Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 1 năm 2019 | 14:50

Làng nghề Vạn Điểm: Vững vàng trong vòng xoáy thị trường

Làng mộc cổ truyền Vạn Điểm, xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín), cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 30km về phía Nam. Xã có 2/3 thôn là Vạn Điểm và Đặng Xá đã được công nhận “Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm”.

Doanh thu hàng năm của làng nghề đạt 95 - 100 tỷ đồng, chiếm 70% tỷ trọng kinh tế của địa phương.

Đặc biệt, sản phẩm của làng nghề được sản xuất từ các loại gỗ quý nhập khẩu như lim, gụ, hương, trắc, mun, gõ đỏ…

 

tr14.JPG
Vận chuyển hàng cho khách trong dịp giáp Tết  2019.

Tất bật vụ Tết

Ông Hoàng Văn Luyến, ở thôn Vạn Điểm, cho biết, mặc dù xã có nghề mộc hàng trăm năm nay, nhưng lớn lên ông không theo nghề ngay. Khi một số bạn bè trạc tuổi ông ở lại quê nhà yên ổn với nghề theo kiểu “cha truyền, con nối” thì ông lại lặn lội ở miền Nam, vừa học nghề mộc, vừa làm thuê.

Gần 10 năm sau, năm 2004, ông Luyến mới trở về quê nhà, mặc dù Vạn Điểm là thôn đất chật người đông, không khác gì phố cổ Hà Nội, nhưng ông cũng  có 100m2 mặt bằng ở trung tâm xã, để giới thiệu sản phẩm cho khách, và gần 200m2 trong làng để sản xuất.

Đồ gỗ của gia đình ông chủ yếu là bàn ghế cao cấp, “mốt” sa-lon vẫn giữ nguyên như năm 2017. Kiểu dáng Âu châu, mô phỏng bộ ghế của Vua Louis nước Pháp, thời kỳ Phục hưng, thế kỷ 16, song, người dân Vạn Điểm vẫn gọi nôm na là bộ “Vạn phúc”. Hoặc bộ “Tần Thủy Hoàng”, theo kiểu dáng các hoàng đế Trung Quốc xưa thường dùng; bộ đào (chạm khắc hình quả đào tiên). Kích cỡ chân bàn, ghế từ 10 - 18 - 20cm2, thậm chí có chân “khủng” 30 - 40cm2, tùy theo khách đặt hàng.

Tại cửa hàng trưng bày của gia đình ông Luyến, chúng tôi được xem bộ sa-lon “Vạn phúc”, làm bằng gỗ gõ đỏ, nhập khẩu từ Nam Phi, trị giá 150 triệu đồng. Chủ nhà cho biết, bộ bàn ghế đang chờ khách đến nhận, gồm 10 “món”: bàn uống nước rộng 1,1m, dài 1,7 m; 4 ghế sa lon, đường kính chân ghế 14cm; 2 đôn to; 2 đôn nhỏ; 1 đoản dài 1,8 m. Tuy nhiên, loại có kích cỡ “khủng” như thế này phải đặt trong phòng khách 50m2 trở lên, hoặc càng rộng, thoáng đãng thì càng đẹp.

Ngoài ra, ông Luyến còn sản xuất bàn ghế ăn, với nhiều chủng loại, chủ yếu theo đơn đặt hàng của khách, chuyển đi nước ngoài cũng có, song phần lớn tiêu thụ nội địa: khu vực Tây Bắc, các tỉnh, thành miền Trung, phía Nam (Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh). Kiểu dáng khá phong phú, thường có vân hoa ở cạnh bàn, chân ghế. Mặt bàn rộng 80cm, dài 1,6- 2,0m; có loại 6 nghế, 8 ghế, 12 ghế; giá cả giao động từ 20 đến 40 triệu đồng/bộ, nếu làm bằng gỗ mun 50 - 60 triệu đồng/bộ. Để chuẩn bị hàng phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019, cửa hàng có trên 100 bộ sản phẩm lớn, nhỏ như trên. 

Được biết, ngoài việc bận rộn vào dịp Tết Nguyên đán, khoảng tháng 10 – 12 âm lịch hằng năm, cơ sở còn sản xuất và chở hàng đến tận nơi cho khách. Khách đến xưởng đặt hàng đưa về địa phương bán buôn cũng nhiều, mỗi năm vài trăm bộ lớn, nhỏ. Doanh thu bình quân 2-3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm.

Cũng như gia đình ông Luyến, bà Mai Thị Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thịnh (đường đê Vạn Thành, thôn Vạn Điểm), cho biết: Đây là thôn trung tâm của xã, nên tôi và các hộ làm nghề đều có cửa hàng ở đây. Tôi có khu sản xuất  trong làng (thôn Đặng Xá) rộng 300m2. Gia đình bà có truyền thống làm nghề  3 đời nay, bản thân chồng bà cũng học nghề từ năm 15 tuổi. Cả 2 vợ chồng tham gia sản xuất và buôn bán đồ gỗ trên 20 năm nay, chủ yếu học nghề tại gia đình, theo kiểu “cha truyền con nối”, và học hỏi thêm bạn bè, cứ thế mà thành thạo nghề. Năm 2007, bà thành lập công ty và sản xuất như ngày nay. 

Hiện, sản phẩm của Sơn Thịnh chủ yếu là giường, sập, tủ áo, bàn ghế ăn; ngoài ra còn sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Mẫu giường năm nay vẫn theo kiểu dáng châu Âu, giường Louis; giường đôi có giá 50 triệu đồng, sập 60 triệu đồng (tùy theo khách đặt hàng). Tủ áo 3 buồng 24 triệu đồng; 4 buồng 29 triệu đồng; bàn ghế ăn Louis, loại 6 ghế 35 triệu đồng/bộ; 8 ghế 43 triệu đồng/bộ.

