Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 3 năm 2019 | 10:42

Lâm Đồng: Thu 4 tỷ đồng/năm từ vườn cao su, điều

Do có tầm nhìn xa, trồng cây ăn trái trong vườn cao su, điều, một nông dân Lâm Đồng đã có thu hoạch trên 4 tỷ đồng/năm.

Nhờ tầm nhìn xa, trông rộng, một nông dân vùng sâu nhiều cực nhọc ở Lâm Đồng, đã có một cơ ngơi đáng kể như hôm nay, với khoảng 30 ha  gồm: sầu riêng cao sản, bưởi da xanh, vườn cao su, vườn điều, thu hoạch mỗi năm trên 4 tỷ đồng. 

 

vac-6991.jpg

 Ông Xã trong vườn nhà

 

Đó là, ông Phạm Văn Xã, Thôn 6 - một thôn vùng sâu nằm kề buôn Con Ó của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên tại xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. 

Năm nay 49 tuổi, ông Xã cũng như hầu hết người dân nơi đây vốn từ Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào lập nghiệp. Đó là năm 1984, khi ông mới 14 tuổi, cùng cả gia đình vào vùng đất này. Khi ấy, nơi đây còn là “rừng thiêng nước độc”.

Cũng như nhiều người, ông cùng gia đình khai phá được chừng vài hecta canh tác điều, một số chỗ ven suối có nước để trồng dâu nuôi tằm, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Rồi ông theo mọi người chuyển sang trồng cà phê.

Nhưng cà phê có vẻ chẳng khá được, năng suất thấp, có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây không hợp lắm, dù gia đình đã nỗ lực chăm sóc.

Vậy là ông tự hỏi, sao mình không thử trồng cây ăn quả, khi người dân các xã vùng ngoài Đạ Tẻh đã bắt đầu trồng. 

Thế rồi ông khăn gói ra Đạ Huoai, xuống  Phương Lâm - Đồng Nai để tham quan, về Viện Cây ăn quả Miền Nam, học một khóa trồng, chăm sóc sầu riêng cao sản, cùng các loài cây ăn trái khác, rồi trở về cải tạo vườn cà phê,  điều  thành vườn cây ăn trái, với sầu riêng cao sản và bưởi da xanh. 

Tự tin với vốn kiến thức học được, chỗ nào không biết thì nhờ người chỉ dẫn, khu vườn của ông đã dần hình thành và đơm hoa kết trái trong nhiều năm nay. 

Đặc biệt, khi thu hoạch từ vườn cây trái, ông dùng chính tiền đó để mua đất, mở rộng vườn. Đến nay, khu vườn đã rộng hơn 7 ha, bao gồm: hơn 1.000 gốc sầu riêng cao sản, trên 350 cây đang cho thu hoạch.

Bình quân, cứ 2 tạ/cây, mỗi năm ông thu khoảng 70 tấn sầu riêng, thời giá hiện nay khoảng 3,5 tỷ đồng. Cùng đó, trong vườn ông đang có 500 cây bưởi da xanh đang cho trái.

Ông Xã dự tính, số bưởi đang ra trái thu trên 30 tấn, trị giá trên 1 tỷ đồng. Dự kiến, năm tới, số cây sầu riêng và bưởi cho thu hoạch sẽ tăng dần lên. 

Ngoài 7 ha vườn quanh nhà, ông Xã còn có một vườn sầu riêng và bưởi da xanh cũng đang bước vào thu hoạch.Tổng cộng đất vườn của ông hiện  khoảng 30 ha, trong đó có gần 20 ha cao su. 

Dù vườn rộng, bận rộn cả ngày, phải thuê người hỗ trợ, coi ngó, chăm sóc, nhưng ông sẵn sàng dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm với những người xung quanh.

Trong 5 năm gần đây, năm nào ông cũng bán hỗ trợ cành bưởi da xanh ghép, kiêm hỗ trợ kỹ thuật cho mọi người trong vùng, với giá chỉ 10 nghìn đồng/cành, trong khi giá thị trường cao gấp đôi, gấp ba lần. 

