Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 9 năm 2018 | 13:38

Nạn đường lậu công khai, thách thức các cơ quan chức năng

Một niên vụ mía đường “đắng” nữa lại tái diễn khi nguồn cung dồi dào, lượng đường tồn kho còn lớn thì giá đường liên tiếp hạ. Điều đáng nói, nạn đường lậu vẫn được mua bán công khai, thách thức dư luận và các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, giá đường thế giới cũng rẻ kỷ lục, trong khi nhu cầu tiêu dùng đường trong nước lại đang giảm khiến các doanh nghiệp mía đường quay cuồng, lao đao.

 

4.jpg

Bắt giữ hàng trăm tấn đường nhập lậu. (Ảnh: Internet)

 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT, niên vụ 2017-2018 các doanh nghiệp chế biến mía đường trong cả nước đã thu mua, sản xuất chế biến được gần 1,5 triệu tấn đường các loại, tăng khoảng 237.000 tấn so thời vụ trước.

Tính đến ngày 15/8/2018, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong cả nước là 622.040 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 67.584 tấn do lượng đường tồn kho vụ trước còn lại, cộng với lượng đường tiêu thụ chậm trong những tháng cuối vụ thu hoạch. Như vậy, cùng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thì năm nay, Việt Nam dư thừa trên 570.000 tấn.

Về giá bán đường, có biến động theo chiều hướng giảm mạnh và hiện đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, giá đường đầu vụ giảm chỉ còn từ 13.500 – 14.500 đồng/kg; giữa vụ 12.000 – 12.500 đồng/kg; cuối vụ chỉ còn 10.500 – 11.500 đồng/kg. So với niên vụ trước, giá đường giảm bình quân từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Đây là mức giảm lớn và sẽ giảm kéo dài do thị trường đường trên thế giới không mấy khả quan.

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp ngành đường vốn khó khăn sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Một số nguyên nhân dẫn đến thị trường đường trong nước giảm giá mạnh được cơ quan này chỉ ra. Đó là nguồn cung trên thế giới hiện đang tăng nhanh so với nhu cầu, dẫn đến giá đường thế giới giảm mạnh. Trong khi đó, lượng đường trong nước sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều.

Bên cạnh đó, nguồn cung các loại đường khác như đường lỏng (HFCS-siro ngô nồng độ fructose cao) hiện đang gia nhập vào thị trường Việt Nam dồi dào. Điều này tạo nên sức cạnh tranh mạnh đối với đường chiết xuất từ cây mía. Ngoài ra, vấn đề quản lý buôn lậu đường chưa thật sự hiệu quả, đường lậu khó kiểm soát, giá rẻ, trong khi giá đường trong nước thiếu cạnh tranh.

Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, tình trạng nhập lậu đường hiện nay vẫn diễn ra công khai, thách thức dư luận và các cơ quan chức năng, nhiều nơi đường lậu đã thế chỗ bán đường trong nước.

Hiện giá đường Thái Lan nhập lậu từ các cửa khẩu biên giới so với thị trường đường nội địa luôn thấp hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Do tiêu thụ chậm nên các công ty đường phải hạ giá bán gần bằng giá đường nhập lậu để đẩy nhanh khâu tiêu thụ, giảm lượng đường tồn kho, tuy nhiên, lượng đường tiêu thụ vẫn chậm, tồn kho cao.

Hành tím rớt giá, nông dân đứng ngồi không yên

Thời điểm này, nông dân ở “thủ phủ” hành tím trồng ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận bắt đầu thu hoạch, nhưng giá thấp hơn 50% so với mùa vụ trước và thương lái không thu mua sản phẩm.

Nông dân ở đây cho biết, mùa thu hoạch vụ nam năm trước, tư thương thu mua hành khô làm giống với giá khoảng 60 nghìn đồng/kg, nay giảm xuống còn 14 nghìn đồng/kg.

Hành tím là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Hải, năm nay, do hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên niên vụ hành năm nay các hộ chỉ xuống giống gần 40ha. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm, nhưng giá ngày càng giảm nhiều, người trồng hành gặp rất nhiều khó khăn. Được biết, không chỉ có cây hành, nhiều loại cây hoa màu khác như ớt, ngò… cũng rớt giá thê thảm.

Lý giải tại sao cây hành tím năm nay rớt giá mạnh như vậy, ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải chỉ ra: Do giá thấp và thương lái địa phương không thu mua, nên các hộ trồng rất vất vả đi tìm nơi tiêu thụ. Thêm nữa, do vài năm gần đây, nông dân ở các tỉnh khác đã chủ động được nguồn giống, nên không mua giống hành ở xã Nhơn Hải để sản xuất như nhiều năm trước.

