Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 6 năm 2018 | 16:19

Miền Bắc bội thu vụ Đông Xuân

Sản lượng lúa toàn miền Bắc vụ này ước đạt 7,113 triệu tấn, năng suất ước đạt 63,1 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

lam-thao.jpg

Phú Thọ được mùa

Vào vụ thu hoạch Đông Xuân năm nay, đến khu vực nào trong tỉnh Phú Thọ bà con cũng đều hồ hởi cho biết: Ít có vụ nào lúa tốt, năng suất đạt cao như vụ xuân năm 2018. Quả thật, khắp các xứ đồng, từ đồng cao xuống ruộng trũng, thửa nào lúa cũng nặng bông trĩu hạt. Vụ xuân năm nay tiếp tục được mùa lớn, năng suất đã vượt ngưỡng 60 tạ/ha.

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con nông dân tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân để tránh thiệt hại do giông lốc, mưa bão và làm đất kịp cho gieo cấy vụ mùa. Tổng diện tích lúa gieo cấy lúa chiêm xuân 2017-2018 toàn tỉnh đạt trên 36.500ha, cơ cấu giống theo xu hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa thuần chất lượng cao. Diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo thẳng, làm mạ khay khoảng 20.000ha. Nhìn chung, các địa phương đã bám sát hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ của tỉnh để chỉ đạo lịch gieo cấy, vì vậy đã có sự chuyển biến tích cực trong thực hiện gieo mạ đúng khung lịch thời vụ, trà xuân muộn chiếm 65% diện tích, trà xuân trung chiếm 34% diện tích. Các trà lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt, tương đối sạch sâu bệnh, góp phần làm nên mùa vàng bội thu. 

Bà Nhữ Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Theo đánh giá sơ bộ, vụ Đông Xuân năm nay cho năng suất cao nhất từ trước đến nay. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung cao độ chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân, đưa ra các giải pháp phù hợp ứng phó với điều kiện thời tiết bất thường. Cơ cấu giống đưa vào sản xuất được chọn lọc, tập trung hơn; mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng như J02, HT1, RVT, TBR225. Điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, công tác quản lý giống, thủy lợi và phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột tập trung được triển khai đồng bộ, tình hình sâu bệnh được kiểm soát, lúa được mùa. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích và đang tập trung làm đất, chuẩn bị vụ mùa cho kịp thời vụ. 

Diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô liền vùng từ 10ha trở lên, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh đạt 4.900ha. Một số địa phương đã tích cực triển khai thực hiện dồn đổi ruộng đất gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng. Diện tích gieo cấy lúa liền vùng, cùng trà, cùng giống đạt 5.800ha, tăng trên 3.000ha so với vụ trước. Ở những diện tích lúa này thuận lợi cho đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, có diện tích đạt năng suất từ 63 đến trên 65 tạ/ha. 

Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Thanh Ba có trên 600ha trồng lúa chất lượng cao J02 trên diện tích liền vùng, trong đó xã Lương Lỗ có diện tích lớn nhất với khoảng 200ha. Ông Lê Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Lỗ cho biết: Dồn đổi ruộng đất trên địa bàn xã thành công đã hình thành những thửa ruộng lớn, khắc phục tình trạng manh mún trước kia, giao thông, thủy lợi quy hoạch lại hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho bà con thâm canh và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, nhất là làm đất và thu hoạch. Ước tính vụ này năng suất lúa của xã đạt khoảng 63 tạ/ha.

Tại huyện Hạ Hòa, diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân gần 4.000ha. Năm nay sản xuất vụ xuân trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, vào giữa tháng 5 giông lốc làm gần 400ha lúa trên địa bàn huyện bị đổ. Với diện tích lúa này, huyện đã kịp thời chỉ đạo biện pháp khắc phục, khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch diện tích lúa xuân đã chín từ 80% trở lên; cán bộ trạm khuyến nông hướng dẫn các xã kỹ thuật buộc, dựng lúa với diện tích lúa còn non. Nhờ vậy, thiệt hại được giảm thiểu đến mức thấp nhất, năng suất lúa của huyện ước đạt 60 tạ/ha, sản lượng đạt gần 24.000 tấn. Nhìn chung, năng suất lúa ở các địa phương trong huyện tương đối đồng đều, không có sự chênh lệch lớn. Huyện Hạ Hòa xác định công tác chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, từ chỉ đạo về thời vụ, điều tiết nước đến công tác chăm sóc, bón phân, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, chỉ đạo nông dân phun thuốc kịp thời và thu hoạch nhanh gọn lúa chín. 