Bà Bùi Thị Hằng, Thôn trưởng Thôn 6, cho biết, ông Xã chính là nông dân thành công, khích lệ tinh thần cho bà con nơi đây học hỏi về cách làm vườn.

Rất nhiều người dân xã Mỹ Đức đã đến vườn ông tìm hiểu, nhờ hướng dẫn kỹ thuật, và nay không ít người đã thành công với sầu riêng cao sản và bưởi da xanh. 

Năm ngoái, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Xã đã thành lập “Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức” với nhiệm vụ chủ yếu là hợp đồng tiêu thụ trái cây cho bà con.

“Thực ra đã có các nhà buôn, các doanh nghiệp đến tận nơi hợp đồng thu mua rồi, nhiệm vụ của mình là phải chăm sóc cây theo yêu cầu, tuân thủ qui trình, đúng kích cỡ, còn họ đảm bảo chuyện tiêu thụ cho mình” - ông Xã cho biết.

Trong 2 năm gần đây, ông Phạm Văn Xã đã được Huyện ủy Đạ Tẻh chọn là một trong những cá nhân tiêu biểu của huyện trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Năm 2018, ông được UBND huyện chọn là một trong những điển hình tiên tiến của huyện, và gần đây nhất, tỉnh đã chọn ông là đại diện nông dân điển hình tiên tiến của khu vực Tây Nguyên.

Gần 600 nông hộ tiêu thụ khoai tây theo địa chỉ

Ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đang liên kết với gần 600 gia đình tại các địa phương của Lâm Đồng để trồng khoai tây. 

khoai-63.jpg

 Thu hoạch khoai tây

 

Theo đó, từ năm 2008, chương trình trồng khoai tây liên kết giữa PepsiCo Việt Nam, với người dân Lâm Đồng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhà nông.

Những năm qua, Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam đã không ngừng mở rộng liên kết với nhà nông, kể từ khi ra mắt với 60 nông hộ, đến nay  tổng số hộ liên kết, hợp tác sản xuất với doanh nghiệp đã lên đến 580 nông hộ, với diện tích canh tác khoảng 600 ha. 

Liên kết sản xuất, người dân được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật xuyên suốt quá trình trồng. Nhờ sản xuất khép kín, đồng bộ nên năng suất khoai tây luôn tăng theo từng năm, bình quân từ 8,3 tấn/ha năm 2008 lên 25 tấn/ha năm 2018.

Ông Phạm Văn Trị, thôn Suối Thông C, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, cho biết: “Khi tham gia liên kết, chúng tôi phải đảm bảo các tiêu chuẩn do  đối tác đưa ra, để thu về các sản phẩm đạt chuẩn hàm lượng chất khô (tinh bột), chất xanh, kích thước, độ đường, hình thức bên ngoài…

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt cam kết, hiện, năng suất vườn khoai tây của tôi đạt gần 30 tấn/ha năm 2018. Diện tích liên kết từ 0,5 ha thử nghiệm đã tăng lên 6 ha”.

Ông Trai còn cho biết thêm, hiện, toàn bộ 600 ha khoai tây liên kết được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm 3.700 m3/ha/vụ.  Ngoài hỗ trợ cây giống, vật tư, nông dân sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8 - 9.000 đồng/kg, và được chia sẻ rủi ro khi thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Nguy cơ mất mùa vải thiều ở Krông Pắc 

Những năm gần đây, vải thiều là cây được nhiều người dân huyện Krông Pắc (Đắc Lắc) lựa chọn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người trồng vải đang đối diện với nguy cơ mất mùa.

 

vai-99.jpg

Ông Tiên đang chăm sóc vải thiều

 

Ông Nguyễn Duy Tiên, thôn 12A (xã Ea Kly) là người tiên phong trong việc mang vải thiều từ Bắc Giang vào trồng. Vườn vải của ông Tiên rộng 8.000 m2, trồng giống vải u trứng Bình Khê, Quảng Ninh được ghép từ năm 2013, là giống vải cho năng suất cao.

Năm  2018, nhờ thời tiết thuận lợi, ông Tiên thu gần 1 tỷ đồng từ vườn vải. Năm nay, do thời tiết nắng nóng, đã gần tới thời điểm thu hoạch nhưng vải chỉ lác đác quả, ước tính thiệt hại từ 30 - 40% năng suất so mọi năm.

