Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 7 năm 2018 | 12:15

Miền Bắc chìm trong mưa lũ, thiệt hại nặng

Trong nhiều giờ qua, mưa lớn đã xuất hiện tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội... khiến nhiều nơi ngập sâu trong nước, thiệt hại nặng về người và của.

yen-bai-2.jpg

 

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2

Lượng mưa tại các tỉnh Phú Thọ: Thanh Sơn 53mm, Tân Sơn 94mm. Tỉnh Sơn La: Phù Yên 49mm, Tà Nàng 60mm, Vạn Yên 72mm, Mộc Châu 78mm. Km22 127mm Km46 129mm. Tỉnh Hòa Bình: Đà Bắc 27mm, Lương Sơn 50mm, Ký Sơn 62mm, Lâm Sơn 71mm...

Nhận định trong 1-3 giờ tới, dự báo khu vực tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Phú Thọ tiếp tục có mưa vừa, mưa to từ 20 – 40mm, có nơi 80mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo: Trong 3-6 giờ tới, sạt lở đất và lũ quét có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh trên, đặc biệt lưu ý các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên (Yên Bái), Đà Bắc, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Lâm Sơn, Tân Lạc, Mai Châu, Kim Bôi (Hòa Bình); Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ); Mộc Châu, Phù Yên, Yên Châu (Sơn La).

Yên Bái huy động hơn 17.000 người tìm kiếm cứu nạn, ứng phó mưa lũ

Toàn tỉnh đã huy động trên 17.000 người, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn và di dời dân đến nơi an toàn.

 

mua-lu.jpg

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn bằng mọi cách đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. - Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái, tính đến 7 giờ sáng ngày 21/7, mưa lũ đã làm 29 người chết, mất tích và bị thương; 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, 1.915 ha diện tích nông nghiệp cùng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, viễn thông bị ảnh hưởng. Thiệt hại ban đầu khoảng 200 tỷ đồng.

29 người thương vong gồm: 10 người chết (Văn Chấn 04, Mù Cang Chải 05, Trấn Yên 01), 8 người mất tích (Vãn Chấn 06 người, Vãn Yên 02 người), 11 người bị thương (Vãn Chấn 7 người, Trấn Yên 4 người).

Hiện nay, công tác cứu trợ đang được triển khai tích cực. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn và di dời dân đến nơi an toàn.

Được biết, toàn tỉnh đã huy động trên 17.000 người và tập trung tối đa các phương tiện, thực hiện đồng bộ các biện pháp tìm kiếm người mất tích. Trong đó, tỉnh đã huy động trên 3.000 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ; các huyện, thị xã, thành phổ huy động lực lượng tại chỗ trên 15.000 người; Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã kịp thời cử gần 300 chiến sỹ đến cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Bước đầu, tỉnh đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ 3,0 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 kg gạo/khẩu/tháng (trước mắt trong thời gian 01 tháng) để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Cuối ngày 20/7, các địa phương đã bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống; rà soát, tìm những địa điểm đất nền để dự kiến làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn.

Tính đến 7h sáng  nay (21/7) các địa phương đã tìm được 10 thi thể và cứu hộ kịp thời 7 người bị cô lập tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn về nơi an toàn. Các quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường đến trung tâm xã đã cơ bản được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt. Đảm bảo nơi ở tạm thời cho các hộ dân bị mất nhà, phải di dời.

Mưa lớn, hàng chục ngôi nhà ở Sơn La ngập, sụp đổ, 1 người mất tích

Mưa to trên diện rộng suốt hơn 2 ngày qua gây thiệt hại nặng nề cho một số địa phương của tỉnh Sơn La, đặc biệt là huyện Phù Yên.

son_la.jpg

Tính đến thời điểm 8h sáng 21/7 tại Phù Yên đã có 1 người mất tích, hàng chục ngôi nhà bị ngập, sập đổ, giao thông từ huyện đến nhiều xã, bản bị sụt sạt, hư hỏng, cô lập.

Suốt đêm cho đến rạng sáng 21/7, tại huyện Phù Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Phù Yên là 97mm, Bắc Phong 140mm.

Vào lúc hơn 5h sáng 21/7, tại bản Văn Cơi, xã Mường Cơi đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp toàn bộ 3 ngôi nhà, nhiều người đã chạy thoát trước khi nhà sập, hiện chỉ còn ông Nguyễn Văn Ngọc, 57 tuổi mất tích chưa tìm thấy.

Huyện đang tích cực huy động máy móc và lực lượng đào bới tìm kiếm nạn nhân.

Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Yên trực tiếp có mặt tại hiện trường cho biết: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện đang tập trung cử anh em xuống theo địa bàn phụ trách để cùng với xã để phân công lực lượng xuống rà soát tất cả các bản.