Vụ mùa toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 30.000ha lúa, trong đó trà mùa sớm chiếm 40% diện tích, trà mùa trung chiếm 60%. Theo khung lịch thời vụ, trà mùa sớm gieo mạ từ ngày 5-10/6, gieo thẳng từ ngày 10-15/6; trà mùa trung gieo mạ từ ngày 15-20/6, gieo thẳng từ ngày 15-25/6. Để đảm bảo không bị chậm thời vụ, các địa phương thực hiện phương châm gặt lúa chiêm xuân đến đâu cày lật đất ngay đến đấy, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý gốc rạ, tăng cường bón lót vôi, làm đất kỹ nhằm hạn chế tình trạng lúa bị bệnh sinh lý, ngộ độc chất hữu cơ sau cấy.

Thắng lợi vụ lúa xuân là sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, từ công tác chỉ đạo điều hành đến chuẩn bị các điều kiện sản xuất. Vụ lúa chiêm xuân bội thu là tiền đề để bà con sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới. 

Nông dân Yên Bình bội thu lúa Xuân

Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch trên 90% diện tích, năng suất ước đạt 55,4 tạ/ha. 

 

_nong-dan-yen-binh.jpg

Nông dân xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình thu hoạch lúa xuân.

 

Về Yên Bình (Yên Bái) những ngày này, đến các xã: Tân Nguyên, Đại Đồng, Bảo Ái, Hán Đà, Đại Minh, Vũ Linh, Bạch Hà, Cảm Nhân... đâu đâu cũng thấy niềm phấn khởi của nông dân khi vụ lúa Xuân bội thu.

Chị Hoàng Thị Xuân ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân cho biết: "Vụ này gia đình tôi cấy 5 sào, chủ yếu giống lúa lai chất lượng cao. Nhờ thời tiết thuận lợi cùng với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã chủ động về phân bón, nước tưới và thuốc trừ sâu... nên lúa tốt, sản lượng ước đạt trên 1,2 tấn”.

Vụ xuân 2018, xã Cảm Nhân gieo cấy 186 ha, cơ cấu 70% diện tích bằng các giống lúa lai như Nhị ưu 838, Nhị ưu 69, Nghi hương 305 và 30% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa thuần như Hương chiêm, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, nếp 87... Nhờ sự chủ động về giống, phân bón, tích cực phòng, chống sâu bệnh nên lúa xuân sinh trưởng tốt, năng suất lúa đạt gần 300kg/sào.

Đồng chí Lý Ánh Dương - Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân cho biết: "Hiện tại, xã đang tập trung chỉ đạo nông nhân khẩn trương thu hoạch đến đâu làm đất đến đó để chuẩn bị cho vụ mùa”.

Cùng chung niềm vui được mùa, nông dân xã Vĩnh Kiên cũng đang tất bật thu hoạch trên khắp các cánh đồng. Ông Nguyễn Đức Tuấn ở thôn Đồng Lâm cho biết: "Lâu lắm rồi người dân mới lại được vụ lúa chiêm bội thu; bình quân mỗi sào đạt trên 300 kg. Hiện, gia đình đang khẩn trương thu hoạch lúa xuân, triển khai xuống mạ lúa vụ mùa 2018".

