Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 2 năm 2019 | 21:3

Huyện đầu tiên triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Nam Đàn có 30 % số xã (7 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Sáng 24/2, trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025".

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương là thành viên của Ban chỉ đạo và các doanh nghiệp đầu tư vào Nam Đàn, Nghệ An.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh VGP/Thành Chung.

Nam Đàn là huyện đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vào đầu tháng 1/2019. Sắp tới còn có huyện Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) sẽ là 4 huyện được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu nhằm đúc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn sau 2020.

Việc triển khai Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ tại Nam Đàn còn có ý nghĩa hơn khi Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An kỷ niệm 50 năm thực hiện những lời căn dặn trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho quê hương (ngày 21 tháng 7 năm 1969), đó là: “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Đầu năm 2018, Nam Đàn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Diện mạo nông thôn Nam Đàn tiếp tục có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển khá, đạt 10,03%, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường nông thôn ngày càng xanh sạch đẹp; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2017, cao hơn 13 triệu so với thu nhập bình quân người dân ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,21%.

Cũng như nhiều xã, huyện khác của toàn quốc đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, Nam Đàn tiếp tục phát triển về chiều sâu chất lượng các tiêu chí, nhưng hướng theo thế mạnh của huyện là văn hoá, du lịch để nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.

Những thế mạnh này nằm ở địa hình có đồng bằng và đồi núi, hệ thống sông, hồ, đập đa dạng, mạng lưới đường liên huyện, liên xã, liên thôn của huyện đã khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, Nam Đàn là nơi giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà yêu nước Phan Bội Châu, 173 di tích, danh thắng, trong đó có 37 di tích đã được xếp hạng, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, như: sông Lam, hồ Tràng Đen, hồ Thanh Thủy, núi Đại Huệ, núi Thiên Nhẫn, thác Hồ Thành.

Hệ thống di tích của huyện vừa phong phú về nội dung, vừa đa dạng về loại hình, một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa và du lịch như: Khu di tích Kim Liên, Khu di tích vua Mai, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần,... Về văn hoá ẩm thực, Nam Đàn nổi tiếng với các đặc sản, như: Tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá mòi sông Lam, gà Nam Thái, bột sắn dây và hồng Nam Anh,...

Trên địa bàn huyện Nam Đàn còn có nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát triển, là huyện trong vùng dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,...

“Những di tích, danh thắng, đặc sản nổi tiếng đó đã đưa Nam Đàn trở thành trung tâm văn hóa, du lịch và ẩm thực của tỉnh Nghệ An”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhận định.

Với việc xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 có 30 % số xã (7 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch. Đến năm 2025 có ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; 100% di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn được trùng tu, đáp ứng nhu cầu tham quan, phục vụ phát triển du lịch; kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện,...
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2007- 2011 phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Thành Chung
 

Ông Bùi Đình Long, Bí thư huyện ủy Nam Đàn cho biết để triển khai Đề án, huyện sẽ triển khai cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển huyện và các xã để theo kịp với tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính hiệu quả, minh bạch trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là coi trọng thu hút, sử dụng nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo các bộ, ngành cũng cho biết cùng với Trung ương thì Nghệ An và huyện Nam Đàn tăng cường bảo tồn các di tích lịch sử, giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái, tạo nền tảng quan trọng để phát triển du lịch, văn hoá.

Chủ tịch Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết sẽ phối hợp với huyện Nam Đàn triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin du lịch huyện Nam Đàn trước ngày sinh nhật Bác Hồ năm 2019.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng các công trình, dự án sẽ được triển khai trên địa bàn trong thời gian tới cần quan tâm tới tính thẩm mỹ, văn hoá đặc thù của người dân địa phương, không cách ly các di tích với đời sống nhân dân.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn T&T (Hà Nội) cũng trình bày phương án quy hoạch kiến trúc khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Sen quê cha và Hoàng Trù quê mẹ của Bác Hồ, nhằm tôn vinh những nét đẹp cảnh quan, văn hoá vùng đất này.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2007- 2011 nhận định xây dựng nông thôn mới là điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc vì mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân.

“Nhân dân là chủ thể để triển khai xây dựng nông thôn mới, trong dân thì có đội ngũ doanh nghiệp là quan trọng, tham gia vào đầu tư, xây dựng nhưng phải bảo đảm sự phát triển bền vững của nông thôn. Ở Nam Đàn và các huyện, xã nông thôn mới cần hướng tới trong nông thôn có sự tiện ích, khang trang của thành thị, trong “thành thị” có nét văn hoá đặc trưng của làng quê”, nguyên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ.

 

Thành Chung/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top