Với các hộ có nguy cơ bị sạt lở cao thì huy động lực lượng tháo dỡ nhà cửa và di chuyển tài sản và đặc biệt là phải bố trí nơi an toàn cho bà con.

Mưa kéo dài liên tục trong hơn 2 ngày qua tại Phù Yên cũng đã làm hàng chục ngôi nhà bị ngập, sạt lở, nhiều ngôi nhà phải di dời khẩn cấp, nhiều héc ta ruộng của bà con vừa gieo cấy bị ngập nặng và vùi lấp.

Công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ tại địa phương này đang gặp trở ngại rất lớn do đường đến các xã, bản bị sụt sạt hư hỏng nặng, nhiều nơi cô lập chưa thể tiếp cận được, trong khi đó tại huyện vẫn đang mưa to trên diện rộng.

Lào Cai: Mưa lớn gây thiệt hại ước tính ban đầu gần 300 tỷ đồng

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ ngày 19/7 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa, mưa to kéo dài tại 9/9 huyện, thành phố. Mưa kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại về nhà ở, hoa màu và  hạ tầng tại các huyện Văn Bàn và Bảo Thắng.

lao-cai.jpg

Mưa lớn kéo dài nên nước tại các con suối lên cao khiến 58 nhà dân bị ảnh hưởng. Trong đó, huyện Văn Bàn có 46 ngôi nhà bị ảnh hưởng (Liêm Phú 5 nhà; Nậm Tha 13 nhà; Sơn Thủy 6 nhà; Võ Lao 20 nhà; Văn Sơn 4 nhà); huyện Bảo Thắng có 6 nhà dân ở xã Phú Nhuận bị ảnh hưởng.

Nước lũ cũng cuốn trôi trên 0,5ha ao cá; làm ngập 363,5 ha lúa, ngô và hoa màu tại 2 huyện Văn Bàn và Bảo Thắng (Văn Bàn 333,5 ha; Bảo Thắng 30 ha); cuốn trôi 1 con trâu  (xã Dương Quỳ).

Mưa lớn kèm theo dông lốc cũng đã gây thiệt hại cho các công trình công cộng ở huyện Vă Bàn: Trường Tiểu học số 2 và Mầm non số 2 Nậm Xây bị đất đá sụt sạt hư hỏng 2 phòng học;  cầu treo Khe Coóc, xã Nậm Tha bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; đường bê tông liên thôn Chiềng 1 - Chiềng 3, xã Chiềng Ken bị sạt lề khoảng 100m; 4 công trình đập đầu mối thủy lợi tại xã Liêm Phú bị đất đá vùi lấp, khối lượng khoảng 250m3; công trình cấp nước sinh hoạt Nà Đoong, xã Nậm Xây bị lũ cuốn gây hư hỏng. Tại xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng), bị sạt ta luy âm tuyến đường giao thông ước khối lượng 200 m3. Ngoài ra, đợt mưa dông này cũng khiến 35 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 2 cột đường dây hạ thế bị đổ.

Theo thông tin mới nhất vào chiều 20/7, sau mưa lớn, cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Xây, thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Xây bị ảnh hưởng, ước thiệt hại ban đầu khoảng 20 tỷ đồng và cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Tha, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Tính đến 16 giờ ngày 20/7, thiệt hại do mưa lớn gây ra ước khoảng gần 300 tỷ đồng.

TP. Hòa Bình nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Hòa Bình, do mưa lớn kéo dài và xả lũ sông Đà từ ngày 14 – 20/7, nhiều phường, xã trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân.

 

hoa-binh.jpg

Tuy không xảy ra thiệt hại về người nhưng đã thiệt hại về tài sản, hoa màu. Tính đến ngày 19/7, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình đã chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở chủ động giúp di dời, yêu cầu di dời trên 100 hộ dân trong vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong đó, riêng phường Chăm Mát đã di dời được 20/26 hộ tại tổ 4, 5. Xã Hòa Bình di dời 28 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Xã Sủ Ngòi có 12 hộ nằm trong vùng nguy hiểm có thể phải di dời. Tại tổ 4, phường Thái Bình đã tổ chức di dời 17/19 hộ. Phường Đồng Tiến yêu cầu di dân tổ 25, 26 khoảng 21/23 hộ bằng biện pháp cắt điện, nước…

Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn thành phố có gần 30 ha lúa, hoa màu bị ngập. Trên địa bàn phường Tân Hòa do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ làm thiệt hại khoảng 23 tấn cá (trong đó có 22 tấn cá Tầm, 1 tấn cá khác); phường Phương Lâm bị ngập 45 ha ao thủy sản, thiệt hại ước tính trên 10 tấn cá.