Vụ xuân 2018, huyện Yên Bình có kế hoạch gieo cấy 2.143,3 ha, bằng 107,9 % kế hoạch (diện tích lúa dưới cốt hồ Thác Bà 162,8 ha) với cơ cấu giống 70% diện tích bằng các giống lúa lai như Nhị ưu 838, Nhị ưu 69, Nhị ưu 89, Nghi hương 305, Thục hưng số 6, TH3 - 3, Việt lai 20 và 30% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa thuần gồm Hương chiêm, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, J02, ĐS1, KD18, HT1, TBR225, DQ11, nếp 87.

Đồng chí Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: "Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong sản xuất nên vụ xuân 2018 được mùa. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch trên 90% diện tích, năng suất ước đạt 55,4 tạ/ha, bằng 102,3 % kế hoạch; sản lượng ước đạt 11.682,9 tấn, bằng 110,4 % kế hoạch”.

Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng”, hiện tại, huyện Yên Bình chỉ đạo người dân thu hoạch nhanh gọn lúa xuân; gặt đến đâu cày bừa đến đó; chuẩn bị đủ lượng giống trước ngày gieo mạ tối thiểu 5 ngày để xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ. Khẩn trương gieo cấy lúa mùa sớm để kịp làm vụ đông; tăng cường áp dụng biện pháp làm mạ khay để rút ngắn thời gian làm mạ, chủ động nguồn nước tưới tiêu, cấy xong trà lúa mùa sớm trước ngày 25/6 nhằm tiếp tục giành thắng lợi trong vụ mùa năm nay.

Miền Bắc được mùa toàn diện

Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, các tỉnh miền Bắc có tổng diện tích gieo cấy ước đạt 1.126 nghìn ha. Sản lượng lúa toàn miền Bắc vụ này ước đạt 7,113 triệu tấn, năng suất ước đạt 63,1 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

Trong vụ này, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từ sớm. Nhiều tỉnh đã xây dựng kế hoạch liên thông theo chuỗi sản xuất từ vụ Đông Xuân - vụ Mùa và vụ Đông. Nhìn chung, nguồn nước cung cấp cho việc sản xuất vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc thuận lợi cho làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ của các địa phương.

Việc tổ chức lấy nước khoa học, hợp lý và tiết kiệm; sản xuất nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả. Cơ giới hóa áp dụng trong sản xuất lúa được tăng cường, góp phần giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi cơ cấu giống lúa đáp ứng yêu cầu thị trường được các địa phương tuyên truyền và sự hưởng ứng của nông dân tiếp tục mang lại hiệu quả cao cho sản xuất lúa gạo... 

Đến nay các tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế đã cơ bản thu hoạch xong và đang tích cực chuẩn bị đất cho vụ Hè Thu. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang tập trung thu hoạch lúa. Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, lúa đã trỗ, một số diện tích lúa Xuân sớm đã cho thu hoạch, còn lại phần lớn diện tích đang giai đoạn lúa chín sữa - chắc xanh. Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, lúa đã cơ bản trỗ, một số diện tích trà Xuân sớm và Xuân trung đã thu hoạch... 

Vụ Hè Thu, vụ Mùa 2018, toàn miền Bắc dự kiến sẽ gieo cấy 1.296 nghìn ha. Năng suất trung bình dự kiến đạt 49,3 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha so với vụ lúa Hè Thu, vụ Mùa năm 2017. Tiếp tục xác định vụ Đông là vụ sản xuất đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo. Phát triển vụ Đông 2018 theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, các địa phương đã tuân thủ rất nghiêm túc khung thời vụ. Toàn bộ lúa Đông Xuân đã được cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Bà con nông dân đã chọn được bộ giống phù hợp có năng suất, chất lượng, lại chống chịu được sâu bệnh tốt có chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, gói kỹ thuật trong chăm sóc lúa từ bón phân đến dự báo, dự tính và phòng trừ sâu bệnh... 

Chuẩn bị cho vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2018, các tỉnh không được chủ quan với sâu bệnh, mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh và mở rộng hợp lý tỷ lệ diện tích trà lúa Mùa sớm và cực sớm, hạn chế gieo cấy giống nhiễm và nhạy cảm với bệnh bạc lá trên chân đất thấp trũng, vùng thường xuyên bị bạc lá…

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top