Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 2 năm 2018 | 16:32

Ngành Y tế Điện Biên: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống y tế

Những năm qua, ngành Y tế Điện Biên đã nỗ lực hoàn thiện mạng lưới y tế, tăng cường thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao xuống công tác tại tuyến dưới.

Tuy nhiên, công việc này hiện gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trao đổi với bác sỹ Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, về vấn đề này.

anh-giam-doc-so-y-te-dien-bien.jpg

Xin ông đánh giá về thực trạng hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay?

Hiện tại, hệ thống tổ chức của ngành y tế Điện Biên đang thực hiện quản lý dọc từ tỉnh đến cơ sở (xã, phường, thôn, bản). Tuyến tỉnh gồm cơ quan Văn phòng Sở Y tế và 02 chi cục trực thuộc Sở; 16 đơn vị sự nghiệp, trong đó có 5 bệnh viện; 10 trung tâm chuyên khoa; 1 trường cao đẳng y tế. Tuyến huyện có 10 phòng y tế do UBND huyện trực tiếp quản lý; ngành y tế quản lý 10 trung tâm y tế và 10 trung tâm dân số -KHHGĐ.

Với hệ thống quản lý dọc, có nhiều thuận lợi cho công tác lãnh đạo của Sở Y tế trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân từ tỉnh đến cơ sở.

Song để tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo quy định của Bộ Y tế, các trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh cần tập trung về một đầu mối.

Sở Y tế đã xây dựng Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế; trong đó có đề nghị thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trên cơ sở hợp nhất 7 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh và kiện toàn hệ thống tổ chức Trung tâm Y tế tuyến huyện theo Thông tư số 26/2017/TT-BYT ngày 26/6/2017 của Bộ Y tế.

Đâu là những khó khăn của ngành Y tế Điện Biên hiện nay, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên vẫn còn một số khó khăn như: Địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân. Cơ sở vật chất của các đơn vị khám - chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn: bệnh viện đa khoa tỉnh chưa có nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, 1 bệnh viện chưa có cơ sở để làm việc (Bệnh viện Tâm thần). Bệnh viện huyện Nậm Pồ chưa được đầu tư xây dựng; 09/17 phòng khám đa khoa khu vực cần nâng cấp và đầu tư xây mới, 58 trạm y tế cần được nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới. Hệ thống xử lý chất thải y tế tại nhiều cơ sở y tế không đảm bảo, mới có 27% cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Theo ông , cần làm gì để thu hút được cán bộ y tế có chuyên môn cao về công tác tại tuyến dưới?

Hiện tại, UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn nhưng do mức đãi ngộ còn thấp nên rất khó để thu hút những người có trình độ cao về công tác tại tỉnh và các huyện. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, môi trường làm việc tại một số bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng  nguyện vọng của các bác sĩ (vì trước đó họ đã được thực hành tại các cơ sở bệnh viện lớn­).

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cần có những chính sách tăng đãi ngộ thu hút bác  sĩ giỏi về bệnh viện huyện như tăng bậc lương, tiền thu hút hoặc cấp đất ở…Tăng cường việc tuyên truyền cho sinh viên trường y tốt nghiệp loại khá giỏi, có tinh thần xung phong về làm việc tại các bệnh viện huyện, sẽ được cho đi đào tạo chuyên khoa 1 với kinh phí của tỉnh hỗ trợ 100%.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề bác sĩ giỏi về tuyến dưới công tác, cần thực hiện biện pháp tăng cường bác sĩ (hình thức luân phiên).

Xin cảm ơn ông!

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu có 80% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (104 xã). Kết quả thực hiện lũy tích đến hết năm 2016, có 60 xã đạt bộ tiêu chí (chiếm tỷ lệ 46,1%); năm 2017 có thêm 13 xã mới được công nhận, nâng tổng số lên 73 xã, đạt tỷ lệ 56,1%.

Đỗ Hùng (thực hiện)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top