Với giáo dục thường xuyên, tỷ lệ học viên xếp loại học lực khá, giỏi đạt 12,1%; không có học viên xếp loại học lực yếu, kém. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì và ngày càng nâng cao. Huyện đã có học sinh đạt giải cấp quốc gia, giải Nhất, Nhì cấp tỉnh.

Ngoài giờ học trên lớp, học sinh được tham gia các hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Toàn ngành còn đặc biệt chú trọng, phát triển năng khiếu của học sinh. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội được đặc biệt quan tâm, học sinh trên địa bàn huyện không mắc các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh những thành quả trên, ngành Giáo dục và Đào tạo Đầm Hà vẫn còn nhiều khó khăn bởi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn hạn chế, tiềm lực về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận người dân chưa coi trọng việc học tập của con em mình. Hiện vẫn còn một số điểm trường tiểu học có phòng học bán kiên cố, đưa vào sử dụng nhiều năm nay, đã xuống cấp; công tác xây dựng bổ sung phòng học để mở các nhóm trẻ tại các điểm trường mầm non và công tác sửa chữa, nâng cấp các trường chuẩn cấp THCS chưa được đầu tư; các phòng học chức năng thiết kế chưa đạt chuẩn… Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ chung tay tháo gỡ những khó khăn này, giúp ngành Giáo dục và Đào tạo Đầm Hà đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Thuỷ – Nghĩa

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top