Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 12 năm 2017 | 2:9

Luật thủy sản sửa đổi: Nỗ lực khắc phục cảnh báo của EC về IUU

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Thủy sản sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ tư. Theo đó, mức phạt sẽ tăng gấp 10 lần.

Hành vi khai thác trái phép có mức xử phạt hành chính cao nhất áp dụng đối với cá nhân lên đến 1 tỉ đồng và tổ chức là 2 tỉ đồng.

Nỗ lực khắc phục để EU thu lại thẻ vàng

Việc Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam do không kiên quyết chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) như một lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam. Sau 6 tháng bị cảnh báo, nếu không giải quyết các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra, Việt Nam có thể đối mặt một trong 3 kịch bản, trong đó xấu nhất là bị “thẻ đỏ”. Khi đó, lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào EU sẽ được áp dụng.

Trong nỗ lực khắc phục để EU thu lại “thẻ vàng”, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Tổ công tác liên ngành về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), do Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, các hiệp hội, thực hiện hoạt động truyền thông nhằm đảm bảo thông tin về nỗ lực, giải pháp của Việt Nam về khắc phục IUU.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa ký Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS, phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU.

Theo đó, các nhóm giải pháp được đưa ra theo 9 khuyến nghị, bao gồm: Sửa đổi khung pháp lý đảm bảo tuân thủ quy định khu vực và quốc tế; đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật được sửa đổi về IUU; thực hiện quy định quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua chế tài xử phạt nghiêm minh; thực hiện quy định quốc tế về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; cải thiện hệ thống quản lý tàu cá; quản lý cường lực khai thác phù hợp; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực; tuân thủ quy định việc thu thập và báo cáo dữ liệu nghề cá…

Ngay trong tháng 11/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục các khuyến nghị của EC về IUU.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản đã được điều tra ở một số vùng biển làm cơ sở quy hoạch, tổ chức lại đội tàu khai thác hản sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển kiểm soát số lượng tàu cá đóng mới theo quy hoạch; quy định và tổ chức thực hiện việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc IUU nhập cảng thương mại để tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa

Tăng mức phạt

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Luật Thủy sản sửa đổi vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 21/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật Thủy sản sửa đổi cũng đã luật hóa các nội dung liên quan đến IUU, các khuyến nghị của EC, được quy định rải rác trong các điều và các chương của luật, như: quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá.

Luật cũng quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm; thu hồi giấy phép đốitiến độ. với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU…

Các hành vi khai thác IUU có mức xử phạt hành chính cao nhất áp dụng đối với cá nhân lên đến 1 tỉ đồng và tổ chức là 2 tỉ đồng. Mức phạt này tăng gấp 10 lần so với mức hiện hành.

“Đây là mức xử phạt cao nhất trong luật xử lý vi phạm hành chính để EC và các nước thấy chúng ta đã quyết tâm xử phạt một cách nghiêm minh. Bởi trước đó, EU cho rằng chúng ta chưa có tiến bộ trong xây dựng dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi, chưa chịu tiếp thu khi không đưa chi tiết mức xử phạt vào luật”, ông Tám nói.

Sau khi Chính phủ ban hành nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, sẽ có quy định mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, ngay sau khi EU cảnh cáo “thẻ vàng”, Bộ đã có báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ và dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, để quyết liệt hành động từ trong vòng 6 tháng đến 1 năm phải thoát ra khỏi “thẻ vàng”, trong khi các nước khác mất 1-2 năm”.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng vừa ban hành một kế hoạch hành động cấp bộ và đã trình Chính phủ kế hoạch hành động quốc gia về IUU đến năm 2025. “Rất mừng là đã có sự vào cuộc của địa phương. Đặc biệt là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có chương trình cam kết tự nguyện của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sang EU, không mua và tiêu thụ hàng đánh bắt bất hợp pháp”, ông Tám nói.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông tin, mới đây, làm việc với đại sứ, Trưởng đại diện EU tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã một lần nữa trình bày lại quyết tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để nhanh chóng thoát khỏi “thẻ vàng” mà EC đang áp dụng. “Riêng Quảng Ngãi - địa phương trước đó để xảy ra nhiều vụ vi phạm nhất, từ tháng 7 tới nay không ghi nhận thêm trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển của các nước, các quốc đảo”, ông Tám khẳng định.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để khắc phục “thẻ vàng” của EC, cần sự tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời cần sự tự giác của ngư dân trong việc thực hiện đánh bắt có trách nhiệm. Cần thực hiện đầy đủ các quy định IUU nhằm chống đánh bắt bất hợp pháp và có xác nhận, chứng nhận, sổ ghi chép, theo dõi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top