Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 1:25

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Kạn: Còn nhiều trăn trở

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, các địa phương và ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thực tế triển khai thấy, các bên tham gia (Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân) đang gặp nhiều khó khăn, chưa có được tiếng nói chung, còn nhiều điều trăn trở cần được quan tâm, giải quyết. Ghi nhận tại Bắc Kạn.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và chọn mẫu mã quả tại mô hình thâm canh quýt ngọt xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới (ảnh: Đ.T. Thử).

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã phối hợp với các địa phương huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Đến nay, đã phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, bước đầu, một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, được người tiêu dùng trong cả nước biết đến như gạo Bao Thai Chợ Đồn, gạo nếp Ngân Sơn, miến dong Bắc Kạn, mía bầu Cao Kỳ, thạch đen Na Rì, cam, quýt Quang Thuận, hồng không hạt,…

Diện tích canh tác một số loài cây trồng đặc sản ngày càng mở rộng, tuy nhiên do chưa tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên người sản xuất vẫn chưa đầu tư thâm canh, không có quy hoạch, chưa phát huy được tiềm năng năng suất, chất lượng sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, điển hình là cam, quýt, hồng không hạt, khoai môn.

Một số sản phẩm đã được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm thì chưa đáp ứng được về sản lượng do diện tích trồng còn ít và rải rác, như gạo nếp Ngân Sơn (mỗi năm chỉ trồng khoảng 40ha), hoặc khâu chế biến, bảo quản còn lạc hậu nên chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo.

Thêm vào đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ học vấn của người sản xuất thấp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết. Người sản xuất chưa có thói quen sử dụng thương hiệu sản phẩm nên khó tạo ra sự khác biệt và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Công tác dự báo thị trường còn hạn chế; việc bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm, chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên tổn thất sau thu hoạch lớn.

Tại Diễn đàn “Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn” do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn tổ chức, hầu hết ý kiến đều cho rằng, vấn đề quan trọng là phải có quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa, khâu liên kết sản xuất phải tạo thành tổ nhóm hợp tác, đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, minh bạch về tài chính và dân chủ. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của Nhà nước cần thông thoáng hơn, hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, chia sẻ kinh nghiệm: ­Hòa Bình cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, mía tím, tỏi tím, cá sông Đà… nhưng cam Cao Phong là sản phẩm mang về hiệu quả kinh tế cao nhất. Để đạt được thành công đó, Hòa Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như xây dựng chương trình trọng điểm dài hạn và ngắn hạn, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất từng loài cây trồng đến từng xã, có chính sách hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho nông dân, hỗ trợ chi phí vận chuyển đến nơi tiêu thụ cho doanh nghiệp; công tác quản lý nguồn giống tốt. Đối với hộ sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện sản xuất rải vụ để tăng giá trị thu nhập; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo nhóm hộ, câu lạc bộ khuyến nông.

Ở khía cạnh khai thác thị trường, một số doanh nghiệp trăn trở không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, khó liên kết được với người sản xuất. Về vấn đề này, Công ty sản xuất nông sản sạch Tây Bắc cho rằng: Việc sản xuất theo chuỗi còn khó khăn bởi thị trường tiêu thụ không ổn định, gặp nhiều rủi ro vì không thể mua được sản phẩm từ người sản xuất hoặc nếu có thì chất lượng sản phẩm lại không đảm bảo do công tác chế biến, bảo quản còn hạn chế. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp liên kết được với người sản xuất một cách ổn định? Thiết nghĩ, cần phải có sự tham gia đồng bộ và sát sao của Sở Công Thương trong việc tổ chức ký kết hợp đồng với nhóm tổ hợp tác, chính quyền và chi cục quản lý thị trường địa phương nhằm tránh tình trạng thương lái ép giá.

Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội nêu vấn đề: Hiện, nông dân còn thiếu thông tin thị trường, sản xuất tự phát nên chưa có sự kết nối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp lại thiếu thông tin về những cơ sở sản xuất tốt, chưa có kế hoạch tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, quảng bá thị trường, ép giá người sản xuất. Đối với kênh bán lẻ thì chỉ vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng trộn lẫn 2 loại sản phẩm đảm bảo chất lượng và không chất lượng để bán, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Để từng bước tháo gỡ trong chuỗi liên kết, xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn khẳng định: Cần phải cải cách thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất và quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, giảm tổn thất sau thu hoạch; lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, có khả năng kết nối với nông dân; Nhà nước giám sát, tác động, hỗ trợ, nhất là thông tin liên kết thị trường vùng, miền và quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp Bắc Kạn tập trung phát triển các loài cây đặc sản theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo 1.000ha cam, quýt; 500 ha hồng không hạt sản xuất theo hướng VietGAP; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa; đẩy mạnh chế biến bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch bằng các hoạt động hỗ trợ công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin, dự báo thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Bắc Kạn cần có định hướng quy hoạch vùng sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp và tăng cường tuyên truyền để nông dân cùng tham gia liên kết sản xuất..., từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp.

Thu Hằng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top