 

tr14a.JPG
Cán bộ Phòng Kinh tế Thường Tín (trái) thăm gian hàng của bà  Mai Thị Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thịnh.

 

Các sản phẩm của công ty chủ yếu bán buôn, năm 2017,  bán ra thị trường trên 300 sản phẩm các loại, giá 15-70 triệu đồng/bộ, có bộ trên 100 triệu đồng, chủ yếu làm bằng gỗ gõ đỏ, tiêu thụ thị trường trong cả nước. Hiện, công ty có 15 thợ, sản xuất quanh năm, chia thành nhiều tốp, thợ cả lương 18 triệu đồng/tháng, các tốp thợ  6- 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm đạt 5-7 tỷ đồng, lợi nhuận 500 - 700 triệu đồng.

Nét đẹp văn hóa làng nghề

Xã Vạn Điểm có ba thôn Đặng Xá, Vạn Điểm và Đỗ Xá đều được công nhận là Làng Văn hóa, và đều có nghề mộc phát triển ổn định. Song, mới có 2 làng Vạn Điểm và Đặng Xá được công nhận “Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm” (làng Vạn Điểm được công nhận năm 2001, làng Đặng Xá được công nhận năm 2006). 

Ngoài ra, Vạn Điểm còn có nhiều công ty, trường học đóng trên địa bàn, chưa kể khách đến mua hàng tại địa phương ngày càng đông, nhất là vào dịp Tết, vì vậy, vấn đề giữ gìn môi trường, an ninh trật tự, ý thức của người dân đã được nâng cao. 

Phó chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, ông Nguyễn Văn Khải, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các thôn mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, để làng nghề đứng vững trên thị trường, cả trong nước và quốc tế. Hiện, các sản phẩm của Vạn Điểm như: sa-lon, bàn ghế ăn cơm, giường, tủ áo, tủ rượu, sập, kệ ti vi… đều được sản xuất từ các loại gỗ quý nhập khẩu như: Lim, gụ, hương, trắc, mun, gõ đỏ...”

Ông Khải cho biết thêm, hàng chục năm qua, nhất là khi các làng nghề lần lượt được công nhận là làng nghề cao cấp, kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Thu nhập hàng năm từ làng nghề đạt  95-100 tỷ đồng, chiếm 70% tỷ trọng  kinh tế của địa phương. Không những đời sống nhân dân được nâng cao mà còn tạo việc làm cho người lao động trong và ngoài địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Khó khăn vẫn còn nhiều

Hiện, ảnh hưởng của làng nghề Vạn Điểm là bụi gỗ, nhất là khi cả 3 làng nghề đều sản xuất trong khu dân cư. Chỉ tính riêng thôn Vạn Điểm, nằm ở vị trí trung tâm xã, tổng diện tích đất tự nhiên 139ha, đất ở 82ha, đất nông nghiệp 57ha, dân số 2.850 người, nhưng có tới 720/785 hộ làm nghề. Toàn xã có 4 hộ buôn gỗ; 5 hộ thu gom bột gỗ; 65 hộ làm nghề khác. Do làng nghề bị ô nhiễm nên sản xuất nông nghiệp gần như bỏ không, chỉ còn vài chục hecta đất trồng lúa, hoa màu  ở đất xen kẹt.   

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là mặt bằng để phục vụ sản xuất. Do làm việc trong khu dân cư, nên ô nhiễm môi trường: bụi gỗ, mùi sơn PU và tiếng ồn suốt ngày đêm,  ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Nhất là nguồn nước, nhiều năm qua, người dân Vạn Điểm chủ yếu sử dụng nước mưa, nước giếng khoan (qua máy lọc) để sinh  hoạt, hoặc mua nước bình lọc để nấu nướng.

Việc ô nhiễm nguồn nước, bụi gỗ là điều không thể tránh khỏi ở làng nghề, và vượt tầm xử lý của địa phương. Vì vậy, UBND xã Vạn Điểm đã làm tờ trình gửi huyện Thường Tín xin diện tích khu Đồng sau (thôn Vạn Điểm) rộng 15ha, đưa làng nghề ra xa khu dân cư để ổn định sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, bà Uông Thị Hải Phượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, cho biết: “Để giải quyết nạn ô nhiễm bụi gỗ, cách đây vài năm, làng nghề đã có sáng kiến may túi hút bụi dài 2m, rộng 60cm. Cứ đến cuối ngày, các hộ thu gom bột gỗ sẽ đến mua, bình quân mỗi túi thu được khoảng 20 - 30kg bột, bán giá 6.000 đồng/10kg. Mặt khác, ngoài thu mua bụi gỗ, vụn gỗ bé quá không sản xuất được, cũng có người đến đặt hàng và bán lại cho các làng nghề trong huyện, để tận dụng làm đũa, vòng đeo tay, làm chiếu hoặc mành gỗ. Bụi gỗ được sử dụng làm hương, đồng thời xuất khẩu để sản xuất hương, ván ép. Hoặc, nhiều đơn vị trong nội thành Hà Nội có sáng kiến mua bột gỗ để ép thành than hoạt tính”.

Hy vọng, với sự nỗ lực của nhiều cấp ngành, làng nghề mộc cổ truyền của Vạn Điểm luôn đứng vững trong vòng xoáy thị trường, tạo được lòng tin với khách hàng với những sản phẩm đẹp về kiểu dáng và tốt về chất lượng, từ bàn tay của những người thợ tài hoa. 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top