Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2017 | 8:2

Mỹ phẩm Deaura: ​Thủ đoạn cũ, con nợ mới

KTNT - Bằng “thủ đoạn” mời khách hàng đến trải nghiệm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, Deaura có dấu hiệu “ép” khách hàng mua sản phẩm chăm sóc da của mình. Để rồi, những khách hàng này ôm khoản nợ với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhiều khách hàng sau đó đến báo Kinh tế nông thôn phản ánh.

>> Khách hàng của Deaura: Cẩn thận không thành con nợ của VPBank

Bà Trần Thịnh Đức  bức xúc cung cấp thông tin cho phóng viên.

Trong đơn gửi Báo Kinh tế nông thôn, chị Trần Thịnh Đức (số 67, tổ 14 phố Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, ngày 24/8/2017, chị nhận được một cuộc điện thoại của nhân viên tư vấn có tên là Vân, từ Trung tâm Spa Deaura tại 89 Nguyễn Đinh Thi – Hà Nội.

Theo lời nhân viên tư vấn, Trung tâm có số điện thoại của chị Đức thông qua một người bạn của chị đến Trung tâm thực hiện trải nghiệm chăm sóc da mặt miễn phí. Được hẹn lúc 18 giờ ngày 25/8/2017, chị Đức đến địa chỉ 89 Nguyễn Đình Thi. Trong quá trình trải nghiệm chăm sóc da, chị được 2 nhân viên của Trung tâm tên là Ánh và Huyền tư vấn. Nhân viên tên Huyền giới thiệu với chị bộ sản phẩm 01 set dưỡng da (10 loại) có giá 43 triệu đồng; 01 máy Biolong để chăm sóc da tại nhà có giá 15 triệu đồng; 12 buổi trị liệu chuyên sâu có giá 18 triệu đồng. Tổng giá trị toàn bộ là 76 triệu đồng, Trung tâm chạy chương trình khuyến mãi nên chỉ còn 43 triệu đồng

Nhân viên tên Huyền còn cho biết thêm, Trung tâm có liên kết với VPBank để cho vay gói tín dụng tiêu dùng, khách hàng mua sản phẩm có thể trả góp với 2 khung thời gian là 18 tháng và 24 tháng. Chị Đức cho biết, mặc dù đã rất cảnh giác với chiêu mời mọc spa miễn phí, nên ngay từ đầu chị Đức chỉ xác định là tham gia để kiểm tra xem thực trạng da của mình, chứ không hề có ý định mua. Tuy nhiên, khi đến đây trải nghiệm, chị đã bị nhân viên của Trung tâm này yêu cầu xuất trình thẻ căn cước và giữ lại với lý do “để đối chiếu thông tin”.

Chỉ đến khi chị Đức ký vào một bản hợp đồng tín dụng, kiêm đơn đề nghị vay vốn, đơn đề nghị phát hành, kiêm cả hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế vào lúc 21 giờ ngày 25/8/2017 thì chị mới lấy lại được thẻ căn cước. Toàn bộ văn bản này đến nay VPBank vẫn chưa trao trả cho chị Đức. Chị chỉ nhận được một văn bản Giấy xác nhận giao dịch của VPBank do bà Phạm Thị Thanh Phương là kiểm soát viên ký.

Điều lạ lùng là, tại phần Hợp đồng tín dụng, bên cho vay và phát hành thẻ là Công ty Tài chính MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPB FC) chứ không phải là VPBank theo như tư vấn của nhân viên Trung tâm Spa Deaura.

Đánh trúng tâm lý của chị em phụ nữ muốn làm đẹp, nhưng lại không mất tiền, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp của Deaura đã đưa ra những chiêu trò khuyến mãi với việc giảm giá trị lên đến 50%, cộng với sự bảo trợ của VPBank khi cho vay gói tín dụng tiêu dùng, nếu khách hàng chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng thì nhân viên của các trung tâm spa còn gọi điện và mời chào đến khi nào khách hàng mua sản phẩm đó mới thôi. 

Không chỉ có chị Trần Thịnh Đức mà  nhiều khách hàng cũng trở thành “nạn nhân” từ trò “lừa đảo” của trung tâm này. Các khách hàng đều được nhân viên tư vấn hẹn đến trải nghiệm vào buổi tối hoặc gần trưa, với lý do là khách quá đông. Nhiều khách hàng sau khi ký vào hợp đồng cầm sản phẩm bước ra khỏi cửa, như chợt bừng tỉnh, họ quay lại ngay và đề nghị được trả lại sản phẩm nhưng đều bị các nhân viên ở đây từ chối với lý do là hàng đã mua không được trả lại.

Theo chị Tống Thị Thương Thương (Hưng Yên), ngay từ lần đầu tiên đến trải nghiệm tại Trung tâm Spa Deaura, số 60 Nguyễn Du, chị đã “buộc” phải ký vào hợp đồng tín dụng, các nhân viên ở đây trong quá trình giới thiệu sản phẩm còn “ép” khi biết ý định của chị không sử dụng sản phẩm này. Còn hợp đồng tín dụng kiêm rất nhiều nội dung khác được in với kích thước chữ rất nhỏ và được ép ký ngay vào khoảng thời gian rất muộn, rất nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm Deaura mà chúng tôi trao đổi đều có chung ý kiến như vậy.

Chị Thương cho biết: “Tôi không tiếc số tiền 43 triệu đồng, nhưng tôi nghi ngờ sản phẩm này và với cách ép buộc khách hàng như vậy tôi muốn báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra và làm rõ những khuất tất ở đây”.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ những uẩn khúc trên.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh nghi vấn Deaura có dấu hiệu trốn thuế trong số báo tới.

Nhóm PV

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top