Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 1:50

Một giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững khu vực Nam Bộ: Rải vụ để giảm áp lực mùa vụ

Vùng Nam Bộ có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất các loại cây ăn quả đặc sản, tuy nhiên, hiện nay, tiềm năng này chưa được phát huy một cách hiệu quả do sản xuất còn manh mún, theo phong trào, tính liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đẩy mạnh liên kết, tổ chức sản xuất rải vụ để tránh áp lực mùa vụ,... là những giải pháp cơ bản để phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trong khu vực.

Cần áp dụng các kỹ thuật sản xuất rải vụ để giảm áp lực mùa vụ cho các vùng chuyên canh cây ăn trái.

Tiềm năng lớn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện diện tích cây ăn quả toàn vùng Nam Bộ đạt 410.107ha, chiếm 47,5% diện tích cây ăn quả của cả nước; trong đó có 10 loại cây ăn quả đặc sản có giá trị xuất khẩu cao. Các địa phương dẫn đầu về diện tích vườn cây ăn quả là Tiền Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre…

Cùng với cả nước, cây ăn quả của Nam Bộ không ngừng nâng cao về năng suất và chất lượng, mở rộng xuất khẩu ra 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều sản phẩm cây ăn quả đã có mặt tại thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia… Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trái cây chiếm 75%. 

Những năm gần đây, năng suất, sản lượng các loại quả ở Nam Bộ không ngừng tăng nhờ được áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới, đặc biệt là xoài, chôm chôm, dứa, chuối, cam, bưởi. Ngoài ra, chủng loại cây ăn quả của vùng cũng khá phong phú, nhiều loại cây ăn quả được tuyển chọn và nhập nội như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài Thái Lan, xoài Đài Loan, sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6, bưởi da xanh, mít Thái… 

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề: “Giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững khu vực Nam Bộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Bến Tre mới đây, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm cho rằng,  sản xuất cây ăn quả ở Nam Bộ vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, tình trạng sản xuất manh mún còn phổ biến, vườn cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp còn chiếm tỷ lệ cao do việc phát triển sản xuất theo phong trào, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng “trồng - chặt, chặt - trồng ”; việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều; số lượng trái cây được chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít, đã ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng, xuất khẩu. Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập, nhiều cây giống kém chất lượng, không sạch bệnh vẫn được tiêu thụ trên thị trường, công tác quản lý nhà nước về giống cây lâu năm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đến nay, phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch; việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.  Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85-90% tổng sản lượng sản xuất; xuất khẩu mới chiếm 10-15%.

Hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực

Để phát triển diện tích cây ăn quả một cách bền vững, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn gợi ý các tỉnh trong vùng Nam Bộ cần hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực, trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên cơ sở đổi mới phương thức tiếp cận thị trường. Kết hợp ứng dụng nhanh thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện sinh thái mỗi vùng, mỗi địa phương đối với từng loại cây. Quan tâm đến cây ăn quả đặc sản nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh cao ở từng địa phương. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường chính của cây ăn quả Việt Nam (chiếm hơn 60%).

Các địa phương vùng Nam Bộ cần tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chuyển giao công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hoá lớn; hình thành quan hệ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trái cây. 

Cũng theo Cục Trồng trọt, để giảm áp lực của tính thời vụ đối với trái cây, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân trồng cây ăn quả ở Nam Bộ đã thực hiện ngày càng tốt rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp và mang lại hiệu quả rõ rệt. Các tỉnh đã chỉ đạo, điều hành rải vụ thu hoạch một số trái cây chủ lực như xoài, chôm chôm, nhãn, thanh long, sầu riêng trên diện rộng và mang lại hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2016, rải vụ thanh long đạt khoảng 60% diện tích, xoài 20%, sầu riêng 40%, nhãn 43%, mở ra hướng mới trong chỉ đạo, điều hành liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây của cả vùng. 

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn nhận định, việc chỉ đạo điều hành tốt rải vụ thu hoạch là vấn đề hết sức quan trọng, đây cũng chính là yếu tố đóng góp vào thành công của xuất khẩu rau quả những năm qua. Nhiều loại rau quả của Việt Nam đã xuất sang được một số thị trường; trong đó có thị trường Trung Quốc, nơi có trồng những loại cây giống như Việt Nam. Tuy nhiên, trong rải vụ cần quan tâm đến hai vấn đề, trước nhất là làm sao để rải vụ vào mùa nghịch mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Kế đến, nếu như tất cả các vùng đều tập trung rải vụ thì trong mùa nghịch lại xảy ra hiện tượng thừa, mùa thuận lại thiếu trái cây. Điều này cho thấy, vấn đề quy hoạch và liên kết vùng rất quan trọng. 

Cùng với đó, TS. Trần Thị Oanh Yến, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng, chất lượng giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, năng suất, sản lượng trái cây. Do đó, nên nhân giống từ cây đầu dòng để đảm bảo chất lượng và phát triển giống cây ăn quả sạch bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ, về lâu dài, sản xuất rau quả nước ta cần có sự cải thiện tốt hơn nữa về chất lượng sản phẩm, nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, tốt, có quanh năm và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu giải được bài toán này, ngành rau quả sẽ khẳng định được thương hiệu để đứng vững trên thị trường và phát triển bền vững. 

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị, cần thực hiện sản xuất cây ăn quả an toàn theo chuẩn VietGAP, bởi vì hiện nay, Việt Nam đã gia nhập vào nhiều hiệp định thương mại không còn thuế, yêu cầu lớn nhất là sản phẩm an toàn thực phẩm và rõ ràng về truy xuất nguồn gốc. “Nếu không sản xuất cây ăn quả theo chuẩn VietGAP sẽ không có truy xuất được nguồn gốc.

“Để phát triển cây ăn trái, Việt Nam còn thiếu sót rất lớn, đó là công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến mới chỉ có sấy công suất thấp, trong khi nhu cầu chế biến hoa quả xuất khẩu đang rất lớn”, TS. Mai chỉ rõ.

Liên kết, yếu tố sống còn

TS.Trần Văn Khởi nhấn mạnh: “Hiện nay vấn đề liên kết cực kỳ quan trọng, đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Nếu không liên kết thì các mặt hàng nông sản không thể vươn ra thị trường xuất khẩu được. Để liên kết sản xuất hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, tạo ra năng lực quản trị và nội quy đồng thuận cho các hợp tác xã. Chính quyền là trọng tài rất quan trọng để điều khiển các bên, giúp tỉ lệ thành công cao. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai các mô hình khuyến nông canh tác trái cây an toàn theo quy trình VietGAP, khuyến khích nông dân hình thành các tổ hợp tác để việc sản xuất, tiêu thụ trái cây ngày càng bền vững”.

Để đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ trái cây, theo ông Khởi, các địa phương cần vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết hình thành “tổ chức sản xuất của nông dân” có quy mô phù hợp theo nhiều mức độ như: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với “tổ chức sản xuất của nông dân” theo chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ trái cây tươi. Hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo phát triển ngành hàng trái cây bền vững. Phát huy hiệu quả, hiệu lực công tác chỉ đạo điều hành của các Tổ trái rải vụ thu hoạch các cây ăn trái chủ lực đã hình thành, xoài (Đồng Tháp là tổ trưởng), chôm chôm (Bến Tre tổ trưởng), sầu riêng (Tiền Giang tổ trưởng), nhãn (Vĩnh Long tổ trưởng).

Trên cơ sở định hướng quy hoạch của tỉnh, của vùng, tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện đảm bảo phát triển đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, xu hướng tiêu dùng của thị trường; chọn tạo ra giống mới thích ứng với từng vùng, với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây đặc sản, nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top