Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 4 năm 2016 | 1:18

Linh thiêng Đền Củi

dĐền Củi, hay còn gọi là đền ông Hoàng Mười, thuộc xã Xuân Hồng (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) nổi tiếng linh thiêng bởi ông Mười là tướng tài của nhà Lê, được vua tin yêu, giao thống soái ở Hoan Châu (1443 - 1446), vùng rộng lớn tương tự như Quân khu IV ngày nay. Không những đánh giặc giỏi, ông còn chăm lo cho đời sống bình an của dân chúng. Cảm phục tấm lòng đó, người dân đã lập đền thờ ông.

Thăng trầm đền cổ

Ông Quý (bên trái) và ông Thiên trong buổi làm việc với chúng tôi.

Từ Quốc lộ 1A đi vào khoảng 300m, rẽ trái 100m nữa thì đến đền Củi, đền tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, phong cảnh hữu tình, thơ mộng.

Theo sử sách, Hoàng Mười là  tướng tài nhà Lê (Lê Khôi), được vua tin yêu, giao thống soái vùng Hoan Châu. Ông không những đánh giặc giỏi, mà còn chăm lo đời sống cho dân. Một lần khi thắng giặc trở về, trận cuồng phong ập đến làm tan hoang nhà cửa dân chúng. Thương dân, ông cùng binh sỹ lên ngàn chặt tre, đốn gỗ về giúp dân làm nhà. Trong một lần bão to, ông lâm nạn, dân làng chưa kịp mai táng thì mối đùn lên đắp thành mộ. Nhớ ơn ông, họ đã lập đền thờ trên núi Ngũ Mã.

Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nằm sát bên đền, ông Nguyễn Sỹ Quý, chủ nhang đền Củi, cho biết, tổ tiên ông ở đây đã 6 đời. Khi ông lớn lên, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nơi đây là ngôi nhà gỗ 3 gian do cha mẹ để lại. Xung quanh đền chỉ có 5-6 nhà dân, còn hai bên Quốc lộ 1A vắng teo. Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, khu vực này còn là kho trung chuyển lương thực của Nhà nước, bom đạn dội ngày đêm, nhưng rất may, không trúng đền. Năm 1973, khi đi sơ tán về, nhà ông và đền Củi vẫn bình yên, đền chỉ bị sập một mái ngói nhưng các pho tượng bằng gỗ quý không còn. Ông bà nội của ông Quý đã vận động bà con đóng góp tranh tre tu sửa lại.

Ông Quý cho biết thêm, ngược dòng lịch sử khoảng 200 năm trước, đền Củi do nhân dân tự trông coi. Do ở gần đền nên dòng tộc gia đình ông Quý nối tiếp nhau quản lý. Năm 1993, khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, huyện Nghi Xuân giao cho xã Xuân Hồng quản lý song không hiệu quả. Năm 1998, xã giao cho ông Nguyễn Sỹ Quýnh (bố ông Quý) quản lý. Năm 2013, ông Quýnh mất, giao lại cho 2 con trai là Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hóa trông coi. Năm 2014, UBND huyện Nghi Xuân thành lập Ban quản lý các hoạt động tại di tích đền Chợ Củi với mô hình nhà nước và nhân dân cùng quản lý; anh em ông Quý lại được giao làm chủ nhang.

Đền Củi linh thiêng, phong cảnh hữu tình, từ xưa đến nay vẫn là nơi thờ cúng, thăm viếng của nhân dân Xuân Hồng và bà con trong vùng. Nhưng phải đến những năm 2000, khách thập phương mới đến đền Củi tấp nập như ngày nay. Khách đến đông nhất là từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 10 âm lịch là ngày giỗ của ông Hoàng Mười.   

Thành tâm nơi thờ cúng

Cung thờ ông Hoàng Mười

Bẵng đi một dạo không đến đền Củi, năm 2016 tôi lại về thăm, thấy đền đẹp đẽ hơn xưa, tôi hỏi ông Quý mới biết, tháng 4/2015, anh em ông đã xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Nghi Xuân cho gia đình sửa chữa khang trang như vậy. Theo đó, kinh phí trùng tu đền Củi gần 13 tỷ đồng, do gia đình ông đóng góp (hiện đang nợ 6 tỷ đồng).

Tiền công đức của đền từ năm 2012 đến nay (trên 3 tỷ đồng), ông Quý gửi vào tài khoản của Ban quản lý đền (trước năm 2012 do xã Xuân Hồng quản lý). Dự kiến, số tiền trên để xây dựng các công trình phụ trợ tại khu di tích; các công trình phúc lợi trên địa bàn huyện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long Thiên, Phó trưởng phòng Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch huyện Nghi Xuân, Trưởng ban quản lý đền Củi, cho biết: “Thời gian tới, Nghi Xuân sẽ tăng cường an ninh, trật tự; vệ sinh môi trường; an toàn cháy nổ… Đặc biệt, sử dụng nguồn thu tại di tích đúng mục đích. Ban quản lý tiếp tục chỉ đạo gia đình chủ nhang hoàn thiện các hạng mục tu bổ, tôn tạo di tích đền Củi giai đoạn I để đền Củi ngày càng xứng đáng với giá trị vốn có của di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia”.

Trước khi ra về, chúng tôi dạo quanh đền Củi, ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình. Tuy nhiên, điều mà chủ nhang của đền cũng như du khách chưa hài lòng là, vài năm trở lại đây, việc đốt vàng mã, hóa ngựa giấy ở đền ngày càng nhiều. Nhất là những chú ngựa giấy, khung bằng tre nứa, phết giấy vàng bên ngoài, trang trí tua bờm xanh, đỏ, to như ngựa thật, xếp ngất ngưởng ở quanh đền...

Quan sát khách thập phương đem đồ lễ lên đền Củi, ngoài ngựa giấy, mâm cỗ xôi gà, chúng tôi còn thấy hàng chồng tiền vàng, nhất là những đinh vàng hoa, xếp thành khối hình chữ nhật, to như cột nhà, đưa vào đền dâng lễ. Có gia đình, riêng tiền vàng dễ phải 2 người bê.

Anh Nguyễn Văn Đại, lái xe khách quê Hải Dương, cho biết, hàng năm khách Hải Dương vào lễ đền Củi khá đông. Tuy nhiên, cũng theo anh Đại thì: “Nhìn người ta hóa vàng mã, đốt ngựa giấy…, thấy lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tôi nghĩ, đi lễ ở đâu cũng cần nhất là thành tâm. Nếu người đi lễ nghĩ rằng phải có lễ vật như vậy thì Phật, thánh, hay những bậc anh hùng có công với nước, với dân… mới ban cho may mắn, phúc lộc thì hoàn toàn không đúng. Nếu thấy cần đóng góp chút lòng thành của mình với đền, chùa thì chỉ nên bỏ vào hòm công đức là được”.

Bà Nguyễn Thị Bích Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi, TP.Vinh (Nghệ An), cho biết: “Đi lễ đền chùa đầu năm, hoặc thăm thú di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, những người có công với nước, trước hết nên thành tâm. Nên chăng, nhà nước cần thắt chặt hoạt động đốt vàng mã, dâng mâm cỗ, gây lộn xộn, phản cảm nơi thanh tịnh, linh thiêng. Nếu được như vậy, sẽ loại bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, trả lại không khí trong lành nơi thờ tự”.

Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top