Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2017 | 1:49

Một số giải pháp cứu “thủ phủ” điều

Đông Nam Bộ được coi là “thủ phủ” của cây điều, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và mang về nguồn ngoại tệ lớn nhờ xuất khẩu.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, diện tích, năng suất điều có xu hướng giảm do sâu bệnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Việc tìm ra giải pháp để vực dậy “thủ phủ” điều là một đòi hỏi cấp bách.

Nhiều diện tích điều của Bình Phước bị sâu bệnh gây hại.

Năng suất giảm, sâu bệnh hoành hành

Theo thống kê, năm 2016, cả nước có 293.101ha điều, tăng 2.613ha so với năm 2015. Bước sang năm 2017, diện tích điều  cả nước tăng lên 301.738ha, riêng vùng Đông Nam Bộ có 283.931,4ha, chiếm 61% tổng diện tích. Mặc dù diện tích có dấu hiệu tăng, song thiên tai, khí hậu cùng với dịch bệnh đã làm cho sản lượng điều liên tục giảm. Năm 2016, năng suất điều chỉ đạt 10,8 tạ/ha, giảm 16,6% so với năm 2015. Nguyên nhân chính là do năm 2015 lượng mưa rất thấp, hạn hán kéo dài đúng vào lúc cây đâm chồi, ra hoa thiếu nước làm giảm năng suất. Vụ điều 2017, năng suất điều bình quân cả nước chỉ đạt 7,55 tạ/ha , giảm 31,36% so với năm 2016. Đông Nam Bộ là “thủ phủ” điều của cả nước lại là nơi năng suất thấp nhất, chỉ 7,4 tạ/ha.

Ông Phạm Văn Hoang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước, cho biết: Bình Phước được ví là “thủ phủ” cây điều với 134.204ha, tương đương 30,3% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu điều của tỉnh năm 2016 đạt 500 triệu USD, chiếm 25% tổng GDP của ngành nông nghiệp tỉnh. Ngành điều đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50.000 lao động tại 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến trong toàn tỉnh. Xác định điều là ngành chiến lược trong phát triển nông nghiệp nên năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển ngành điều bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh có tới 35.463ha điều bị thiệt hại do thời tiết và dịch bệnh, trong đó huyện Bù Đăng thiệt hại nhiều nhất với 18.100ha, chủ yếu là vườn cây thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và dân tộc thiểu số.

Hiện, ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai…, thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; nấm bệnh, dịch bọ xít muỗi, thán thư vẫn đang tấn công cây điều. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước, có 82.893ha điều bị ảnh hưởng, chiếm 61% tổng diện tích điều của tỉnh. Số vườn điều bị hư hỏng phân bố chủ yếu ở các huyện Phú Riềng, Bù Đăng, Bình Long, Bù Gia Mập, Phước Long.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai có 34.448,8ha điều bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Trong đó, có 19.646,7ha bị giảm 70% năng suất; gần 12.400 ha bị giảm 31 - 70% năng suất. Đáng chú ý, năm 2017, Lâm Đồng đã phải công bố tình trạng dịch bệnh trên cây điều khi tỉnh này có gần 30.000ha  bị nhiễm bọ xít, nấm bệnh. Mức độ nấm, bệnh nặng nhất ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Trong đó Đạ Tẻh có 100% tổng diện tích điều bị nhiễm bệnh. Ước sản lượng điều của Lâm Đồng niên vụ 2017 - 2018 sẽ giảm 90%.

Vấn đề đáng lo ngại là, mặc dù điều được coi là cây trồng trọng điểm ở các tỉnh Đông Nam Bộ, song đến nay bà con vẫn chưa có giải pháp để canh tác điều bền vững. Phần lớn cây điều ở đây đều trên 15 năm tuổi, đã già cỗi.

Áp dụng các giải pháp đồng bộ

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp khôi phục và cải tạo vườn điều” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Bình Phước mới đây, nhiều ý kiến chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến năng suất điều giảm là do  đa phần diện tích điều hiện nay được trồng trên những vùng đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, đồi dốc cao, xa khu dân cư. Có hơn 75% diện tích điều trên 15 tuổi, trong đó hơn 30% số cây trên 25 tuổi nên già cỗi, hay bị sâu bệnh, tái sinh kém. Bên cạnh đó, người dân quan niệm điều là cây dễ tính, ít phải chăm sóc, trồng quảng canh. Do vậy dẫn đến tình trạng năng suất điều ngày càng thấp, chất lượng điều giảm làm giảm thu nhập của người dân, không có khả năng đầu tư thâm canh.

