Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 10 năm 2017 | 9:59

Liên kết sản xuất lúa ở Bình Minh: Đừng đi nhanh, hãy đi xa

Thời điểm này những cánh đồng ở Bình Minh đang chuyển màu từ xanh mạ non sang vàng sóng sánh. Đây là vụ thứ 2 mà Lộc Trời liên kết sản xuất ở Bình Minh. Vẫn giữ nguyên con số 53 hộ, 58ha, vẫn là Lộc Trời cung cấp toàn bộ quy trình từ: giống, bộ sản phẩm dinh dưỡng, phân bón lá, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, thu hoạch và bao tiêu...

Bài 1: Ký ức lấn biển và mối duyên hợp tác

Bài 2: Mùa vàng nơi đất mặn

Ngắm những bông lúa thân chắc, hạt tròn mẩy từ gốc đến ngọn, chúng tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều mùa vàng ở vùng đất phèn mặn này.

Sướng như nông dân Bình Minh

Làm nông nghiệp làm gì có ai sướng, nhưng quả thật, câu ví von trên không hề quá với những nông dân ở Bình Minh. Bởi từ khi liên kết sản xuất lúa cùng Lộc Trời, nhiệm vụ duy nhất, quan trọng nhất của bà con là tuân thủ nghiêm quy trình trồng lúa an toàn, còn tất cả: giống, phân bón, kỹ thuật, thu hoạch, bao tiêu… đã có Lộc Trời đảm nhiệm. Không những thế, nông dân còn được “cầm tay chỉ việc”, có cơ hội học hỏi rất nhiều từ quy trình mới, áp dụng những tiến bộ khoa học mới trong gieo trồng, sản xuất.

Đội ngũ kỹ sư của Lộc Trời thường xuyên túc trực, sát cánh hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thả, nông dân khu 1, xã Bình Minh cho biết: “Nhờ các kỹ sư doanh nghiệp Lộc Trời mà lần đầu tôi biết được nguyên nhân từ đâu làm cho đất ở đây trở nên cằn cỗi, đó là hậu quả của việc bón phân, canh tác không hợp lý. Cách làm trước đây vừa tốn kém vừa luôn lo đầu ra không có. Nay nhờ thế mạnh của Công ty Lộc Trời nên nông dân chúng tôi yên tâm canh tác, không còn phải lo giá cả hay đầu ra cho sản phẩm nữa”.

Hiện, tại các đồng ruộng của Bình Minh luôn có sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ sư “3 cùng” của doanh nghiệp Lộc Trời, những người ngày đêm bám đồng ruộng, hướng dẫn bà con làm đất, xuống giống chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật. Nói về thành quả ban đầu, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh đánh giá: “Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa tăng khoảng 10-15% so với sản xuất lúa theo phương thức canh tác truyền thống mà nông dân Bình Minh đã làm trước đây. Chưa kể bà con được tiếp cận với cách làm mới, hiểu được thế nào là sản xuất lúa an toàn. Mong rằng sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở 58ha mà có thể mở rộng ra 200ha sản xuất lúa của Bình Minh, mang lại năng suất, chất lượng cao, nâng cao cuộc sống cho nông dân”.

Năng suất vụ đầu tiên ở Bình Minh đã vượt quá mong đợi, trung bình mỗi hecta thu được 5,5 tấn lúa, đây thực sự là con số trong mơ của bà con khi trồng lúa Bắc thơm. Chị Phạm Thị Thủy ở thị trấn Bình Minh cho biết: “Chưa bao giờ tôi trồng lúa mà có năng suất tốt như vụ đông xuân vừa rồi. Vụ này, tôi tiếp tục tham gia liên kết trồng lúa với Công ty Lộc Trời, ngoài năng suất, chất lượng, cái được lớn nhất là chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều về mặt kỹ thuật, được tiếp cận với nhiều cách làm mới, khác hẳn với tư duy trồng lúa trước đây”.

Có thể con số 10% chênh lệch năng suất chưa hẳn ấn tượng, nhưng chất lượng lại là câu chuyện mà bất cứ ai tham gia vào chuỗi sản xuất này cũng phải trầm trồ, gật gù công nhận sự vượt trội. Đó là lúa chín đều, tỷ lệ thóc non gần như không có, hạt to tròn căng mẩy, đến mức bà con còn ví von “vùi dập qua máy xát công suất lớn đến đâu cũng không vỡ hạt”, giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch. Và nhất là khi “gạo đã nấu thành cơm” thì càng có thể nhận biết rõ ràng hơn: hạt cơm bóng nhờ tỷ lệ chất sắt (Fe) và Protein cao hơn các loại gạo thông thường. Ông Nguyễn Viết Sáu, Giám đốc kỹ thuật Công ty Lộc Trời Miền Bắc nhấn mạnh: “Ngay từ khi có chủ trương tiến quân ra Bắc, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng khâu chọn giống, lọc dòng để sao cho giống Bắc thơm 7 thích ứng được tốt nhất với đồng đất phèn mặn ở Kim Sơn, đồng thời phát huy tốt nhất những phẩm chất gạo, chính vì vậy chúng tôi tự tin là có thể phát triển một sản phẩm mới của Lộc Trời ở miền Bắc, đủ sức cạnh tranh với những giống lúa đặc sản của địa phương”.

