Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 12 năm 2018 | 10:24

KKT Cửa khẩu cầu Treo lâm cảnh “chợ chiều”: Ngậm ngùi thời vàng son!

Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo từng là niềm tự hào của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp giải thể, một số nhà đầu tư tạm dừng hoạt động, kinh doanh buôn bán èo uột khiến KKT ngày thêm ảm đạm.

ck4.jpg
Từng được xem là “trái tim” của KKT nhưng thị trấn Tây Sơn nay đìu hiu, không còn sôi động

Buồn tênh nơi “trái tim” KTT

Nằm ở cửa ngõ KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) từng được xem là “trái tim” của KTT, đây cũng là trạm trung chuyển hàng lớn của Hà Tĩnh và khu vực.

Một thương nhân từng buôn bán đồ điện tử tại thị trấn Tây Sơn cho hay, những năm 2000, đồ điện tử tràn vào nước ta, người dân nhanh chóng chớp cơ hội qua nước bạn Lào tìm mối giao thương, việc thông thương qua cửa khẩu khá dễ dàng. Hàng hóa nhập về một số được chuyển xuống miền xuôi, số khác bày bán khắp các con phố nên Tây Sơn rất nhộn nhịp.

Qua thời buôn bán đồ điện tử, họ chuyển sang buôn lúa gạo, nước ngọt và đặc biệt là gỗ trắc. Thương nhân buôn gỗ được đánh giá là giàu có hơn cả ở thị trấn phố núi này. Ăn nên làm ra, người dân thị trấn đua nhau xây nhà, những ngôi nhà 2 - 3 tầng san sát mọc lên, giá vật liệu đẩy lên cao vút.

“Hầu hết các loại xe như Rolls Royce, Ferrari, Bently, Poscher... đều được các thương nhân giàu có mua sắm, chạy khắp thị trấn. Nhà cửa ở đây phần lớn làm theo kiểu Thái, Lào. Thời kỳ đầu rất lạ mắt, người ta đua nhau xây dựng, cứ thế trong khoảng 3 năm, từ thị trấn nhà cửa lụp xụp biến thành những góc phố phồn hoa”, một người dân tại thị trấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, những đám cưới “khủng” được tổ chức khiến dư luận xôn xao một thời như đám cưới con trai nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu vào năm 2012, quy tụ hàng chục siêu xe và những ca sỹ nổi tiếng trong, ngoài nước tham gia.

Tuy nhiên, khác với những năm tháng đó, chúng tôi trở lại thị trấn Tây Sơn vào những ngày cuối năm 2018, không khí nay đìu hiu, buồn tênh đến lạ thường.

Ngồi lặng lẽ bên ly cà phê ở một góc đường, một người dân chép miệng: “Còn nhớ những năm trước xe cộ chạy suốt ngày đêm, nhưng bây giờ Tết gần đến mà không khí buôn bán, giao thương vẫn đìu hiu như ngày thường. Trung tâm thương mại Tây Sơn được xem là chợ buôn bán sầm uất các loại đồ Thái, Lào bây giờ người bán nhiều hơn người mua”.

Nhiều người dân ở đây cho biết, hiện nay hàng hóa trong nước đã bão hòa, mua về bán ra không có lời nên số người kinh doanh giảm hẳn. Nhiều con phố sầm uất nay lặng như tờ, người dân chuyển sang nghề khác hoặc vào Nam kiếm sống.

ck3.jpg
Trung tâm thương mại Tây Sơn không còn nhộn nhịp giao thương như trước.

 

Vắng vẻ, đìu hiu

Đường lên KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cách thị trấn Tây Sơn khoảng 40km, KKT này từng được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 9 KKT trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh các lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Hương Sơn cũng luôn xác định lợi thế thương mại - dịch vụ và chú trọng quan tâm đến KKT CKQT Cầu Treo. Nhiều năm liền, KKT phát triển, đời sống người dân thay đổi trông thấy.

Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo cho biết: Trên địa bàn KKT hiện có hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể, nhưng trên thực tế, hầu hết chỉ hoạt động nhỏ lẻ, không đáng kể. Thực tế hiện nay, hàng điện lạnh, điện tử, mỹ phẩm... liên doanh trong nước chất lượng tốt và gần như bão hòa nên các hộ kinh doanh mặt hàng này cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, vì không còn được miễn thuế như trước nên hàng nhập về phải chịu thuế cao hơn, khiến người kinh doanh đã khó lại càng khó thêm.

Cũng theo ông Hảo, hoạt động buôn bán qua cửa khẩu giảm, khách qua lại theo đó cũng giảm mạnh. Thậm chí, một số người trước đây đi buôn hàng Thái, hàng Lào, nay đã giải nghệ về… bán rau, bán xôi!

Một thực tế buồn ở KKT Cầu Treo trong vài năm lại đây là nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình “bể nợ” nặng vì buôn bán gỗ. Khi nước bạn Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng, nhiều doanh nghiệp đã mắc kẹt gỗ phía bên kia không nhập về được. Một số khác, trước đây thu gom gỗ trắc buôn bán nhưng sau đó, loại gỗ này “rớt” giá liên tục. Hàng chục gia đình bị phát mại tài sản, đất đai, nhà cửa do vay tiền ngân hàng buôn gỗ, bị “bể nợ”.

Đại diện Agribank Chi nhánh Tây Sơn tiết lộ, toàn chi nhánh còn hơn 45 tỷ đồng nợ tồn đọng khó thu hồi. Ngân hàng cũng đang làm hồ sơ chuyển trung tâm đấu giá 11 ngôi nhà để thu hồi vốn. Tuy nhiên, do lượng tiền trong dân khan hiếm nên việc này cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Lê Văn Hạnh trầm ngâm cho biết: “Chưa bao giờ KKT Cầu Treo lại hiu hắt như thời gian gần đây. Năm 2014 thu ngân sách KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 225 tỷ đồng, năm 2015 đạt 186 tỷ đồng, năm 2016 đạt 111 tỷ đồng, năm 2017 chỉ còn 45 tỷ đồng. Những tháng cuối năm thường là thời điểm hoạt động xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu sôi động nhất, chi cục thu được mỗi tháng 3-4 tỷ đồng nhưng năm nay, từ tháng 9 đến giờ, mỗi tháng chỉ thu được chưa đầy 1 tỷ đồng”.

 

Bài 2: Vì sao kém sôi động?

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top