Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 10 năm 2018 | 11:26

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn cho lợi nhuận “khủng”

Quảng Trị hiện có trên 3.000ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có gần 600ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Gần đây, cùng với phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, những giải pháp kỹ thuật tiên tiến cũng ngày càng được chú trọng.

tom_qtri.JPG
Đánh giá chất lượng tôm nuôi theo quy trình thâm canh 2 giai đoạn.

 

Hiệu quả cao

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị  triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh với quy mô 0,3ha.

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành chỉ đạo hộ dân xây dựng 1 ao ương giai đoạn tôm còn nhỏ với diện tích 500m2 và 1 ao nuôi chính có diện tích 2.500m2, mật độ ương 700 con/m2, sử dụng giống tôm thẻ P10. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn, tổng giá trị hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thực hiện mô hình, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông  trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho tôm.

Quy trình nuôi tôm hai giai đoạn có ưu điểm là hạn chế tối đa dịch bệnh, đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao. Với quy trình này, giai đoạn 1: ương tôm trước khi thả ra ao nuôi. Ao ương với diện tích nhỏ, môi trường nước ao được kiểm soát chặt chẽ, tránh tác động của thời tiết và các yếu tố bên ngoài, nên tôm ít bị dịch bệnh, phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao; công tác xử lý ao cũng tốn ít chi phí hơn. Giai đoạn 2: tôm sau 30 ngày tuổi sẽ đưa qua ao nuôi, lúc này tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ThS, Phan Văn Phương,  cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Trong quá trình nuôi tôm hai giai đoạn, quan trọng là phải xây dựng và quản lý ao ương. Trong ao ương phải bố trí hệ thống ôxy, sục khí đảm bảo, nguồn điện phải chủ động. Ao ương phải có mái che bằng lưới lan hoặc bằng tôn và được xây dựng cao triều, để khi san tôm chỉ cần rút ống xả, lúc này môi trường nuôi đã cân bằng từ trước nên tôm dễ thích nghi, hạn chế xây xát tôm nuôi”.

Trước đây, anh Lê Văn Hoài, thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái,  áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng một giai đoạn nên rủi ro khá lớn. Sau khi chuyển sang sang quy trình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn, thấy được những hiệu quả thiết thực, anh rất phấn khởi. Anh Hoài cho biết, tuy nuôi theo quy trình hai giai đoạn thì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, song hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Lợi ích thấy rõ là giảm chi phí trong tháng nuôi đầu tiên, vì  quản lý được nguồn nước, thức ăn, và các chi phí khác... Nuôi tôm khoảng 90 ngày là thu hoạch, năng suất, sản lượng đều cao, giảm thiểu rủi ro và chi phí. Trong quá trình nuôi, mô hình sử dụng men vi sinh, không dùng hóa chất và kháng sinh để quản lý các yếu tố môi trường, nên chất lượng tôm nuôi đảm bảo. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi theo quy trình này”, anh Hoài nói.

Nuôi tôm chân trắng thâm canh hai giai đoạn là mô hình đầu tư khép kín. Nhờ áp dụng công nghệ vi sinh nên có thể nuôi tôm với mật độ dày hơn, quản lý  được thức ăn và môi trường nuôi. Vì vậy, đã nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi. Kết quả, sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 84%, trọng lượng bình quân 70 con/kg, trừ chi phí, lợi nhuận trên 280 triệu đồng/ha.

Phát triển thủy sản bền vững

Theo ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái: “Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, bước đầu chúng tôi đánh giá đây là mô hình đem lại hiệu quả cao và sẽ đưa vào trong nghị quyết của UBND xã. Đồng thời vận động các hội, đoàn thể tuyên truyền đến nhân dân, để những hộ có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình. Thời gian tới, xã sẽ có chương trình hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện để các hộ nuôi tôm trên địa bàn áp dụng quy trình nuôi mới, qua đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững”.

Trong điều kiện con tôm đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí thì việc áp dụng quy trình mới, thâm canh hai giai đoạn sẽ tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp  hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu.

 

 

 

 

Phan Việt Toàn
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top