Ai hưởng lợi?

Tất nhiên là tất cả các bên, nhưng mỗi phía lợi một cách khác nhau. Với Lộc Trời điều đầu tiên là phát triển được vùng nguyên liệu. Đây chính tiền đề quan trọng để doanh nghiệp này thực hiện tham vọng lớn lao hơn: mở rộng vùng nguyên liệu khắp các tỉnh thành Bắc Bộ. Điểm lợi thứ hai là Lộc Trời kiểm soát được chất lượng hàng hóa của mình, từ đó tự chủ được kế hoạch sản xuất và hoàn toàn có lợi thế ở môi trường xuất khẩu. Hiểu rõ điều này, không dừng lại ở Bắc thơm 7, các kỹ sư của Lộc Trời vẫn tiếp tục khảo nghiệm để phát triển thêm nhiều giống lúa mới mang lại năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện đồng đất ở Bình Minh.

Từ giống, phân bón, thu hoạch, tiêu thụ... đều được Lộc Trời đảm nhiệm, bà con chỉ việc giám sát qua trình.

Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh từng nhấn mạnh, hướng của Bình Minh trong thời gian tới là sản xuất theo chuỗi: tạo vùng lúa sạch hữu cơ chất lượng cao, vùng rau sạch, vùng nuôi trồng thủy sản cùng với đầu tư hoàn thiện hệ thống bảo quản chế biến sản phẩm sau thu hoạch: hệ thống sấy, đóng gói sản phẩm… đồng thời sẽ xây dựng và đăng kí thương hiệu sản phẩm hữu cơ Bình Minh. Để làm được việc đó Bình Minh sẽ cần thu hút vốn, khoa học công nghệ, cũng như khả năng marketing từ các doanh nghiệp có năng lực đầu tư nông nghiệp. Thế thì ở mối liên kết này, cái lợi lớn nhất của Bình Minh chính là thành công bước đầu của quá trình cổ phần hóa, đây là bước đi quan trọng nếu doanh nghiệp này muốn tham gia thị trường sản xuất nông sản một cách chuyên nghiệp, bài bản. Chưa kể, sự hợp tác này đem lại kinh nghiệm và bài học rất lớn về quản lý doanh nghiệp sau cổ phần, đồng thời, tiếp cận nhiều hơn với cách thức hợp tác theo nguyên tắc: tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

Với những người nông dân, điều hưởng lợi lớn lao nhất là thay đổi tư duy sản xuất. Không phải cứ làm theo thói quen, sử dụng phân bón dựa trên hướng dẫn của nhà sản xuất là thành công, mà quan trọng nhất là hiểu rõ đặc tính của đất, của giống, cách chọn sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với cây trồng mới đem lại năng suất, chất lượng cao. Và quan trọng hơn cả, nói như ông Đặng Thành Quy, nông dân tham gia liên kết: “Trước nay cứ nghĩ mạnh ai người nấy làm, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, nhưng khi gặp rủi ro, thiệt hại phải gánh chịu một mình rất lớn. Giờ đây cùng liên kết hợp tác, nông dân đồng lòng với nhau, vì lợi ích của nhau thì không sợ doanh nghiệp nào chèn ép, bắt nạt nữa”.

Với huyện Kim Sơn nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung, câu chuyện hợp tác Lộc Trời – Bình Minh sẽ là mô hình điểm để tỉnh nhân rộng và kêu gọi nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào nông nghiệp. Chưa kể đây cũng là cơ hội để lãnh đạo tỉnh có cái nhìn bao quát hơn, thiết thực hơn trước khi có quyết định đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điểm nhấn bên cạnh ngành du lịch đang rất hút khách ở Ninh Bình. Nhất là trong bối cảnh phong trào xây dựng nông thôn mới đang nở rộ, rộng khắp, những mô hình liên kết kiểu này sẽ góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, đồng thời, thúc đẩy hình thức liên kết bền vững trong phát triển kinh tế. Và nếu Lộc Trời chọn Kim Sơn – Ninh Bình là trung tâm lúa gạo ở phía Bắc, thì việc hình thành các vùng nguyên liệu vệ tinh xung quanh sẽ giúp địa phương này thực sự có bước tiến về phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp… thiết nghĩ, mối lợi ấy không ai nỡ chối từ.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, câu ngạn ngữ này càng đúng trong bối cảnh tư duy sản xuất của nông dân cũng như nhiều doanh nghiệp còn quẩn quanh sau “lũy tre làng”, đó chính là tư duy sợ thiệt - hơn, ngại thay đổi. Vẫn biết sự bắt tay giữa Lộc Trời – nông dân – Bình Minh mới ở giai đoạn đầu, còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại, nhưng trên một phương diện nào đó, mạnh dạn đổi mới và không ngại va vấp, dám chấp nhận rủi ro cũng là điều đáng để ca ngợi rồi.

Tố Loan

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top