Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 1 năm 2018 | 10:40

Ngành Giáo dục Đào tạo huyện Tủa Chùa: Góp phần thắp sáng ước mơ

Tủa Chùa là một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, địa hình chia cắt phức tạp, nhiều sông suối, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Khó khăn là vậy, nhưng những người làm giáo dục nơi đây vẫn nỗ lực không ngừng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, góp phần vào ước mơ xây dựng một tương lai tươi sáng cho những trẻ em vùng khó khăn.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa trao Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Sính Phình.

Ổn định quy mô trường lớp

Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết, để nâng cao chất lượng dạy và học, ngay từ đầu năm học, ngành đã tăng cường các giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, rà soát, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Năm học 2017-2018, toàn ngành có 42 đơn vị trường học, 668 nhóm, lớp với 16.956 học sinh. Trong đó, bậc học mầm non có 15 trường, 250 nhóm, lớp với 5.830 học sinh, tăng 32 nhóm, lớp so với cùng kỳ năm học trước; bậc tiểu học có 16 trường, 301 lớp với tổng số 7.110 học sinh, tăng 5 lớp so với kế hoạch tỉnh giao. Bậc trung học cơ sở có 11 trường, 117 lớp với tổng số 4.016 học sinh, tăng 2 lớp và 349 học sinh so với cùng kỳ năm học 2016-2017.

Về cơ sở vật chất trường học, tính đến hết 30/9/2017, toàn ngành có 770 phòng học, trong đó có 379 phòng kiên cố (chiếm 49,2%), 191 phòng bán kiên cố (chiếm 24,8%), 104 phòng học 3 cứng (chiếm 13,5%), 47 phòng học tạm (6,1%) và 49 phòng mượn (6,4%). Ngoài ra, còn có 39 phòng học chức năng (4 phòng kiên cố, 23 phòng bán kiên cố và 12 phòng 3 cứng); 330 phòng công vụ (79 phòng kiên cố, 196 bán kiên cố, 22 phòng 3 cứng, còn lại là phòng tạm và mượn; 259 phòng ở nội trú cho học sinh (15 phòng kiên cố, 198 phòng bán kiên cố, 32 phòng 3 cứng, còn lại là phòng tạm và mượn).

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tủa Chùa luôn quan tâm đến công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế của trường xây dựng kế hoạch trường chuẩn quốc gia, đưa ra các biện pháp phấn đấu xây dựng từng tiêu chí. Hiện, toàn huyện có 14/42 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 5, tiểu học 4, THCS 5)”, thầy Sơn cho biết thêm.

Chú trọng giáo dục dân tộc

Bên cạnh đó, ngành luôn coi công tác giáo dục dân tộc là trọng tâm và được quan tâm đúng mức. Hiện, toàn ngành có 7.919 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trong đó có 5.313 học sinh bán trú (tiểu học có 2.846, THCS có 2.467 học sinh). Tủa Chùa  hiện có 18 trường PTDTBT, trong đó có 10 trường tiểu học và 8 THCS.

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo có 1.241 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 114 cán bộ quản lý, 910 giáo viên và 197 nhân viên. 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Hiện nay, Tủa Chùa còn thiếu 146 giáo viên so với định mức.

Song song với việc dạy chữ, các trường có học sinh bán trú và các trường PTDTBT đã  quản lý tốt việc ăn ở sinh hoạt của học sinh; thường xuyên kiểm tra đôn đốc học sinh vệ sinh cá nhân và vệ sinh khu nội trú; xây dựng và tổ chức thực hiện theo thời gian biểu hàng ngày. Hướng dẫn học sinh trong sinh hoạt, tổ chức các hoạt động tập thể và hướng dẫn học sinh thực hiện nề nếp sinh hoạt nội trú đặc biệt là đối với những học sinh mới vào bán trú; hướng dẫn học sinh tự tổ chức lao động sản xuất (nuôi lợn, trồng rau xanh) nhằm cải thiện bữa ăn, mua sắm đồ dùng sinh hoạt cho học sinh. Nhờ vậy, đời sống học sinh nội trú dân nuôi đã đi vào ổn định. Các đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

“Các nhà trường cũng tích cực thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, xây dựng môi trường học tập thân thiện, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã góp phần không nhỏ trong việc huy động học sinh ra lớp và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần”, thầy Sơn nhấn mạnh.

Coi trọng công tác phổ cập

Về công tác phổ cập giáo dục (PCGD), ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tra cập nhật dữ liệu vào phần mềm phổ cập; kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập cấp xã, xây dựng hệ thống hồ sơ đảm bảo đúng quy định; tự kiểm tra các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập, lập hồ sơ đề nghị UBND huyện kiểm tra công nhận, thầy Sơn cho biết.

Đến thời điểm này, toàn huyện có 12/12 xã, thị trấn duy trì PCGD tiểu học mức độ 2; 12/12 xã, thị trấn duy trì đạt PCGD THCS mức độ 1; 12/12 xã, thị trấn duy trì đạt PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi và 12/12 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa kiểm tra việc chuẩn bị bữa ăn cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè.

Tuy nhiên, thầy Sơn cũng cho hay, giáo dục Tủa Chùa còn tồn tại một số khó khăn như cơ sở vật chất, lớp học, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển về quy mô như thiếu phòng học bộ môn, phòng công vụ, nhà nội trú, số phòng học chưa kiên cố còn nhiều,... Đặc biệt, đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, nhất là cấp học mầm non nên đã ảnh hưởng  đến công tác huy động học sinh ra lớp và tổ chức bán trú cho trẻ.

Bằng sự nỗ lực, tấm lòng và quyết tâm cao độ của ngành Giáo dục và Đào tạo, những con chữ đã được “gieo mầm” thành công trên quê hương Tủa Chùa. Tương lai của con, em học sinh Tủa Chùa đang được kỳ vọng, tươi sáng hơn bao giờ hết.

Đỗ Hùng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top