Bên cạnh đó, một số trục đường trên địa bàn đã bị ngập tràn và bồi lắng nhiều vùng đất. Đất, đá cũng vùi lấp với khối lượng lớn lòng suối Cang khu vực tổ 23, 24, phường Đồng Tiến. Đặc biệt, trên địa bàn xã Hòa Bình, do mưa, lũ lớn làm sạt lở đất đồi tràn qua đường 433m, sạt lở đất, đá của Sân thể thao cánh đồng Ráng, xóm Máy 1 với khối lượng lớn vùi lấp hoàn toàn khoảng 800 m2 ruộng lúa đã cấy; sạt lở đường cứu hộ xóm Cang 3, Cang 2, Cang 1 khoảng 20 mét. Xã đã đề xuất Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cấp hỗ trợ 150 rọ thép. Tại xã Sủ Ngòi, mưa lũ làm sạt lở cống liên xã thuộc xóm 6, sạt lợ một số tuyến đường bê tông xóm 1 với chiều dài 10 mét, xóm 5 và xóm 7 với chiều dài 15 mét; ngập úng cục bộ đường giao thông 13 xóm trên địa bàn xã, tổ 8 có 34 hộ bị ngập úng, làm hư hỏng 3 tủ gỗ, 6 tủ lạnh, 2 máy giặt…

Để chủ động, kịp thời ứng phó với thiên tai, mưa lũ, từ ngày 13 – 19/7 UBND thành phố Hòa Bình ban hành 5 Công điện khẩn chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và UBND các phường, xã triển khai công tác phòng, chống thiên tai và xả lũ hồ Hòa Bình. Chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cơ quan, đơn vị và các phường, xã tổ chức trực ban 24/24h,thường xuyên cập nhật diễn biến mới nhất về thời tiết đảm bảo thông tin hai chiều cho các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã về tình hình mưa lũ để chủ động theo dõi, ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo thành viên Ban chỉ huy PCTT &TKCN thành phố phụ trách địa bàn chủ động đi kiểm tra và bám sát cơ sở được phân công, đặt biệt là các trọng điểm, chủ động chỉ đạo ứng phó, khắc phục những sự cố do mưa lớn gây ra theo phương châm "Bốn tại chỗ”.

Chỉ đạo UBND các phường xã triển khai thực hiện công tác phòng, chống như: Thông báo diễn biến tình hình mưa lũ đến các hộ dân. Chủ động di dời các hộ nằm trong khu vực có khả năng sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cắt cử lực lượng trực tại các ngầm, tràn để cánh bảo nguy hiểm, không để các phương tiện đi lại khi có mưa lũ. Cả hệ thống chính trị TP Hòa Bình đang nỗ lực nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phú Thọ: Gần 1.500ha lúa, hoa màu và cây ăn quả đã bị ngập úng

Tại Phú Thọ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa cho biết, đến 21 giờ ngày 20/7, mưa bão đã làm gần 1.500 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả đã bị ngập úng; 282 hộ dân phải di dời do ngập và sạt lở, 744 hộ dọc hai bên sông Thao và các xã có ngòi tiêu lớn có nguy cơ bị ngập, sẵn sàng di dời người và tài sản. 

phu-tho.jpg

 

Nhiều tuyến đê tại các xã Y Sơn, Phụ Khánh, Lệnh Khanh, Đan Thượng, Vụ Cầu, Liên Phương đã bị tràn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa đã nhanh chóng triển khai các phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn lũ gây ra. 

Mưa lớn ở Quảng Ninh, Quốc lộ 18 ngập sâu đến 1,5m

Sáng 21/7, một cán bộ CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, trận mưa lớn từ đêm đến sáng sớm cùng ngày làm Quốc lộ 18, đoạn dưới dốc Đèo Bụt (qua phường Quanh Hanh, TP Cẩm Phả) bị ngập nặng, có đoạn ngập sâu đến 1,5m khiến các phương tiện giao thông không thể đi qua.

Theo Đài Thủy văn tỉnh Quảng Ninh, từ tối 20/7 đến 7 giờ ngày 21/7, lượng mưa đo được ở thành phố Hạ Long là 117mm. 

quang_ninh.jpg

 

Mưa lớn khiến một loạt khu phố, dân cư của các thành phố trên bị ngập lụt như phường Bãi Cháy có đường Hạ Long và tổ 2, khu 8; phường Hà Trung có khu 2, khu 8 bị ngập; phường Hà Tu có khu 4, khu 7, đường Vũ Văn Hiếu; phường Hà Phong có khu 1, khu 5; phường Cao Thắng có khu 5, 7, 9; phường Cao Xanh có khu vực cầu số 3 và khu dân cư Bãi Muối; phường Hà Khánh có khu 2, 4, 5 bị ngập. 

Ở thành phố Cẩm Phả có hai điểm ngập ở khu vực đèo Bụt km15 và Khu 10 đều của phường Quang Hanh. 