Để khắc phục tình trạng này, theo TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà con nông dân cần áp dụng các giải pháp đồng bộ để khôi phục và cải tạo vườn điều. Đối với vườn điều đang phục hồi sinh trưởng bình thường, cần tỉa bớt những cành trong tán, vô hiệu để tập trung cho chồi khỏe sẽ cho hoa trong tháng 12, theo dõi sát tình hình sâu bệnh hại để phòng trừ và chăm sóc điều theo quy trình kỹ thuật của Bộ đã ban hành.

Đối với vườn điều phục hồi kém, ra ít chồi và có khả năng giảm năng suất năm tới, kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ chồi đã ra, bón phân ngay đợt 2 và kết hợp phun thuốc kích thích sinh trưởng, bón phân lá tạo điều kiện cho cây mọc thêm chồi mới.

Đối với điều ít có khả năng phục hồi, hiện cây khô cành, cháy lá, không hoặc rất ít ra chồi non, cần đốn thưa, đốn đau (trên 30% số cành/cây) để tập trung dinh dưỡng, ánh sáng cho cành còn lại, tạo tán mới cho cây; tăng cường bón phân, bón lần cuối cùng để thúc cành phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho chồi mới. Trường hợp cây không thể phục hồi được cần có kế hoạch trồng tái canh bằng các giống điều mới đã được khuyến cáo, mua cây giống có nguồn gốc, cơ sở cung cấp giống đáng tin cậy, trồng mật độ dày để nhanh thu hoạch và sẽ tỉa thưa sau 7-8 năm tuổi.

TS.Trần Văn Khởi cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Bình Phước và Lâm Đồng tiếp tục giải đáp, tư vấn kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc vườn điều. Đề xuất địa phương tăng nguồn lực để mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho nhà vườn, đặc biệt là xử lý sâu bệnh hại và sử dụng phân bón cho điều. 

Một số biện pháp thâm canh

Tại diễn đàn, cán bộ khuyến nông đã khuyến cáo nông dân các biện pháp thâm canh, tái canh và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh sẽ giúp cho năng suất điều tăng, hiệu quả sử dụng đất tăng 24 - 63%. Việc thâm canh cũng giúp cho vườn cây thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của mưa trái mùa. Trước mắt, nông dân nên cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, dọn vệ sinh vườn và cây. Sau khi tỉa cành sẽ bón phân giàu đạm, kali. Đặc biệt, không nên xịt thuốc trị cỏ vì làm ô nhiễm môi trường, rửa trôi; nên phát cỏ, ủ cỏ làm phân hữu cơ bón cho cây điều.

Bón phân, phòng trừ sâu bệnh trước khi mùa mưa chấm dứt vào tháng 10. Phun phân bón vào rễ, đảm bảo cho bộ rễ khỏe mạnh cũng là việc cần làm ngay để rễ có thể cung cấp chất dinh dưỡng nuôi cây, đón trái... Việc bón phân diễn ra trong điều kiện đất ẩm là tốt nhất. Cuối mùa mưa nên ưu tiên bón phân kali cho cây điều. Nếu các vườn chưa bón đủ lượng phân nên bón đều công thức đạm, lân, kali. Việc bón lá, chất điều hòa sinh trưởng sẽ thực hiện khi lá bắt đầu xanh. Vườn nào chất lượng lá kém, bộ lá tốt nên bổ sung phân bón lá cho điều. Sau đó kích thích ra hoa, giảm rụng trái... Nếu lạm dụng phân lân, đất sẽ thiếu kẽm, khả năng sâu bệnh càng cao, ảnh hưởng đến sản lượng. Với khí hậu, độ dốc của địa hình Bình Phước nên bón phân có chứa các chất chống rửa trôi, thất thoát đạm và lân.

Theo các cán bộ khuyến nông, sâu đục thân rất khó trị, vì vậy áp dụng các biện pháp phòng là chính. Loại sâu này thường xuất hiện từ tháng 3-5. Đây là thời điểm xén tóc đẻ trứng, tác nhân của sâu đục thân, nhà nông nên dùng vôi quét lên thân cây điều khoảng 2m. Nếu thấy xén tóc đã đục vào thân, phải dùng dao đục, bắt sâu hoặc nhét thuốc vào thân để tiêu diệt loại sâu này.

Ông Đặng Văn Tự, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cây điều, cho biết, ngoài thị trường hiện nay tràn lan giống cây. Người dân cần lựa chọn những giống có nguồn gốc chứng nhận, đồng thời cần tăng giám sát giống tại địa phương. Trước khi trị bệnh cho cây cần xem kỹ lưỡng các loại thuốc, đọc kỹ hướng dẫn liều lượng phun, thời gian phun, tham khảo tư vấn tại các trạm khuyến nông, điểm tư vấn nông nghiệp để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả. Đối với diện tích điều không có biểu hiện phục hồi thì nên đốn thưa cây, cắt bớt 30% số cành; khi cây ra chồi cần kiểm tra thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh.

Khánh Nguyên

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top