Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 4 năm 2018 | 14:56

Nam Trực: Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc

Thời gian qua, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được huyện Nam Trực (Nam Định) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát triển nông thôn theo hướng bền vững.

tram-y-te.JPG
Trạm Y tế xã Bình Minh được đầu tư xây dựng khang trang.

 

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có 16/20 xã, thị trấn về đích; còn 3 xã Điền Xá, Tân Thịnh, Nghĩa An và thị trấn Nam Giang phấn đấu về đích trong năm 2018.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Đến nay, Nam Trực đã huy động được hơn 1.274.296 triệu đồng đầu tư XDNTM. Không chỉ bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều thay đổi đáng kể mà đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được nâng lên. Điều đáng mừng là, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong XDNTM.

Xác định XDNTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, các đơn vị trên địa bàn huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin để quán triệt thông suốt và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho mọi đối tượng về chủ trương XDNTM của huyện cũng như của tỉnh. Đối với người dân ở các khu dân cư, khu vực nông thôn, huyện xác định tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò chủ thể của chính họ trong XDNTM và chính người dân được hưởng thụ thành quả của quá trình XDNTM, qua đó tích cực hưởng ứng, cùng đóng góp, tham gia thực hiện.

Những ngày này về với Nam Hoa, xã về đích NTM năm 2015, khắp nơi trên cánh đồng sản xuất khoai tây, lạc…, đâu đâu cũng thấy không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp của bà con nông dân. Với lợi thế vùng đồng màu và có truyền thống thâm canh, từ nhiều năm nay, vụ đông trở thành vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại thu nhập cao cho bà con nơi đây.

Ông Triệu Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Nam Hoa, cho biết: Sau dồn điền đổi thửa, xã tập trung chỉ đạo bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa, cây vụ đông kém hiệu quả sang mô hình canh tác khác có hiệu quả cao hơn. Xã từng bước hình thành mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ nông sản như cây khoai tây, cây lạc, giúp người nông dân duy trì, phát triển vụ đông bền vững, tránh tình trạng được mùa - mất giá…

Hay như xã Bình Minh, địa phương mới về đích NTM năm 2017, Chủ tịch UBND xã  Nguyễn Văn Liêm chia sẻ: Xã bắt đầu triển khai XDNTM từ năm 2012. Mặc dù nguồn lực của xã còn nhiều khó khăn nhưng sau 5 năm, Bình Minh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cụ thể như: cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của người dân tăng 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,3% (năm 2010) xuống còn 1,51% (năm 2017); 100% số hộ  sử dụng nước sạch, 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; toàn xã có 14/17 thôn xóm đạt thôn xóm văn hóa; Đảng bộ thường xuyên giữ vững danh hiệu trong sạch - vững mạnh. Đáng chú ý là, xã đã thực hiện việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM 1874 hộ/3104 hộ (60,37%) đánh giá cao kết quả của chương trình.

Còn với xã Tân Thịnh, một trong 4 đơn vị chưa về đích NTM của huyện, trao đổi về thuận lợi, khó khăn, ông Trần Ngọc Hợp, Bí thư Đảng ủy xã, tâm sự: Các phong trào làm đường giao thông thôn, xóm, trường học, nhà văn hóa, môi trường hiện đã được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp được duy trì và có bước phát triển, xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn ở 2 HTX nông nghiệp (HTX Nam Tân, HTX Nam Thịnh), nhiều công trình xây dựng cơ bản được đưa vào sử dụng như chợ nông thôn, trạm y tế, nghĩa trang liệt sỹ, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa thôn xóm…

 

ccham-hoa.JPG
Cánh đồng mẫu lớn với hệ thống thủy lợi được cứng hóa.

 

“Tuy nhiên,  Tân Thịnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng XDNTM; nhận thức của cán bộ và người dân chưa đầy đủ về XDNTM. Tư tưởng còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên (nhất là giai đoạn 2011 - 2015), chưa tự giác đóng góp kinh phí, chung sức XDNTM. Nguồn thu của xã thấp hoặc tận thu không hết, ít có các chương trình dự án. Xã mong được sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành để Tân Thịnh hoàn thiện nốt 3 tiêu chí còn lại là trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm. Tân Thịnh phấn đấu đến tháng 6/2018  hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM,” Bí thư Trần Ngọc Hợp cho hay.

Những điển hình sáng tạo

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn huyện Nam Trực, những điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện và huy động nguồn lực XDNTM của các tập thể như xóm Thị 8,9 - thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, do làm tốt công tác quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về XDNTM, công tác tuyên truyền vận động, phát huy Quy chế dân chủ cơ sở nên đã huy động được người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thôn xóm. Điển hình có hộ đã hiến 40-50m2 đất thổ cư để mở đường, mỗi khẩu góp 20m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông nội đồng, huy động đóng 1 triệu đồng/khẩu để làm đường giao thông. Kết quả sau 4 năm, toàn bộ đường xóm đã được “cứng hóa” với tổng chiều dài 1,3km (nền 5m, mặt 3 - 4m), có rãnh thoát nước hai bên với kinh phí 1,5 tỷ đồng; “cứng hóa” 650m đường trục chính nội đồng với kinh phí 600 triệu đồng. Ngoài phần đóng góp của  người dân, xã đã huy động con em quê hương xa quê hỗ trợ 380 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi.

Hay như ông Phạm Ngọc Sang, xóm 9, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (là người công giáo, thương binh loại 2/4) đã tự tháo gỡ 1 phần nhà để mở rộng góc  đường trục thôn Báo Đáp, tích cực tham gia vào ban làm đường của thôn, vận động con cháu và gia đình đóng góp hỗ trợ làm các công trình phúc lợi của địa phương với số tiền 30 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phúc Thịnh (TP.Nam Định) là con em quê hương thôn Báo Đáp đã đầu tư xây dựng 1 cầu qua đường trục thôn Báo Đáp với kinh phí 1 tỷ đồng; ông Lê Thuần Phong, quê xã Hồng Quang, đang sinh sống tại Hà Nội, tài trợ toàn bộ kinh phí để làm 1 tuyến đường thôn Thị, chiều dài 800m (nền 4m, mặt 3m) với kinh phí 800 triệu đồng, xây mới đài liệt sỹ, nâng cấp 2 nhà bia, lát gạch sân nghĩa trang liệt sỹ Nam Chấn với kinh phí 700 triệu đồng và kêu gọi con cháu Hà Nội xây nâng cấp phần mộ liệt sĩ với kinh phí 50 triệu đồng.

Có thể khẳng định, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ huyện đến cơ sở, đặc biệt sự đồng thuận cao của người dân, sau gần 7 năm triển khai XDNTM, bộ mặt nông thôn của huyện Nam Trực đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cái “được” lớn nhất chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng lên đáng kể, những vùng quê vốn nghèo nay đã khởi sắc và ngày càng phát triển theo hướng giàu hơn, đẹp hơn.

 

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top