Nghiêm trọng nhất là điểm ngập lụt ở khu vực đèo Bụt-km15 Quang Hanh. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả ông Nguyễn Hồng Dương, khu vực ngập lụt này có chỗ sâu từ 1,5m đến 2m, dài khoảng 500m khiến giao thông trên tuyến Quốc lộ 18A, đoạn nối thành phố Hạ Long đi Cẩm Phả bị chia cắt. 

Sáng 21/7, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập chốt chặn tại hai đầu dôc Đèo Bụt thuộc địa phận phường Hà Phong (thành phố Hạ Long) và km14 thuộc phường Quang Hanh (thành phố Hạ Long) để cảnh báo và điều tiết giao thông. 

Các phương tiện muốn lưu thông trên tuyến Hạ Long-Cẩm Phả-Móng Cái phải di chuyển theo hướng vào đường tránh Hạ Long và Quốc lộ 18A (đoạn từ ngã ba đường mới của phường Hà Khẩu đi Hoành Bồ rồi sang Quang Hanh). 

Khu vực đèo Bụt-km15 này lâu nay trở thành điểm ngập lụt thường xuyên của tỉnh Quảng Ninh mỗi khi có mưa lớn, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến Quốc lộ 18. 

Tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần tìm nguyên nhân để khắc phục, song đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả. 

Trước đó, trận mưa lũ lịch sử vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, khu vực đèo Bụt bị ngập lụt trong 5 ngày liên tiếp, khiến giao thông trên Quốc lộ 18A (đoạn Hạ Long-Cẩm Phả) bị chia cắt trong suốt thời gian này.

Hà Nội mưa lớn, nhiều tuyến phố ngập sâu

Trận mưa lớn sáng nay khiến nhiều tuyến phố thủ đô ngập 20-50 cm. Việc tiêu thoát nước bị hạn chế do mực nước các sông dâng cao. 

Đêm qua và sớm nay, Hà Nội có mưa rất to. Ghi nhận của cơ quan khí tượng, lượng mưa trong 12 giờ qua ở các quận Hoàng Mai, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên... đều trên 70 mm. Riêng quận Hà Đông tới 120 mm, Sơn Tây 140 mm, Ba Vì 170 mm.

ha-noi.jpg

 

Mưa dồn dập trong thời gian ngắn khiến hàng loạt tuyến đường ngập sâu. Tuyến đường dài khoảng 4 km từ Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đến Quang Trung (Hà Đông), nhiều chỗ ngập sâu nửa mét. Người đi đường phải nép vào vỉa hè, hoặc dắt xe máy men theo trụ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. 

Nhiều khu vực trũng thấp khác như đầu đường Pháp Vân, đại lộ Thăng Long đoạn qua (Tây Mỗ), đường Quan Nhân (Thanh Xuân), Hoa Bằng, Trần Bình (Cầu Giấy)... ngập từ 20 đến 50 cm. Do là sáng thứ bảy, đa số công chức được nghỉ nên không gây ách tắc nghiêm trọng.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết đã vận hành 5 trạm bơm thông thường và 13 trạm bơm khẩn cấp để tiêu thoát nước ra sông Nhuệ cho khu vực quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, chống ngập cho nội đô. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển thủy lợi sông Đáy cũng vận hành trạm bơm Yên Nghĩa với 14 tổ máy, trạm bơm Khe Tang với 9 tổ máy để tiêu thoát nước.

Tuy nhiên, do mưa liên tục ở miền Bắc, nước từ thượng lưu đổ về nên mực nước các sông Nhuệ, Đáy, Tích, kênh Cầu Ngà dâng cao, khả năng thoát nước tự chảy kém. Công ty Thoát nước Hà Nội phải mở đập Thanh Liệt 30% với một cửa để hỗ trợ hạ mực nước sông Nhuệ, tiêu thoát nước cho nội đô.

"Dự báo mưa tiếp tục trên diện rộng toàn miền Bắc, mực nước các sông Nhuệ, Đáy, Tích tiếp tục lên cao, gây khó khăn cho công tác điều tiết và thoát nước của thủ đô", báo cáo của Công ty Thoát nước nêu.

ha-noi1.jpg

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 13/7 đến nay, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung Bộ, kết hợp với một số vùng xoáy thấp phát triển ở trên khu vực Bắc Bộ, miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa lớn.

Lũ sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Ninh Bình đã lên báo động 3, mức nguy hiểm nhất. Toàn khu vực có 10 người chết, 11 người mất tích, đều ở Yên Bái và Thanh Hóa.

Dự báo, Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn có mưa to trong nhiều ngày tới.

 

Ngày 21/7, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả đáy vào lúc 10 giờ ngày 21/7 và mở thêm 1 cửa xả đáy vào lúc 16 giờ cùng ngày; liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy. Tuỳ theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy.  

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top