Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:49

Ngành du lịch: Cần hài hòa lợi ích du khách-doanh nghiệp-quốc gia

Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, các chuyên gia cho rằng: Du lịch  được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng, nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng và tính bền vững.

tr3.jpg
Khách nước ngoài tại một homestay ở Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh Hoàng Niềm.

 

Chưa khai thác hiệu quả

Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế. Đến năm 2017, con số là trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ năm 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu của toàn ngành du lịch là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá. Việt Nam hiện chỉ xếp 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia.

Ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khó khăn là làm sao để đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.

Theo ông  John Lindquist, trước tiên, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở nên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu  đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình phù hợp để giúp du khách biết rằng đến du lịch Việt Nam khá dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không, đi lại  thuận tiện...

“Đây là thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua. Visa là điểm yếu cần sớm cải thiện. Nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch thì phải cần đầu tư hơn. Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, có thể thấy, điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định”, ông John Lindquist nhấn mạnh.

Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch. Do đó, theo ông John Lindquist, cần tăng tỷ lệ đầu tư. Du lịch là sản phẩm tiêu dùng cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách. Ngoài nguồn tiền, nhiều nước còn có quỹ phát triển du lịch và quỹ quảng cáo. 

Việt Nam muốn đột phá hơn cho ngành du lịch, cần lưu ý một số điểm như: Nới lỏng chế độ visa cho khách du lịch, tăng cường kết nối giao thông, đầu tư hàng không, xây dựng thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, thay đổi căn bản chi tiêu cho quảng bá, xây dựng thương hiệu và kênh marketing. Tổ chức du lịch phải tách biệt chức năng quản lý nhà nước để xây dựng các mạng lưới văn phòng tại nước ngoài.

 

Ngành du lịch có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia đặt câu hỏi: “Làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu”. Các nước có thể chi hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có “một số ít triệu đôla”, làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả. 

Công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán này. Ngành du lịch có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới. Việt Nam cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành du lịch. 

Ngoài ra, nếu du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ sản xuất kinh doanh tại vùng đó, sản xuất ra sẽ an toàn hơn, xuất khẩu cũng được trợ giúp. Đẩy mạnh homestay, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, quan trọng hơn là, mang thế giới đến ngay tận gia đình người nông dân, nhất là có tác động đến các em nhỏ. Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình này.

 

Cần tái cơ cấu ngành

Những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. 

 

ha-long.jpg
Vịnh Hạ Long được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp tự nhiên với non nước hùng vĩ, đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy bí ẩn và thơ mộng. Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994. Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là Di sản địa chất thế giới vì những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo.

 

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, để triển khai Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục đã triển khai nhiều đề án, đồng thời đặt nhiều mục tiêu phát triển, trong đó tập trung phát triển các vấn đề: Cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực phù hợp với vùng miền, xây dựng hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần cơ cấu lại nguồn lực du lịch, phát huy giá trị tiềm ẩn của Việt Nam. Trong đó, cần chú trọng đến đầu tư, công nghệ, ứng dụng mạnh và phát huy công nghệ thông tin và truyền thông, dùng công nghệ để phát triển du lịch. Việc cơ cấu lại hệ thống quản lý, phát huy vai trò của hệ thống quản lý cũng cần được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Quang Tùng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), nhận xét: “Du lịch Việt được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng, tính bền vững. Nhiều khách quốc tế đến rồi một đi không trở lại”. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...

 

 

5 vấn đề cần cải thiện cho du lịch Việt Nam

Giám đốc điều hành BCG Singapore, ông Olivier Muehlstein, cho biết, có 5 vấn đề chính Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, con gười phải được nâng cấp. Việt Nam cần có cách tiếp cận mới và điều này thực sự mất nhiều thời gian, công sức, cần sự phối hợp từ nhiều bên.

Thứ hai, về ngắn hạn có một số vấn đề cần thay đổi, như làm sao để định vị Việt Nam trên thị trường đang có nhiều đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia... Làm sao để xây dựng thương hiệu quảng bá với tư cách quốc gia, đặc biệt từng điểm đến cụ thể. Cần có thông điệp để Việt Nam ít nhất phải bằng các quốc gia khác trong Đông Nam Á.

Thứ ba, làm thế nào nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam ngay từ khâu chọn điểm đến như vấn đề visa, chuyến bay... Đặc biệt, khi Việt Nam chưa phải nước đứng đầu danh sách họ nghĩ tới, cần làm sao để nâng cao hơn nữa trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Thứ tư là vấn đề quản trị, vai trò của hội đồng - làm thế nào để nâng cao vai trò của tổng cục, không chỉ ở khâu quản lý mà còn là hợp tác với các cơ quan khác từ trung ương, địa phương để cải tiến vai trò tổng cục giúp du lịch vận hành trơn tru.

Cuối cùng là nâng cao mức độ hợp tác. Không chỉ nói Vietnam Airlines tăng chuyến bay trong khi vấn đề khách sạn, hạ tầng chưa cải thiện. Phải làm sao để tất cả cùng hợp tác phát triển.


 


 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top