Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 5 năm 2018 | 15:8

Nam Định thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM: Những cách làm sáng tạo

Sau Hải Hậu, Nam Định vừa có thêm 4 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

anh-1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan thực tế mô hình công viên môi trường xanh của Công ty Tân Thiên Phú (huyện Xuân Trường).

Đạt được kết quả này là nhờ Nam Định đã thực hiện tốt chủ trương: lấy dân làm gốc, lấy thôn xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Nhiều thành tích vượt bậc

Đến nay, Nam Định đã có 5/10 huyện đạt chuẩn NTM, thành quả này là sự hội tụ tinh hoa của ý Đảng, lòng Dân. Đòn bẩy của mọi phong trào là phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, thực hiện và phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về Chương trình MTQG XDNTM, 7 năm qua, hệ thống chính trị ở Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể. 

Theo đó, với phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nhân dân, bám sát các tiêu chí, 7 năm qua, Nam Định đã hoàn thành được nhiều công trình, phần việc cụ thể trong XDNTM. 

Cụ thể, giai đoạn 2011-2017, tổng nguồn vốn huy động XDNTM của tỉnh đạt 16.500 tỷ đồng, trong đó vốn cộng đồng dân cư chiếm 17,6%. Chung sức, đồng lòng XDNTM, những năm qua, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh đã hiến, góp gần 3.000ha đất nông nghiệp (trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng), 206ha đất thổ cư (trị giá hơn 1.000 tỷ đồng) để nâng cấp, làm mới hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi. 

Kết quả rõ nét của XDNTM ở Nam Định là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư nâng cấp, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt với 7.035km đường giao thông và hơn 6.200 cầu, cống được cải tạo, xây mới. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp hơn ba lần so năm 2010. Toàn tỉnh có 679 trang trại, tăng 370 trang trại so với năm 2011; trên địa bàn nông thôn có gần 3.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 90.000 lao động.

Công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường cũng đạt nhiều thành tựu nổi bật. 100% số xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2017 của tỉnh đạt 83,75% dân số; 80% số thôn, xóm đạt danh hiệu thôn, xóm văn hóa. Hệ thống chính trị được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững...

Quá trình XDNTM, nhân dân Nam Định được ghi nhận đã có nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 200/209 xã; 5 huyện (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy) đạt chuẩn xã, huyện NTM. 

Ở  Nghĩa Hưng, sản xuất nông nghiệp, thủy sản có sự tiến bộ vượt bậc, nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, áp dụng vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao có thương hiệu như: Gạo Bắc Thơm 7, cá bống, cá bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Ngọc Lâm… Đến nay, huyện đã xây dựng được 18 cánh đồng lớn với diện tích cả năm đạt 3.400ha; 226 trang trại chăn nuôi; 721 trang trại nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, đã xuất  hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu, chăn nuôi quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hay như ở Trực Ninh, trồng trọt chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ sản lượng sang chất lượng và giá trị. Toàn huyện đã hình thành 23 cánh đồng lớn, sản xuất giống lúa, trồng lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7 và lúa Nếp đặc sản. Sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 30% (năm 2010) lên 80% (năm 2016), giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 75,01 triệu (năm 2010) lên 105,8 triệu đồng (năm 2016). Đến nay,  Trực Ninh đã quy hoạch 20 vùng sản xuất tập trung tại 16 xã với tổng diện tích 395ha, gồm các vùng trồng rau, củ, quả sạch, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp.

Phát triển kinh tế gắn với thế mạnh vùng

Xuân Trường hiện có 4 cụm công nghiệp, 7 làng nghề TTCN với 54 doanh nghiệp và gần 1.600 hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút hơn 7.700 lao động. Qua đó tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017  đạt 39,14 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,71%...

Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề đặt ra là lượng rác thải ngày càng nhiều, gây quá tải cho các bãi chôn lấp dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trước thực trạng trên, huyện Xuân Trường đã khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Tân Thiên Phú xây dựng công viên bãi rác tại thị trấn Xuân Trường. Sau quá trình xử lý, rác được đem chôn lấp và sử dụng mặt bằng bãi rác để trồng cây, lắp đặt các dụng cụ thể thao; tạo thành công viên cây xanh rộng 1,6ha. Với hệ thống xử lý rác khép kín từ khâu thu gom, phân loại, xử lý, tái chế các loại chất thải sinh hoạt, công suất xử lý 20 – 25 tấn rác/ngày. Mô hình này đã giải quyết bài toán về môi trường, tiết kiệm đất đai, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường…

Còn với huyện Giao Thủy, qua trao đổi, ông Mai Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Giao Thủy luôn xác định kinh tế biển là “mũi nhọn” trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 5.241ha, toàn huyện có gần 800 phương tiện khai thác thủy, hải sản các loại. Tổng sản lượng nuôi trồng khai thác thủy, hải sản trong giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt khoảng 40.000 tấn, tăng 1,5 lần so với giai đoạn trước, giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 1.000 tỷ đồng tăng 1,75 lần.

Đánh giá về kết quả XDNTM tại 4 huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thủy, ông Đỗ Hải Điền, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, cho biết: Trong XDNTM, các địa phương của tỉnh đều chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình mang lại giá trị cao. Phát triển kinh tế gắn với thế mạnh của từng địa phương là giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, với 4 huyện mới được công nhận đạt chuẩn, mức thu nhập đều xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm. Cụ thể năm 2017, tại Trực Ninh là 40,73 triệu đồng/người; Giao Thủy 38,52 triệu đồng/người; Nghĩa Hưng 39,8 triệu; Xuân Trường 39,14 triệu.

Phấn đấu đạt tỉnh NTM vào năm 2020

Đạt được mục tiêu đề ra của Nam Định là sự chung sức đồng lòng và nỗ lực cố gắng của toàn thể nhân dân và cán bộ toàn tỉnh. Các địa phương đã tạo thuận lợi để người dân thực sự là chủ thể trong thực hiện Chương trình XDNTM. Nam Định cũng tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.   

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã bày tỏ sự ấn tượng trước những kết quả thực hiện Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Nam Định đạt được. Nam Định hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả thực hiện chương trình này. Theo Phó thủ tướng, XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, thời gian tới, một mặt tỉnh Nam Định cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để những địa phương còn lại sớm đạt chuẩn, sớm hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh Nam Định trở thành tỉnh NTM vào năm 2020. Mặt khác, tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng XDNTM ở những địa phương đã đạt chuẩn, đảm bảo tính bền vững. Trong đó, tỉnh cần tập trung vào 5 trụ cột chính: 

Thứ nhất, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng ngày càng hiện đại, tiện ích, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, việc phát triển hạ tầng phải gắn với quá trình đô thị hóa. 

Thứ hai, tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn để nâng cao đời sống của người dân. Việc này phải gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đi liền với đó là tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất...

Thứ ba, tỉnh phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp.

Thứ tư, tỉnh phải chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn, theo hướng củng cố “tình làng nghĩa xóm”, giữ gìn những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh nông thôn...

Thứ năm, tỉnh cần tiếp tục tăng cường, củng cố sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đi liền với đó là phát huy hiệu quả, hiệu lực của Quy chế dân chủ ở cơ sở; khơi dậy, phát huy sự năng động, sáng tạo của mỗi cán bộ và mọi người dân...

 

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top