Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 5 năm 2011 | 5:17

Khu đô thị Văn Khê: Công trình công cộng bỗng dưng “biến mất”

Công viên, cây xanh, hồ nước… thi nhau “biến mất”

Các hộ dân ở KĐT Văn Khê phản ánh, theo quy hoạch, KĐT này có hồ nước, có một số khu dành riêng để trồng cây xanh nhưng sau khi hồ nước đã được xây kè xong thì chủ đầu tư cho rào kín, đổ đất lấp bằng, chỉ trừ lại một hố nhỏ mấy chục mét vuông. Tại 2 khu quy hoạch để trồng cây xanh, thì một khu chủ đầu tư xây nhà cao tầng, khu còn lại xây trường học chiếm gần hết đất.

Theo tìm hiểu của PV, trong quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, KĐT Văn Khê sẽ có hồ nước, sân tennis và nhiều công trình phụ trợ khác. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, khu đất dành để xây hồ nước, trồng cây xanh (được ký hiệu là CX1) đã được chủ đầu tư quây kín bằng hàng rào tôn, bên trong được đổ đất đá, san nền. Theo thông tin từ người dân, trước đây tại khu vực này, chủ đầu tư đã đào đất, xây kè tương đối hoàn chỉnh. Chẳng hiểu lý do gì mà giờ đây khu đó lại được chủ đầu tư quây kín, lấp đất, còn hồ nước thì biến mất?! Thậm chí, trên mặt hồ đã lấp kín đất xuất hiện các khối bê tông khổng lồ.

Cách đó không xa, một khu đất được ký hiệu CX2 trên quy hoạch 1/500 được phê duyệt thì theo quyết định điều chỉnh, khu đất được chuyển một phần thành lô đất xây dựng công trình hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp nhà ở chung cư với diện tích 2.163 m2 và phần còn lại là 881 m2 sẽ là đất cây xanh. Thế nhưng, hiện nay trên khu đất đó bên cạnh tòa nhà 9 tầng đã hoàn thiện, thì lại có một công trình khác đang được đổ sắt làm móng và không còn chút diện tích đất nào để trồng cây xanh cả.

Không chỉ có thế, một khu cây xanh khác (được ký hiệu là CX4) cũng đã không còn tồn tại trên thực địa. Vị trí khu đất này nằm tiếp giáp với khu trường học, phần còn lại giáp đường nội bộ và đường Ngô Thì Nhậm. Việc thiết kế khu cây xanh này tạo ra không gian mở cho hàng chục hộ dân tại các nhà LK10, 11, 12 14, 15, 16, 17… Các hộ dân cho rằng, trên bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được Cty CP Sông Đà -Thăng Long công bố thì phần đất xây trường được giới hạn ở vị trí giữa đường nội bộ của 2 khu LK12 và LK14. Từ phần đất tiếp giáp giữa đường nội bộ hai khu LK12 và LK14 chạy ra đường Ngô Thì Nhậm thuộc đất quy hoạch trồng cây xanh. Đây là thiết kế trên giấy, còn thực tế phần trường học được xây đua ra chiếm gần hết phần đất để trồng cây xanh. Những điều này khiến các hộ dân bức xúc và đặt câu hỏi “không gian xanh” mà họ mất tiền bỏ ra mua nằm ở đâu?

Chủ đầu tư không nhận đã làm sai quy hoạch

Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà – Thăng Long vẫn khăng khăng rằng: Cty vẫn thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Theo như lý giải của ông Việt thì khu đất CX1 đang được Cty ông thiết kế lại, phần diện tích xây dựng văn phòng Cty trước đây sẽ được xây dựng thành một rạp chiếu phim. Giải thích về chuyện trước đây đã đào hồ nước nhưng rồi lại lấp đi, ông Việt cho rằng, do thời gian thi công dự án hệ thống cấp thoát nước chưa đồng bộ, diện tích hồ lại nhỏ nên gây ô nhiễm môi trường nên cty lấp đi để xây dựng lại. Chủ đầu tư “hứa” sẽ có hồ nước rộng hơn trước và đường dạo, cây xanh.

Phần diện tích 881 m2 tại khu đất CX2 vốn là nơi sẽ phải được trồng cây xanh được Sông Đà – Thăng Long lý giải là đang xây dựng một trạm xử lý nước thải theo kiểu nửa ngầm nửa nổi, rồi sau đó sẽ đổ đất lên trên và trồng cây xanh. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì diện tích đang xây dựng này chỉ khoảng trên 320 m2, xung quanh khu này cũng chẳng thấy có chỗ đất nào còn trống. Như vậy, còn trên 500m2 đất của khu CX2 này sẽ nằm ở đâu?

Còn phần diện tích 920 m2 tại khu CX4 thì chủ đầu tư tỏ ra chưa “nắm” được, khất lại câu trả lời và cần thời gian để kiểm tra.

Người dân có quyền khởi kiện

Đây là khẳng định của luật sư Trần Quang Huy, Cty Luật Bross và cộng sự. Ông Huy cho rằng: “Một dự án đã được duyệt tức là được thông qua tất cả các hạng mục, nên nếu có sự thay đổi bất kỳ hạng mục nào thì cũng cần phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Nếu thay đổi kết cấu hay công năng của nó thì càng cần phải được cấp phép. Diện tích trồng cây xanh mà xây nhà cao tầng lên là cái sai trầm trọng, cơ bản vì sai về mật độ xây dựng. Công năng và mật độ xây dựng là cái quan trọng nhất khi được duyệt dự án, nếu thay đổi công năng của khu vui chơi thành công năng làm nhà thì ảnh hưởng đến mật độ xây dựng. Việc chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng đó mà chưa được sự cho phép, điều chỉnh của cơ quan quản lý thì người dân hoàn toàn có thể kiện. Bởi lẽ, khi người dân mua nhà không đơn giản là họ mua căn hộ, mà họ mua cả hồ nước, con đường, cảnh quan ở đó nên họ phải được hưởng, việc thay đổi như vậy là xâm phạm đến quyền lợi của người dân”.

Về góc độ chuyên môn, ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: “Những người đã mua nhà ở khu đô thị đó, trước khi mua đã được chủ đầu tư cho xem quy hoạch có đầy đủ công trình công cộng, đến nay khi nhận nhà không có như thế thì người dân có quyền khiếu nại”.

Ông Liêm khẳng định: “Trên quy hoạch chi tiết 1/500, đơn vị cấp phép đã chỉ rõ cho chủ đầu tư được làm những cái gì, diện tích là bao nhiêu. Dù là hồ nước chuyển sang trồng cây thì cũng phải được cấp phép. Nếu chưa được cấp phép điều chỉnh mà chủ đầu tư đã làm thì là xây dựng sai giấy phép đã được cấp”.

Đăng Dương

Ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Bên cho phép (Sở Xây dựng) “quan liêu” không giám sát quá trình thực hiện có đúng phép hay không. Cho phép thì đơn giản chứ giám sát người ta thực hiện đúng hay không mới khó.

Bên vi phạm pháp luật phải ra tòa, tòa sẽ xử. Việc xây lên như thế gây tổn hại cho lợi ích công cộng và chủ đầu tư phải đền bù thiệt hại cho những người đã mua nhà ở dự án cũng như phải chịu phạt.

Ảnh: Tại khu CX2 này, lẽ ra bên cạnh tòa nhà 9 tầng phải là nơi được trồng cây xanh nhưng chủ đầu tư lại đang làm trạm xử lý nước thải. Vậy cây xanh sẽ được trồng ở đâu?                                       PV.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top