Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2019 | 12:43

Kết quả bước đầu nâng mức cho vay tối đa hộ nghèo ở Ninh Bình

Nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từ ngày 1/3/2019, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã triển khai chủ trương này và bước đầu đem lại một số kết quả.

t2-cm-nhcs.jpg
Chị Trần Thị Thanh Thủy ở thôn Đoàn Kết (xã Yên Sơn, TP. Tam Điệp) chăm sóc đàn bò mới mua từ nguồn vốn vay ưu đãi.

 

Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của HĐQT NHCSXH về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từ ngày 1/3/2019, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã triển khai chủ trương này và bước đầu đem lại một số kết quả.

Sau 2 tháng triển khai, Ninh Bình có 73 hộ vay với số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong đó có 20 hộ được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH.

Các hộ được vay vốn đều phấn khởi vì mức vốn vay và thời gian vay tăng phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh thực tế. Gia đình chị Trần Thị Thanh Thủy ở thôn Đoàn Kết (xã Yên Sơn, TP Tam Điệp) là hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước đây, cuộc sống của gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào việc chăn nuôi nhỏ với chục con gà và 1 con trâu, 1 con bò. Quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhưng chị lại không có vốn để đầu tư sản xuất. Được sự quan tâm của các cấp, của NHCSXH, gia đình chị được vay 100 triệu đồng, mức cao nhất của chương trình cho vay hộ nghèo.

Chị Thủy phấn khởi cho biết: “Với số tiền trên, gia đình đã tính toán đầu tư mua thêm 3 con bò sinh sản, cải tạo hơn 1 mẫu ao nuôi thả cá giống… Hiện nay, gia đình đã có 4 con bò sinh sản, 1 cặp trâu, 100 con gà. Dự kiến mỗi năm xuất bán 4 con bê con cùng cá và gà, gia đình có thu hơn trăm triệu đồng. Nguồn vốn vay có ý nghĩa rất lớn, là động lực giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cũng được vay vốn theo chính sách mới, chị Phạm Thị Quy ở thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô) chia sẻ: “Làm nông nghiệp bây giờ khác rất nhiều so với trước đây, muốn có hiệu quả thì phải đầu tư vốn. Điều này là trở ngại của đại đa số nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Do vậy, chính sách mới về tăng mức vay vốn của NHCSXH như luồng gió mát, vơi đi sự khát vốn của nhiều hộ dân. Không chỉ mức vay tăng mà thời gian vay cũng dài hơn  so với trước đây, do đó, hộ nghèo, hộ chính sách đều yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Riêng gia đình tôi mới đây được vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Tôi dự định mở rộng quy mô chăn nuôi gà, cá, vịt và phấn đấu trở thành hộ khá trên địa bàn trong năm tới”.

Có thể nói, việc nâng mức vay và thời gian vay cho hộ nghèo để phù hợp với từng loại hình sản xuất kinh doanh của NHCSXH đã đem lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng cho nhiều hộ gia đình đang gặp khó khăn về vốn. Chính sách mới không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với công tác giảm nghèo mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế ở địa phương và đẩy lùi nạn tín dụng phi chính thức hiện nay.

 

 

 

Giáng Hương
Ý kiến bạn đọc
Top