Anh Nguyễn Duy Tân, thôn 12A (xã Ea Kly) có trên 200 cây vải từ 15 - 20 năm tuổi, cũng chịu cảnh tương tự. Năm 2018, vải được mùa, được giá, thu hoạch hơn 15 tấn quả. Thương lái Lâm Đồng đặt cọc mua tận vườn 50.000 đồng/kg; cộng với tiền chiết, ghép cành vải bán cho người dân 70.000 đồng/cây, anh Tân thu về một số tiền không nhỏ.

Song, vụ vải năm 2019, ước tính chỉ bằng một nửa so năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kly cho biết, toàn xã có gần 30 ha vải, đa phần đều mất mùa khoảng 30 - 70% so với mọi năm. Nguyên nhân chủ yếu do biến động về khí hậu, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng của cây.

Thời kỳ cây vải ra hoa, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2, thời tiết nắng ấm, không đủ độ rét để cây ủ mầm hoa. Những cây ra được hoa thì yếu, cộng với thời tiết nắng nóng, khô hanh của tháng 3, khiến cây vải không ra được quả.

Không chỉ xã Ea Kly, ở xã Ea Kuăng nhiều hộ dân cũng “đứng ngồi không yên” vì vải mất mùa.

Bà Khổng Thị Loan, thôn Nghĩa Lập có 1.500 m2 vải thiều 10 - 30 năm tuổi. Hằng năm, vườn vải cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Trồng vải ít tốn công chăm sóc, vốn đầu tư nên bà Loan quyết định mở rộng thêm 5.000 m2 trồng vải. Song, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, vườn vải của bà Loan chỉ đạt khoảng 40% so với mọi năm.

“Hay tin vải thiều mất mùa, nhiều thương lái chủ động đến đặt mua trọn vườn, vì sợ thiếu nguồn cung, song, hiện người dân quanh vùng vẫn chưa thỏa thuận bán, vì có thể giá vải sẽ tăng mạnh so với mọi năm, tránh gây thiệt hại cho người trồng vải” – bà Loan chia sẻ.

Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp Krông Pắc cho biết, cây vải thiều được đem từ Bắc Giang, Hải Dương vào đây khoảng 30 năm. Toàn huyện có gần 50 ha, và  là cây trồng hiệu quả cao, nên được bà con chú trọng. Song, do thời tiết Tây Nguyên diễn biến thất thường nên ngành khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích ồ ạt, đồng thời tham mưu cho huyện hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho người trồng vải để đạt hiệu quả cao. 

Đắc Lắk: Thu nhập cao từ trồng chanh dây

Năm 2016, thấy nhiều người làm giàu nhờ trồng cây chanh dây, chị Trương Thị Thu xã Cư Elang, huyện Ea Kar, đã phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi kém hiệu quả, trồng thử nghiệm 500 cây chanh dây.

chanh-66.jpg

 Chị Thu trong vườn chanh của gia đình

Sau đó, chị học cách trồng, áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn chanh phát triển tốt. Sau 2 năm chăm sóc, cây chanh dây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện, vườn chanh dây của chị đang cho thu hoạch ổn định, định kỳ hai ngày thu một lần, mỗi lần 200 - 250 kg. Năm 2018, chị đã thu hoạch 30 tấn chanh dây, với giá 20 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi ròng trên 250 triệu đồng.

Chị Thu chia sẻ: Chanh dây rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Chỉ cần bón phân, đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên cắt cành, lá theo định kỳ; không để vườn quá rợp, vì không đủ ánh sáng. Đồng thời, thường xuyên thăm vườn, phát hiện và điều trị hiệu quả một số bệnh: nấm, bã trầu, phấn trắng… Chanh dây sau 4 tháng đã cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt có thể thu 3 đợt/năm, kéo dài 2 - 3 năm.

Thu 4 tỷ đồng/năm từ vườn; gần 600 hộ tiêu thụ khoai tây có địa chỉ; nguy cơ mất mùa vải thiều; thu nhập cao từ chanh dây, là tin tuần Tây Nguyên.

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top