Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 9 năm 2018 | 22:39

“Mập mờ” đấu giá quyền sử dụng đất tại Phú Yên

Trong quá trình triển khai dự án: “Khu đô thị mới Nam TP.Tuy Hòa” (từ năm 2009), các cấp chính quyền và ngành chức năng Phú Yên đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến quy trình thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

 

py1.JPG
Một góc mặt bằng của giai đoạn 1 hầu hết là đất của 71 hộ dân.

“Đấu giá sỉ, không đấu giá riêng lẻ”

Chấp hành chủ trương của tỉnh Phú Yên về dự án: “Khu đô thị mới Nam TP.Tuy Hòa”, UBND TP.Tuy Hòa ra Quyết định số 5438/QĐ-UBND, ngày 28/12/2009 “V/v phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thi công công trình: Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP.Tuy Hòa - giai đoạn 1”.

Dự án trên do Ban quản lý (BQL) Kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 394ha. Cuối năm 2016, UBND tỉnh triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án, gần 55ha, gồm các hạng mục của cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư gần 320 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Theo đó, giai đoạn 1 được phân chia thành 458 lô nhà ở, trong đó có 262 lô nhà ở liền kề, còn lại là các lô biệt thự.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã quyết định bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) toàn bộ số lô đất nói trên chỉ trên sơ đồ thiết kế, trong khi dự án chưa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Mặt khác, UBND tỉnh còn chủ trương bán đấu giá là bán sỉ theo từng khu của dự án, không đấu giá từng lô riêng lẻ.

Cuối tháng 4/2017, UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định hỗ trợ người trúng đấu giá 5% trên tổng giá trị mỗi khu đất đưa ra đấu giá. Đáng nói là, khi lấy đất của dân, không ra quyết định thu hồi, không thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư theo Quyết định 0438 ngày 28/12/2009 của UBND TP.Tuy Hòa mà đã vội “mồi chài” kinh doanh bất động sản.

Từ những sai phạm này, dư luận cho rằng: Việc triển khai thực hiện của UBND tỉnh chưa tuân thủ Luật Đấu giá, Luật Đầu tư và Luật nhà ở, tạo điều kiện cho tư nhân đầu cơ, tích trữ quỹ đất. Trong 262 lô đất của khu 1 đưa ra đấu giá, chỉ có hai cá nhân và một doanh nghiệp tham gia.

Ngày 18/4/2017, tỉnh tiếp tục ra quyết định sửa đổi phương án đấu giá, bãi bỏ quy định điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá. Đến ngày 6/6/2017, Phú Yên công nhận kết quả đấu giá QSDĐ của 262 lô đất liền kề cho người trúng đấu giá là bà Ngô Thị Điều (54 tuổi, ngụ 170 Lê Hồng Phong, phường Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, Bình Định), trị giá 162,4 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 1,6 tỷ đồng. Chiếu theo phương án đấu giá, người trúng đấu giá còn được hỗ trợ 5% (tương đương 8 tỷ đồng), do đó 262 lô đất của bà Điều mua còn 154,4 tỷ đồng. Ngay sau khi mua cả khu đất, thông qua “cò” môi giới, bà Điều bán lại với giá 1,1-1,3 tỷ đồng/lô, người mua lại tiếp tục đẩy giá.

Điều này khiến dư luận bức xúc và đề nghị UBND tỉnh Phú Yên lập lại phương án đấu giá QSDĐ của 262 lô, với việc đấu giá từng lô riêng lẻ để người dân được tham gia và đấu giá theo đúng quy định pháp luật, tạo nguồn thu ngân sách đích thực cho nhà nước...

py2.JPG
Nhà của hộ ông Lê văn Lộc được xây dựng từ năm 1996. 

 

Sai phạm về chiếm dụng đất dân

Toàn bộ 394ha đất của dự án: “Khu đô thị mới Nam TP.Tuy Hòa” có gần 38ha của 71 hộ dân (5.400m2/hộ), được UBND huyện Tuy Hòa (nay là TP.Tuy Hòa) giao cho 23 hộ “phát triển chăn nuôi và trồng cây xanh” và 48 hộ “phát triển sản xuất kinh doanh lập nghiệp” vào những năm 1995-1996 với thời hạn 50 năm. Hầu hết diện tích dự án của giai đoạn 1 đều nằm trong đất của 71 hộ này.

Tất cả 71 hộ đều có đủ điều kiện để được: Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất (Điều 77, Luật Đất đai 2013). Tuy nhiên, việc bồi thường, UBND TP.Tuy Hòa và các ngành chức năng tỉnh Phú Yên triển khai không đầy đủ, không đúng trình tự thủ tục theo tinh thần các nghị định của Chính phủ hướng dẫn.

Nhằm khắc phục sai phạm trên, TP.Tuy Hòa và chính quyền tỉnh Phú Yên căn cứ vào Công văn phúc đáp số 1837, ngày 17/10/2017 của Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã phủ nhận toàn bộ Thông báo kết luận số 611/TB-UBND, ngày 13/9/2017 của UBND tỉnh Phú Yên. Và sau Công văn 1837, chính quyền TP.Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên vẫn tiến hành cưỡng chế san ủi mặt bằng vào 3 ngày 24-26/10/2017, không một văn bản ký kết bồi thường theo Điều 77 Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành tại Công văn 1837.

Đại diện cho 23 hộ dân, ông Lê Văn Lộc, bà Đào Thị Khanh có nhiều đơn thư khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền và  ngành chức năng tỉnh Phú Yên đề nghị giải quyết bồi thường theo Công văn 1837. Song chỉ nhận lại được thư xin lỗi về sự chậm trễ và hứa sớm có văn bản giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh.

48 hộ dân “phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp” và 23 hộ dân “phát triển chăn nuôi và trồng cây xanh”, đặc biệt là các hộ chính sách, người có công (như bà Đào Thị Khanh, bà Võ Thị Thanh Vân...) rất mong chính quyền TP.Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên đứng trên quan điểm của Đảng và Nhà nước giải quyết bồi thường về đất tại Công văn số 1837; hỗ trợ bồi thường, tái định cư theo Điều 67, Luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn đất có nhà ở trước ngày 01/7/2004.

 

 

 

 

Phi Công
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top