Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 3 năm 2018 | 11:31

Mỹ áp thuế mới cho cá tra VN: Vô lý và không công bằng

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015- 31/7/2016.

mức-thuế-chống-bán-phá-giá-cao-nhất-mà-mỹ-áp-cho-cá-tra-việt-nam-là-774-usd-một-kg.jpg
Mức thuế chống bán phá giá cao nhất mà Mỹ áp cho cá tra Việt Nam là 7,74 USD/kg.

Với mức thuế chống bán phá giá cao “ngất ngưởng,” các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cho rằng, “con đường” vào Mỹ của cá tra Việt ngày càng khó khăn. 

Các doanh nghiệp “kêu trời”

Theo quyết định cuối cùng này của Mỹ, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này, mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9/2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưởng đối với hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.

Mức thuế 7,74 USD/kg cao gấp 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Godaco, cho rằng, với mức thuế cao này thì coi như cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế gần 4 USD/kg là bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mức thuế gần 8 USD/kg cao gấp đôi giá xuất khẩu thì DN xuất khẩu ôm lỗ. Hiện tại, công ty ông đã khai thác sang các thị trường khác như châu Âu, Trung Quốc…

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, trải qua 13 kỳ xem xét hành chính thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ vừa qua.

VASEP cho rằng, kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ.

“VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này”, ông Hòe nói. 

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và công bằng cho tất cả các bên liên quan. 

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex, cho rằng, với mức thuế 3,87 USD/kg như phía DOC vừa công bố thì các công ty của Việt Nam phải bán với giá rất cao, khoảng 7,8-8 USD/kg mới đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, với mức giá này, chắc chắn người Mỹ sẽ không mua, bởi các loại cá nội địa của Mỹ hiện chỉ có giá hơn 4 USD/kg. Do vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng xuất khẩu sang Mỹ và tìm đường xuất sang các thị trường khác tiềm năng hơn. 

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành, một trong những doanh nghiệp chịu mức thuế khá cao trong POR13 lần này cũng cho biết: Với mức thuế chống bán phá giá quá cao như hiện nay, công ty này không có ý định xuất khẩu sang Mỹ nữa và ngay cả khi DOC có áp dụng mức thuế chống bán phá giá khoảng 1 USD/kg thì doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cũng chịu thua lỗ chứ huống gì với mức giá cao ngất ngưởng như vừa công bố. 

Theo ông Tính, các thị trường xuất khẩu khác của cá tra Việt Nam như EU, Nhật Bản… hiện cũng có giá bán tốt chứ không chỉ riêng ở thị trường Mỹ. Trong khi đó, tình hình nguyên liệu cá tra trong nước lại đang khan hiếm, chi phí sản xuất tăng. Do vậy, với tình hình này, sản phẩm chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ở những thị trường xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp mà không cần “vất vả” ở thị trường Mỹ. 

Thực tế cho thấy, với những rào cản từ thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn từ phía Mỹ đã khiến xuất khẩu cá tra sụt giảm liên tục ở thị trường này. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã sụt giảm 11% so với năm trước đó. 

Tuy vậy, trong năm 2017, xuất khẩu toàn ngành cá tra vẫn tăng trưởng 4,3% so với năm 2016, đạt 1,78 tỷ USD, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Càng khó khăn càng phải cố gắng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 vượt 8 tỷ USD, trong đó cá tra đạt 1,78 tỷ USD, vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, đối với thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, đó là thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn, khiến xuất khẩu qua thị trường này giảm sút khá lớn.

“Năm 2017 là năm Mỹ chính thức thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill) áp dụng đối với các sản phẩm cá da trơn”, ông Vũ Văn Tám cho hay.

Cụ thể, từ ngày 2/8/2017, toàn bộ lô hàng cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu sự kiểm soát của Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm. Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho công tác đánh giá tương đương cũng như tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi. Ngày 28/2/2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có văn bản chính thức về kết quả đánh giá dựa trên văn bản pháp lý, tài liệu có liên quan mà phía Việt Nam cung cấp.

Theo đó, những quy định của Việt Nam là tương đương với quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng tại Mỹ. Phía Mỹ sẽ tổ chức đoàn qua Việt Nam đánh giá thực tế thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, đây thực sự là “cuộc chiến” của cá tra Việt Nam. Mục tiêu năm 2018 của Việt Nam xuất khẩu cá tra đạt 2 - 2,2 tỷ USD là một kỳ vọng lớn, nhưng không đơn giản mà là bài toán nan giải, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất cao. 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương mại - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ: “Về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế, Việt Nam hoàn toàn có thể có những giải pháp, biện pháp để đề nghị phía Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại một cách thỏa đáng quyết định về mức thuế này”.

Trên thực tế, từ khi phía Mỹ ban hành kết quả áp thuế cuối cùng của đợt rà soát lần thứ 9, Việt Nam cũng đã đề nghị phải xem xét lại, khi phía Bộ Thương mại Mỹ không thể xem xét lại một cách thỏa đáng, Việt Nam có thể khởi kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (USCIT).

Kể cả trong trường hợp phán quyết cuối cùng của tòa án (thường kéo dài 3-4 năm), mà vẫn không thỏa đáng, Việt Nam thậm chí có thể khởi kiện lên đến Tòa án Thương mại liên bang”.

Thời gian tới, phía Mỹ dự kiến tiếp tục áp dụng các quy định mới, trong đó có các quy định về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, sẽ yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cung cấp nhiều thông tin từ địa bàn đánh bắt, phương tiện đánh bắt cho đến quá trình đánh bắt, bảo quản, vận chuyển, xử lý và phân phối các sản phẩm trong đó có thủy sản của Việt Nam.

Để áp ứng được yêu cầu đó, các doanh nghiệp phải có sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cơ quan hiệp hội và kể cả các cơ quan địa phương để có thể đảm bảo được, lưu trữ được, hệ thống hóa được các thông tin đó và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan liên quan của Mỹ khi cần thiết.

Việc làm này không chỉ cần thiết khi phía Mỹ rà soát, xem xét mà ngay cả như trong trường hợp khi Việt Nam muốn yêu cầu họ xem xét lại, hay nói cách khác là chúng ta khiếu nại lại, thì cũng cần phải có các thông tin hết sức xác đáng, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu của phía Mỹ, lúc đó chúng ta mới có cơ sở để khẳng định rằng chúng ta đúng và bảo vệ được quyền lợi của mình.

Trong quá trình này, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, của các hiệp hội liên quan, trong đó có VASEP cũng như các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, vai trò của các cơ quan truyền thông cũng hết sức quan trọng, không chỉ là giúp các doanh nghiệp nắm rõ được yêu cầu của thị trường và hỗ trợ họ trong quá trình giới thiệu, quảng bá về quy tình đánh bắt và chế biến thủy hải sản một cách hết sức hợp quy định, khoa học, đảm bảo an toàn và phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

 

 

 

Danh Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top