 “Trước thực tế khó khăn đó, xã đã khuyến cáo các hộ tổ chức lại sản xuất cho hợp lý, trong đó, tập trung vào trồng vụ chính (vụ bấc từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), thu hẹp diện tích sản xuất vụ nam theo nhu cầu của thị trường để gia tăng giá trị kinh tế trên đất sản xuất”, ông Trần Đồng Linh nhấn mạnh.

5.jpg
Hành tím rớt giá, người dân không biết bán cho ai. (Ảnh: MH) 

Gạo Việt trúng hợp đồng tỉ USD xuất sang Philippines

Theo trang Inquirer.net (Philippines), Tập đoàn AgriNurture (ANI) của nước này đã ký một thỏa thuận độc quyền mua 2 triệu tấn gạo của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VinaFood 2) có giá trị gần 1 tỉ USD, bắt đầu từ năm nay.

Tập đoàn ANI đạt được thỏa thuận với Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo nguồn cung ra thị trường và dự trữ quốc gia. ANI và VinaFood sẽ cùng nhau xác định nguồn gốc, nhà cung cấp, thời gian giao hàng và thời gian hàng hóa đến cảng, đóng gói và bốc dỡ hàng. Trong khi đó, Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) sẽ xác định loại hàng hóa cần nhập khẩu, thông số kỹ thuật và số lượng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đây là thông tin tích cực tăng thêm đầu ra cho ngành gạo Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tám tháng đầu năm xuất khẩu gạo 4,4 triệu tấn và giá trị đạt 2,2 tỉ USD, tăng 7% về lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân tăng gần 15% so với năm trước, đạt mức 507 USD/tấn.

 

6.jpg
Vận chuyển gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TL)

 

Thanh long Bình Thuận đột ngột tăng giá nhờ dịp Trung thu

Hiện nay, giá thanh long mua tại vườn ở tỉnh Bình Thuận bất ngờ tăng mạnh. Nông dân trồng thanh long phấn khởi vì có thu nhập cao.

Giá thanh long đột ngột tăng mạnh trong vòng 5 ngày qua, từ khoảng 13.000-14.000 đồng/kg trong tuần trước, nay đã tăng lên gần gấp đôi. Giá mua tại vườn ở thời điểm này là từ 22.000-25.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Theo các thương lái, sở dĩ giá thanh long tăng đột biến là do gần đến tết Trung thu nên thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh.“Thanh long giá thị trường mỗi lúc mỗi khác

“Đây là dịp tết Trung thu, bên Trung Quốc rất chuộng trái cây. Ngoài cửa khẩu họ báo giá cao, nên ở Bình Thuận cũng được giá cao, thương lái cũng mua cao cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Tính, thương lái mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho hay.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 ha thanh long với sản lượng hơn 500.000 tấn/năm. Bên cạnh vụ sản xuất chính vào đầu mùa mưa, nông dân địa phương còn sản xuất nghịch vụ trong thời điểm sau đó bằng phương pháp chong đèn. Cùng với thị trường truyền thống là Trung Quốc, đặc sản thanh long của tỉnh Bình Thuận hiện đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.

 

7.jpg
Nông dân thu hoạch thanh long. (Ảnh: Hồng Anh)

 

Giá hạt tiêu trở lại mốc 50.000 đồng/kg

Sau hơn 1 tháng giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg tại tất cả các vùng trồng tiêu, trong tuần qua, giá hạt tiêu đen đã trở lại mốc 50.000 đồng/kg ở nhiều địa bàn trồng tiêu trọng điểm.

Cụ thể, vào đầu tuần này, giá hạt tiêu ở Đắk Lắk ở mức 50.000 đồng/kg, Đắk Nông 50.000 đồng/kg và Bình Phước cũng 50.000 đồng/kg. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, giá hạt tiêu hiện ở mức 51.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương giá hạt tiêu dưới 50.000 đồng/kg, như Đồng Nai 48.000 đồng/kg, Gia Lai 48.700 đồng/kg.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu đạt 175.472 tấn và kim ngạch 584,181 triệu USD. So với cùng kỳ 2017, lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng 4,9% nhưng kim ngạch lại giảm tới 35,1% do giá hạt tiêu xuất khẩu giảm sâu bởi dư cung trên thị trường thế giới.

8.jpg
Ảnh minh họa./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top